Nghệ thuật múa đương đại: Sự diệu kỳ của Sương sớm
Đời thường - Ngày đăng : 09:03, 26/11/2012
Họ là nhóm bạn chơi với nhau đã lâu, thật thân. Nhưng nếu không có chung một niềm đam mê múa chắc chắn sẽ không có tình thân như thế. Múa đã làm cho họ thành đạt và mỗi người đều có sự nghiệp riêng, đủ nếm trải vinh quang.
Nguyễn Tấn Lộc từ một chàng trai thích múa, tự học để trở thành nghệ sĩ và rồi chính tài năng và sự đam mê đã mở đường cho anh sang Tokyo học múa, trở thành biên đạo múa các chương trình ca nhạc lớn nhất của TP.HCM.
Nguyễn Ngọc Anh là diễn viên múa tự do. Từ năm 2001 đến nay anh là biên đạo múa cho rất nhiều công ty múa tại Hongkong, Anh, Thụy Điển. Còn Vũ Ngọc Khải từng là diễn viên múa tại các nhà hát và công ty múa ở Đức, Hà Lan.
Cả ba bạn đi nhiều, làm việc nhiều, học hỏi nhiều. Họ đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không thể xây dựng một nhà hát múa đương đại tại đất nước mình để thổi vào đó tâm hồn, con người thuần Việt.
Những người bạn cùng chung nguyện ước, ngồi lại với nhau và cho ra đời công ty múa đương đại Arabesque. Những vở diễn Chuyện kể những chiếc giày, Mộc và Sương sớm của Arabesque đã chứng minh múa đương đại không phải là những tiết mục thể nghiệm mà đã thật sự trở thành những vở diễn có thể phản ánh tất cả hiện thực của cuộc sống đương thời.
Trong vở múa đương đại Sương sớm, khán giả lặng im trong bóng tối, để chờ sáng và nghe tiếng dế kêu, gà gáy và tiếng lộc cộc gõ móng của những con trâu trên đường làng… Màn sương bảng lảng tách dần bóng đêm, nhìn rõ hơn những người nông dân lưng cong “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cứ lặng lẽ cần mẫn trên cánh đồng của mình.
Những đôi gái trai nông dân trong những điệu múa uyển chuyển thể hiện sức cần lao. Tiếng đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu rạo rực khuấy động bình minh. Tiếng sương rơi thánh thót từ mái lá, lãng mạn và nhẹ như ru, khi các cô gái trong áo dài đỏ chầm chậm từng bước chân, nhập hội gánh nhang lên chùa.
Tiết tấu âm nhạc tăng dần với bộ gõ. Sân khấu như nóng lên, rạo rực cùng với màn ba: Mùa. Bốn vị sư với bốn màu áo xanh, cam, vàng, trắng tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Âm nhạc và vũ đạo trỗi lên những biến theo từng mùa: khi thì lạnh lẽo, bàng bạc và trầm mặc tựa đông về, khi thì mạnh mẽ nồng ấm như trời vào hạ. Khi thì giông bão nổi lên, những con người nhỏ bé nghèo khổ vật lộn chống trả.
Tố Như và Vũ Ngọc Khải |
Người làm nên Sương sớm thật khéo khi đưa giọng ca cải lương của nghệ sĩ Hồng Thắm vang vọng giữa màn đêm, giăng giăng nỗi cô quạnh đến rũ người của cảnh vợ xa chồng, để mở ra màn bốn với tiêu đề: Đêm. Trên sân khấu, bản đờn Dạ cổ hoài lang run rẩy những ray rứt của người đàn bà vắng chồng, khát yêu thương…
Vũ Ngọc Khải đã kể lại rằng: “Để tìm được ý tưởng cho vở múa đương đại Sương sớm, các bạn đã ngồi bên nhau, mỗi đứa kể lại những kỷ niệm thơ bé với chị, với em, với mẹ… ở quê. Nhớ lúc đó họ sống khổ lắm, làm cực lắm. Có hôm nhong nhóng cả buổi, con chờ mẹ đi chợ về, mẹ chẳng có nổi một cái bánh rán cho riêng con. Mình chỉ cần lục rổ của mẹ, lấy một quả cà chua, cắn một miếng, sao thấy nó ngon quá. Chính sự hồn nhiên trong đói nghèo khiến con người ta vẫn vui và sống. Đó cũng là mạch ý tưởng các bạn muốn khán giả thấy suốt trong vở Sương sớm”.
Màn múa Được mùa nhịp nhàng rạo rực trong tiếng gõ của những thanh tre, những điệu múa tập thể của trai gái làng quê và cũng thật có duyên khi mỗi một khán giả cũng được tặng một cặp tre để cùng gõ, cùng hòa vào không khí của vở, tạo hiệu ứng rất sảng khoái của ngày được mùa.
Sương sớm
Nhưng tất cả những gì duyên dáng và uyển chuyển nhất được thấy ở màn sáu: Lụa. Ba dải lụa lớn chuyển màu từ vàng đỏ sang màu nâu đất được thả từ trên cao xuống. Đôi trai gái hòa quyện vào nhau với những vũ đạo tuyệt vời trong tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng.
Các nghệ sĩ đang kể cho khán giả câu chuyện của một cô gái làm nghề dệt lụa. Đêm xuống, cô thích ngồi khảy và nhấn nhá những phím dây của cây đàn. Tiếng đàn tranh của cô gái vang sang nhà hàng xóm.
Ở đó, có một đôi trai gái yêu nhau (Nghệ sĩ ballet Tố Như và Vũ Ngọc Khải). Tiếng đàn tranh quyện vào cuộc tình tự của đôi trai gái… Nghệ sĩ ballet Tố Như, dường như không tuổi, đã từng thành danh và đoạt được giải Diễn viên trẻ xuất sắc ở kỳ thi quốc tế tại Liên Xô cũ từ những năm 80.
Tố Như đã diễn chung với nhiều thế hệ thuộc học trò của mình. Chị tỏa sáng bởi lòng đam mê và tấm lòng bền bỉ không ngừng khổ luyện. Trong Sương sớm Tố Như đạt đỉnh cao của kỹ thuật điêu luyện, vẫn trẻ trung và khỏe khoắn khi thể hiện những động tác múa đầy biểu cảm.
Còn Vũ Ngọc Khải lại thổ lộ: “Để chuẩn bị cho vai diễn này tôi đã đi tìm và sờ tay vào các mặt hàng lụa của Thái, Ấn Độ, Trung Quốc… mà vẫn cứ thấy lụa Việt Nam nhẹ, mềm mại và mát tay nhất. Khi múa, tôi như bước ra từ màn lụa đó và trong tiếng đàn tranh réo rắt, lả lướt của chị Hải Phượng, tôi có cảm giác như cùng bay lên từ độ mềm, mát, óng ả của lụa, để rồi như bềnh bồng trôi vào sóng mặt hồ lăn tăn trong gió. Tuyệt lắm khi diễn viên đạt đến cảm xúc thăng hoa đó!”.
Nghệ sĩ Hải Phượng |
Một cô thôn nữ để chân trần với đôi quang gánh nhẹ bước. Chàng trai bước theo sau. Lạ chưa, chàng lấy từ trong đôi quang gánh những chiếc guốc mộc, nhẹ nhàng đặt vào những dấu chân cô thôn nữ vừa bước qua.
Một con đường từ những dấu chân được kết bằng những chiếc guốc hiện ra. Một vệt sáng như một luồng ánh nắng trải dài sáng lên con đường bằng những chiếc guốc.
Khúc kết vở diễn Sương sớm như làm òa vở cảm xúc của cả khán phòng. Tiếng vỗ tay và tiếng gõ từ những thanh tre vang lên như không muốn dứt…
Vở múa đương đại Sương sớm đã làm cho người xem cảm thấy ngất ngây, toại nguyện và đồng cảm với tất cả gì mà những người làm nên vở diễn muốn nói. Biên đạo Nguyễn Tấn Lộc người khởi xướng Arabesque cười thật vui: “Nụ cười của em hôm nay có màu tươi của vé bán. Khán giả đã đến và thích nghệ thuật múa đương đại. Thật hạnh phúc!”.