Intel: Đi tìm nền tảng mới

Bình luận - Ngày đăng : 03:50, 29/11/2012

Sự ra đi đột ngột của CEO Paul Otellini có phải là dấu hiệu cho thấy vị trí thống trị gần như tuyệt đối của Microsoft và Intel trong nhiều thập kỷ qua đang bị đe dọa?
Intel: Đi tìm nền tảng mới

Sự ra đi đột ngột của CEO Paul Otellini có phải là dấu hiệu cho thấy vị trí thống trị gần như tuyệt đối của Microsoft và Intel trong nhiều thập kỷ qua đang bị đe dọa?

Đọc E-paper

CEO Paul Otellini, 62 tuổi, của Intel vừa làm giới công nghệ ngỡ ngàng khi công bố ông sẽ nghỉ hưu vào năm sau, sau gần 40 năm cống hiến cho công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới này. Otellini cho biết ngắn gọn: “Sau hơn bốn thập kỷ với Intel và 8 năm giữ vai trò CEO, giờ đã đến lúc bước tiếp và chuyển đổi người lãnh đạo của Hãng sang một thế hệ mới”.

Trong thời gian ông Otellini làm CEO (từ năm 2005 đến 2012), Intel đã có được một số thành tựu đáng kể như: doanh thu hằng năm tăng từ 39 tỷ USD đến 54 tỷ USD. Về mặt công nghệ, Intel đã chuyển đổi việc sản xuất và chi phí cấu trúc để công ty tăng trưởng tốt hơn trong thời gian dài, sản xuất được các vi xử lý High-K/Metal Gate (HKMG) và bóng bán dẫn ba cổng 3D (3-D Tri-gate, dùng trong thế hệ CPU Ivy Bridge) giúp tăng hiệu năng chip.

Intel cũng ra mắt một nền tảng thiết bị di động mới là Ultrabook. Mới đây, Intel cũng ra mắt những chiếc smartphone chạy CPU Intel Atom thế hệ Medfield, đánh dấu bước tiến của hãng vào thị trường di động...

Tuy nhiên, ngành công nghiệp máy tính đã thay đổi nhanh chóng và ngày càng đe dọa vị trí thống trị trong ngành kinh doanh bán dẫn của Intel. Liên minh “Wintel” kết hợp sức mạnh hệ điều hành Windows của Microsoft và chip của Intel, dù vẫn còn sức mạnh nhưng đã phải có những bước nhún nhường trước sự phát triển vũ bão của các thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng.

Máy tính không còn là vị trí trung tâm của thế giới công nghệ. Trong năm vừa qua, lần đầu tiên doanh số các thiết bị sử dụng CPU non-PC (tablet, smartphone, eReader...) xấp xỉ PC (khoảng 400 triệu máy)...

Vì thế, lãnh đạo của cả Microsoft và Intel đều không ít lần nhắc đến thời kỳ “thế giới hậu PC”. Nhưng không ngờ mọi sự thay đổi đã diễn ra quá nhanh chóng và Intel không thể nắm giữ quyền chi phối trong thị trường này, thậm chí còn phải nhường bước cho ARM Holdings - một công ty của Anh đang nhận hợp đồng thiết kế bộ vi xử lý cho các công ty như Qualcomm và Nvidia.

Do đó, theo nhiều phân tích, sự ra đi của Paul Otellini có thể có nguyên nhân từ sự sụt giảm của doanh số vi xử lý cho máy tính. Dan Olds, nhà phân tích đến từ Gabriel Consulting Group, cho biết, sự ra đi của Otellini có thể mở ra một sự thay đổi đột phá khi Intel hiện đang chiến đấu trên nhiều mặt trận và cần một nhà lãnh đạo mới có thể giúp công ty có những bước tiến vững chắc trên đường đua.

Cả Microsoft và Intel cùng nỗ lực cứu vãn liên minh Wintel bằng việc ra mắt các mẫu Wintel tablet (tablet với nền tảng Intel và chạy hệ điều hành Windows) cùng lúc với hệ điều hành Windows 8 mới nhất của Microsoft để đối đầu với các mẫu WoA tablet (tablet có nền tảng ARM, chạy hệ điều hành Windows)...

Trong vòng 6 tháng tới, Paul Otellini sẽ làm việc chặt chẽ với ban lãnh đạo Intel để việc chuyển giao quyền lực được diễn ra nhanh chóng. Sau khi nghỉ việc từ chức danh CEO, ông vẫn sẽ đóng vai trò như cố vấn cho Intel. Ban lãnh đạo của Intel sẽ tiến hành quy trình chọn người kế nhiệm cho Otellini và sẽ cân nhắc đến các ứng cử viên cả trong lẫn ngoài Intel.

Intel cho biết đã chấp thuận thăng chức cho ba nhân viên cấp cao của hãng vào vị trí phó giám đốc điều hành. Những người này là Renee James, Trưởng Bộ phận Phần mềm của Intel; Brian Krzanich, COO và Trưởng nhóm Sản xuất toàn cầu; và cuối cùng là Stacy Smith, CFO kiêm Giám đốc Bộ phận Chiến lược. Tuy nhiên, thực tế là Hội đồng quản trị của Intel đã cho biết họ sẽ xem xét các ứng cử viên bên ngoài, thậm chí là từ đối thủ ARM, để dẫn dắt Intel đi theo một quỹ đạo mới.

HÀ CÚC