Rupert Murdoch đâu đã hết thời!
Quốc tế - Ngày đăng : 04:49, 14/12/2012
Liệu vụ xì căng đan nghe lén thông tin điện thoại năm ngoái có phải là “trong cái rủi có cái may” đối với Rupert Murdoch, ông chủ của Tập đoàn Truyền thông News Corp.?
Rupert Murdoch |
Nếu cách đây một năm thì ai cũng cho rằng câu hỏi này thật nực cười. Điều đó là dễ hiểu vì News International, công ty quản lý các tờ báo tại Anh của News Corp., đã gần như sụp đổ vào mùa hè năm ngoái.
Bởi khi vụ tai tiếng nghe lén thông tin điện thoại của tờ báo lá cải News of the World (một ấn phẩm của News International) trở thành đề tài nóng hổi trên các phương tiện truyền thông Anh trong suốt nhiều tháng trời.
Vụ bê bối đó đã buộc Murdoch phải khai tử “đứa con cưng” News of the World và dẫn đến sự ra đi hàng loạt các lãnh đạo cấp cao tại News Corp.
Không chỉ vậy, sự phẫn nộ của công chúng cùng với hàng loạt vụ điều tra của cơ quan chức năng ở nhiều nước về cách thức hoạt động của News Corp. đã đưa đế chế truyền thông của Murdoch đứng bên bờ vực thẳm. Và lần đầu tiên, Murdoch phải ra điều trần trước các nhà làm luật Anh. “Đây là ngày nhục nhã nhất trong cuộc đời của tôi”, ông nói.
Tuy nhiên, kể từ khi Murdoch tuyên bố sẽ tách bộ phận xuất bản thành một công ty riêng, hoạt động độc lập thì cổ phiếu của News Corp. đã tăng mạnh trở lại. Giá cổ phiếu đã tăng 20% kể từ tháng 7/2011, cộng thêm hơn 5 tỉ USD vào mức vốn hóa thị trường của Tập đoàn.
Việc giá cổ phiếu tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư rất lạc quan về tương lai của News Corp. một khi tập đoàn này rũ bỏ được gánh nặng báo in vào giữa năm 2013. Và có nghĩa là Murdoch đang có cơ hội thứ hai để gầy dựng lại hình ảnh của mình.
Chiều lòng nhà đầu tư
Vụ bê bối News of the World đã buộc Murdoch phải làm điều mà các nhà đầu tư đã thúc giục ông trong nhiều năm trời (nhưng ông luôn từ chối): từ bỏ mảng báo tăng trưởng thấp của Tập đoàn.
Cần nói thêm là Wall Street Journal, thuộc sở hữu của News Corp., là tờ báo sinh lợi nhờ biết kiếm tiền bằng cách tính phí đọc báo trực tuyến.
Nhưng các tờ báo khác thì đang gặp khó khăn. Các cổ đông tại Mỹ đã từ lâu xem việc Murdoch khăng khăng giữ lấy các tờ báo, đặc biệt tại Anh, là một thú vui xa xỉ. Vì thế, họ rất hài lòng khi Murdoch cuối cùng đã quyết định tái tập trung vào lĩnh vực truyền thông giải trí, một phân khúc đang tăng trưởng nhanh.
Thực vậy, Murdoch đã tiến hành nhiều thương vụ để bành trướng vào lĩnh vực này như nắm quyền kiểm soát nhà khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất Úc và mua lại New York Yankees Radio Network, kênh phát trò chơi được nhiều người ưa thích.
Murdoch cũng rất nhanh chóng bắt tay vào việc lấy lại danh tiếng cho Tập đoàn. Sau khi vụ bê bối xảy ra, ông đã cho thành lập Ủy ban Quản trị và Các Tiêu chuẩn để giải quyết vụ xì căng đan News of the World. Ủy ban đã và đang hợp tác với cơ quan điều tra của Anh để tìm chứng cứ về các vụ hối lộ quan chức chính phủ.
Và nhà đầu tư đã thực sự hoan hỉ khi thứ Hai (ngày 3/12), Murdoch đã chính thức công bố chi tiết về vụ chia tách News Corp. Theo đó, bộ phận xuất bản vẫn giữ tên News Corp., gồm Dow Jones & Co., nhà xuất bản tờ Wall Street Journal, các tờ báo tại Anh và Úc, nhà xuất bản sách HarperCollins và các tài sản trong lĩnh vực truyền hình tại Úc.
Còn bộ phận giải trí sẽ lấy tên Fox Group, bao gồm hãng phim 20th Century Fox, kênh truyền hình cáp Fox News và kênh phát thanh Fox. Nhà đầu tư tin rằng, việc chia tách này sẽ cho phép bộ phận giải trí, sau khi không còn phải gánh mảng báo in, sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa (bộ phận giải trí đang đóng góp gần 90% lợi nhuận hoạt động của News Corp. trong năm tài chính 2012).
Với những điều mà Murdoch đã làm từ khi vụ xì căng đan nổ ra, nhiều người cho rằng Murdoch đã làm được điều dường như không thể là đưa Tập đoàn thoát khỏi sự đổ vỡ.
Từ bỏ ngành báo?
Chia tách mảng báo không có nghĩa là Murdoch sẽ từ bỏ ngành báo. “Tôi được sinh ra trong một gia đình làm báo. Cha tôi là người tin rằng báo là một trong những công cụ quan trọng nhất mang đến tự do cho con người”, Murdoch phát biểu vào năm 2008. Murdoch đã làm chủ tờ báo đầu tiên ở Úc ở tuổi 22, sau đó mua lại các tờ báo địa phương khác.
Đến năm 1964, ông đã lập nên tờ báo quốc gia đầu tiên của Úc là The Australian và năm 1969 ông đã vươn ra nước ngoài khi mua lại tờ báo Anh News of the World, không lâu sau đó là The Sun. Trong suốt hơn 50 năm qua, ông đã không ngừng bành trướng đế chế báo chí của mình sang các lĩnh vực như truyền hình, internet, thể thao, phim ảnh...
Theo Robert Spitzler, nguyên Thư ký tòa soạn của New York Post, vai trò của Murdoch trong đế chế báo chí của ông không chỉ là nhận xét và đưa ra các đề nghị. “Rupert viết tít tựa, xây dựng nên cốt chuyện, dẫn dắt câu chuyện. Rupert có mặt ở khắp nơi”, ông nói.
Đó là lý do Murdoch đã ưu ái chi cho bộ phận xuất bản mới chia tách một khoản tiền lớn, giống như của hồi môn cho đứa con gái xuất giá để có thể bắt đầu một cuộc sống mới một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, số tiền này đang khiến cho các cổ đông chau mặt vì họ nghĩ nếu dùng chúng vào nơi khác thì sẽ tốt hơn nhiều. Còn giới phân tích đang lo ngại không biết liệu News Corp. mới sẽ sử dụng số tiền đó thế nào và có thể mang lại cổ tức cho nhà đầu tư hay không.
Nhiệt tình của Murdoch đối với ngành báo dường như không hề giảm đi, vì có những dấu hiệu cho thấy News Corp. đang theo đuổi các thương vụ M&A trong lĩnh vực xuất bản.
Gần đây nhất là việc News Corp. đặt vấn đề với CBS Corp. để mua lại bộ phận sách Simon & Schuster của công ty này, theo một nguồn tin thân cận. News Corp. cũng đang xem xét mua lại các tờ báo như Los Angeles Times, thuộc Tribune Co.. (News Corp. từ chối bình luận về vấn đề này).
Tuy nhiên, sự đeo đuổi này có thể sẽ không mù quáng như nhiều người vẫn nghĩ, vì Murdoch đã không ngại khai tử những ấn phẩm làm ăn thua lỗ. The Daily, ấn phẩm dành riêng cho iPad được ra đời cách đây 2 năm nhằm tấn công vào mảng kỹ thuật số, là một ví dụ.
Thứ Hai tuần qua, Murdoch tuyên bố đến giữa tháng 12 này, The Daily sẽ không còn tồn tại vì “chúng tôi không tìm được lượng độc giả đủ lớn, đủ nhanh để chứng minh rằng mô hình kinh doanh này là bền vững trong dài hạn”.
Theo chuyên gia phân tích David Bank của RBC Capital Markets, “việc Rupert Murdoch khai tử The Daily là một dấu hiệu tích cực. Điều đó cho thấy nếu ông ấy muốn thay đổi thay thì ông ấy sẽ làm ngay. Nếu đó là một Rupert mới, tôi rất hoan nghênh”.
Sóng gió đã yên?
Mọi chuyện cho đến nay coi như đã tạm lắng dịu. Nhưng không có nghĩa sóng gió không còn. Hiện tại, FBI đang điều tra các vụ hối lội quan chức nước ngoài, căn cứ theo Đạo luật FCPA về Hành vi đưa hối lộ tại nước ngoài của Mỹ (Công ty từ chối nói về bất cứ vụ điều tra nào trong tương lai). Và điều này vẫn đang là mối đe dọa đối với tương lai của News Corp.
Một viễn cảnh rất có thể xảy ra là Murdoch sẽ phải dàn xếp với giới chức trách Mỹ và khoản tiền dàn xếp sẽ tốn của Công ty hàng triệu USD nữa. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là vụ bê bối này sẽ kết thúc ở đó.
Một vấn đề nhức nhối khác là chuyện thừa kế sau khi Rupert rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc và Chủ tịch News Corp. Theo Cơ quan điều tra Leveson Inquiry, không có bằng chứng nào cho thấy Rupert Murdoch biết về cách lấy tin bằng cách nghe lén điện thoại trong Tập đoàn hoặc ông là người dàn xếp che đậy vụ việc. Nghĩa là cá nhân Murdoch không bị lãnh trách nhiệm về vụ nghe lén điện thoại.
Thế nhưng danh tiếng của ông cũng đã bị sứt mẻ và vì thế, lần này ông sẽ khó mà thắng trong các cuộc họp với cổ đông về việc chọn người kế vị (các cổ đông xưa nay luôn than phiền về quyền lực của gia đình Murdoch, nhất là trong các quyết định lớn của Tập đoàn).
Murdoch vẫn mong muốn người kế thừa ông sẽ là một trong những đứa con trai của ông. James Murdoch, người con mà ông kỳ vọng sẽ kế thừa đế chế báo chí của mình thì đã bị tổn hại hình ảnh nặng nề do liên quan đến vụ xì căng đan nghe lén điện thoại.
Theo Leveson Inquiry, có bằng chứng cho thấy James có liên quan đến vụ nghe lén và cũng cho biết cảnh sát đang tiếp tục điều tra sự việc tại News International. Bản tuyên án cuối cùng có thể sẽ không thuận lợi cho James và có thể sẽ làm mất cơ hội kế vị. Đây là một tin không vui cho Murdoch, vốn luôn muốn đế chế của mình nằm trong vòng kiểm soát của gia đình ông.