Về Yên Bái thăm đền Đông Cuông
Du lịch - Ngày đăng : 08:32, 22/12/2012
Vào những ngày đầu xuân, nhiều du khách thập phương đổ về huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc, sau đó là tham dự lễ hội đền Đông Cuông, để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co…
Cảnh trên đường đi |
Cách thành phố Yên Bái khoảng 50km, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng mênh mang. Du khách đến đền bằng đường thủy hay đường bộ cũng đều được thưởng thức cảnh đẹp hai bên đường đi.
Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở khu vực thượng lưu sông Hồng đã tồn tại từ gần cả ngàn năm trước, dân gian còn gọi di tích này là “Đền Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn”. Năm 2009, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sổ sách ghi lại việc giữ đền và tế tự cho biết: đền này thờ Đông Quang công chúa Lê Thị Kiểm của nhà Tiền Lê. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên hy sinh trong một trận chiến chống quân phương Bắc.
Sau đó, công chúa Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.
Người đi lễ đền bằng thuyền |
Đền Đông Cuông nằm giữa một khuôn viên rộng rãi, cây xanh tỏa bóng mát xum xuê, điểm xuyết những vạt rừng đào, rừng mận đang mùa hoa nở rộ. Mặt đền quay về hướng nam, địa thế tựa vào hình sông thế núi với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc.
Con đường dốc độc đạo chạy từ phía Đông lên đền uốn mình quanh co mềm như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi khiến khung cảnh càng thêm thâm nghiêm, tĩnh mịch. Đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật.
Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu… được chạm khắc tỉ mỉ hình tứ linh và hoa lá. Các bức chạm khắc tinh vi đạt trình độ cao cả về kỹ thuật phục chế và mỹ thuật.
Chính điện |
Ngay từ những ngày đầu xuân, tuy chưa phải là chính hội nhưng đã có hàng ngàn du khách đến đền thắp hương tế lễ. Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu tiên trong năm.
Trâu dùng để tế lễ là trâu trắng được tuyển chọn kỹ từ nhiều tháng trước. Người ta mổ trâu, lấy chín chén tiết đem xuống bến sông để tế, sau đó trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, người dân khỏe mạnh, làm ăn phát tài… Sau khi cúng, thịt trâu được đem ra chế biến thành các món ăn mời du khách đến đền làm lễ.
Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong ba lễ chính của hội đền Đông Cuông. Những năm gần đây, khi tín ngưỡng đạo Mẫu được hồi phục, mặc dù lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng nhưng trước đó, luôn có hàng ngàn người dân địa phương và du khách tập trung trước cửa đền cùng tham gia rước làm nên không khí hết sức tấp nập.
Lối lên đền |