LHQ: Kinh tế châu Á năm 2013 tăng trưởng thấp

Quốc tế - Ngày đăng : 04:28, 23/12/2012

Một phúc trình mới về kinh tế của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và Ấn Độ do khủng hoảng ở châu Âu và yếu kém ở Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng xấu trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
LHQ: Kinh tế châu Á năm 2013 tăng trưởng thấp

Một phúc trình mới về kinh tế của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và Ấn Độ do khủng hoảng ở châu Âu và yếu kém ở Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng xấu trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Đọc E-paper

Phúc trình của Ủy hội Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) cho thấy mặc dù khu vực này có thể bắt đầu hồi phục vào năm 2013 nhưng chỉ có một số ít người thoát được nghèo túng giữa lúc khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng. Nhìn về tương lai, phúc trình này dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2013 tại châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thấp so với tiềm năng và vẫn còn gặp “những cơn gió ngược”.

Các điểm quan trọng khác của phúc trình là Trung Quốc tiếp tục tăng chậm, trao đổi thương mại trên khắp thế giới tiếp tục trì trệ, và giá các loại thương phẩm sẽ thấp hơn. Các nhà kinh tế của UNESCAP nói suy thoái ở châu Âu, tăng trưởng thiếu sinh động của Mỹ đang tác động lên châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc, được cho là lực thúc đẩy kinh tế quan trọng tại khu vực.

Phúc trình của UNESCAP hạ thấp mức tăng trưởng năm 2012 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương lúc đầu là 6,5% bây giờ chỉ còn 5,6%; tuy nhiên, các nhà kinh tế hy vọng qua 2013 sẽ khá hơn. Tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ có 7,8%, do đó các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc để xuất khẩu sẽ gặp tác động nhiều hơn. Tăng trưởng kinh tế trên khắp khu vực này dự đoán sẽ giảm gần 1%. Tăng trưởng của Đài Loan, Hàn Quốc và Hongkong bị ảnh hưởng trực tiếp trước tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, châu Á chịu đựng giỏi hơn châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng ông Anisuzzaman Chowdhury, Trưởng ban Chính sách và Phát triển Kinh tế Vĩ mô của UNESCAP, nói rằng lần này châu Á không tránh khỏi các ảnh hưởng do yếu kém và thiếu ổn định kéo dài tại các nền kinh tế lớn của các nước đang phát triển: “Trước đây châu Á chịu đựng giỏi nhưng bây giờ họ đã bắt đầu thấy ảnh hưởng bởi vì có một giới hạn nào đó trước sự kiện khủng hoảng tại các nước sử dụng euro kéo dài, và không biết đến bao giờ mới giải quyết xong”. Ông Chowdhury cũng quan tâm đến khoảng cách thu nhập đang nới rộng tại Đông Á, và sự yếu kém của cơ chế bảo hiểm xã hội.

N.NAM