Giữa "bơ" và "súng"
Bình luận - Ngày đăng : 07:01, 21/01/2013
![]() |
Trong khi tổng thống Obama chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, thì nội bộ nước Mỹ đang dấy lên cuộc tranh luận về tương lai chiến lược của siêu cường. Giữa “bơ” (tập trung ưu tiên vào kinh tế) hay là “súng” (duy trì khả năng quân sự để giữ vị trí ba quyền thế giới) là nội dung của cuộc tranh luận đang diễn ra trên tạp chí hàng đầu Foreign Affairs với hai luận điểm trái chiều nhau từ hai nhóm học giả về vai trò toàn cầu của nước Mỹ.
Đây là lúc “lùi để tiến”
Lập luận đầu tiên thuộc về Barry Posen (đại học MIT) với đề nghị về sự cần thiết về một hướng đi mới cho chiến lược đối ngoại Hoa Kỳ. Ông đã gọi giải pháp mới này là “Strategy of Restraint” (tạm dịch: Chiến lược kiềm chế). Trong quan điểm của mình, Posen đề ra những chính sách mà theo ông là có sự khác biệt rất xa với những gì mà công chúng Mỹ đã quá quen thuộc, không chỉ từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mà thậm chí là từ khi nó bắt đầu.
Cụ thể, những đặc điểm chính trong chiến lược Posen đề ra bao gồm: nước Mỹ cần thiết phải tỏ ra trầm lắng hơn trong việc sử dụng sức mạnh quân sự; một phạm vi khiêm tốn hơn đối với những chuyển biến chính trị trong và giữa các quốc gia; và cuối cùng là một sự xa cách cần thiết cả về mặt chính trị và quân sự đối với các đồng minh truyền thống.
Cả thế giới chờ đợi chính sách quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ này của ông Barack Obama. Ảnh: Reuters
Với tư cách là một nhà hiện thực kì cựu, trong lập luận của mình, Posen khẳng định lại tầm quan trọng của an ninh quốc gia, cùng với sự cần thiết trong việc xác định các mối đe dọa và cách hóa giải chúng – bằng chính trị hay quân sự. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng từ sau sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, nước Mỹ phải đối mặt với 4 thực tế: trật tự đơn cực hướng về siêu cường duy nhất là Mỹ; sự phát triển trở lại của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tôn giáo; sự khuếch tán quyền lực – đặc biệt về quân sự - tới các quốc gia nhỏ hơn và cả các chủ thể phi quốc gia; và cuối cùng là toàn cầu hóa. Sau khi xem xét 4 thực tế này, theo Posen, chính sách đối ngoại chủ trương hướng ngoại đã không đem lại kết quả tốt. Vì vậy thay vào đó, nước Mỹ cần làm ít hơn để hưởng lợi nhiều hơn: theo đuổi Chiến lược kiềm chế.
Giải thích cho đề xuất trên của mình, ông lập luận: những mối bận tâm về an ninh đối với nước Mỹ hiện nay không phải là đe dọa về chủ quyền mà là sự an toàn trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Posen đưa ra trường hợp của Al-Qaeda mà cho rằng đáng lẽ chính quyền Bush đã nên theo đuổi một chiến lược thiên về phòng thủ hơn và trực tiếp hơn tới Al-Qaeda thay vì lẫn lộn về mục đích chống khủng bố hay dân chủ để rồi sa lầy ở Afghanistan và Iraq. Về mặt chính trị, Washington cần đưa ra những dự án ở các nước đang phát triển phù hợp với giá trị Mỹ, cho phép Hoa Kỳ trở nên giống như một “gã nhà giàu tốt bụng”.
“Nếu như bạn muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh”
Người Hy Lạp có một câu ngạn ngữ cổ bằng tiếng Latin “Nếu như bạn muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của Stephen Brooks, John Ikenberry, William Wohlforth – đại diện cho trường phái ủng hộ giới lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng chi tiêu quốc phòng, cũng như duy trì các hoạt động quân sự và hỗ trợ đồng minh bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Họ cho rằng, lúc này đây vẫn chưa phải là lúc để người Mỹ “quay trở về nhà”.
Để bảo đảm nền hòa bình và phát triển quốc gia, để giữ vững vai trò lãnh đạo và vị thế cường quốc số 1 thế giới, nhóm học giả này cho rằng Hoa Kỳ cần phải tiếp tục duy trì được một sức mạnh quân sự - quốc phòng và hệ thống đồng minh quân sự vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Ta có thể phần nào xem tư tưởng này như một trường phái truyền thống trong giới học giả Hoa Kỳ về lĩnh vực nghiên cứu chính sách đối ngoại. Nếu như Hoa Kỳ tiếp túc lựa chọn con đường “can thiệp sâu”, lựa chọn “súng” thay cho “bơ”, nghĩa là họ đã quyết định tiếp nối chính sách đối ngoại truyền thống của mình từ thời chiến tranh lạnh.
Ba mục tiêu cốt lõi này, cùng với vai trò “lãnh đạo thế giới” mà Mỹ tự nhận lãnh, đã mở rộng khái niệm “an ninh” của Hoa Kỳ lên tầm mức toàn cầu. Từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến sau khi Liên Xô tan rã, cả thế giới là sân chơi của Mỹ. Hay nói một cách khác, lợi ích của Hoa Kỳ tồn tại ở mọi nơi, và bất cứ một vấn đề nào trên “quả đất” này đều có liên quan đến an ninh của Washington.
Để đảm bảo tình trạng an toàn này được giữ vững, Hoa Kỳ buộc phải đưa ra những cam kết an ninh đối với hệ thống đồng minh toàn cầu của mình, kéo theo đó là sự leo thang của chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, chấp nhận cái giá của chiếc ghế “lãnh đạo toàn cầu”, Hoa Kỳ cũng đồng thời thu lại lợi ích không đơn thuần chỉ về không gian để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều quan trọng mà Washington có được chính là những đặc quyền ưu tiên về chính trị đối với các quốc gia đồng minh chiến lược, cũng như phần còn lại của thế giới. Chính sức mạnh quân đội bên ngoài lãnh thổ đã biến Hoa Kỳ thành một cường quốc toàn cầu như ngày nay. Chiến lược này giúp cho Mỹ làm chủ được “bàn cờ chính trị” thế giới, luôn giữ được tiếng nói và thế chủ động trong việc quản lý các “rủi ro quốc tế” có thể xảy đến trong ngắn hạn và dài hạn.
Chiến lược “chuyển trục” sang châu Á - Thái Bình Dương gần đây của Washington được đưa ra như một ví dụ điển hình về vai trò can thiệp của Hoa Kỳ đối với cục diện khu vực và thế giới. Có thể nói, những quan điểm đều xoay quanh câu hỏi: Vị thế “lãnh đạo toàn cầu” của Mỹ cần phải thay đổi như thế nào.
Cuộc tranh luận này phản ánh mối quan tâm của giới tinh hoa Hoa Kỳ về con đường tương lai của siêu cường. Dù cần một biên độ thời gian để kiểm chứng các lý thuyết, nhưng lựa chọn giữa “bơ” và “súng” rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu và giải thích “Chính sách đối ngoại Obama 2.0”, đặc biệt là với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.