Đi tìm giá trị bền vững

Du lịch - Ngày đăng : 05:50, 06/02/2013

Nhìn vào lịch sử cải cách của Việt Nam thì đây không phải là thời điểm khó khăn nhất. Có sai lầm, có chậm trễ, song chúng ta vẫn vượt qua được
Đi tìm giá trị bền vững

Nhìn vào lịch sử cải cách của Việt Nam thì đây không phải là thời điểm khó khăn nhất. Có sai lầm, có chậm trễ, song chúng ta vẫn vượt qua được.

Đọc E-paper

Có hai khía cạnh để xem xét nếu nhìn nhận về tăng trưởng. Trong ngắn hạn, người ta hay bàn tăng trưởng cùng tổng cầu (như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu...), nhưng trong dài hạn, độ bền vững tăng trưởng chính là khả năng duy trì năng lực sản xuất, kinh doanh để tạo giá trị gia tăng và sau những từ ấy phải có một chữ: Sáng tạo.

Trả lời câu hỏi khó khăn nào hiện nay là khó nhất, có lẽ đó là năng lực quản trị, năng lực lãnh đạo gắn với sự quyết đoán, khả năng giải trình, tinh thần dám chịu trách nhiệm với nền kinh tế, với xã hội. Tiếp đến là làm sao tối thiểu hóa được cái “đớn đau” và rút ngắn thời gian để dịch chuyển theo hướng những tư tưởng phát triển mới đặt ra cả cho toàn cầu và Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 dựa trên ba trụ cột là cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trước mắt, giai đoạn đến 2015 tập trung vào những điểm, những lĩnh vực gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm méo mó phân bổ nguồn lực, và do vậy, hạn chế khả năng cũng như tính bền vững tạo giá trị gia tăng ngày càng cao, đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước đang rất thiếu hiệu quả, đó là đầu tư công đang rất lãng phí và hệ thống ngân hàng không làm tốt một chức năng cơ bản của nó là chuyển tiết kiệm sang đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Việt Nam tập trung vào đó là đúng rồi, nhưng làm sao để tăng trưởng xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn và công bằng hơn (mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình này) thì vẫn là thách thức lớn.

Thực tế cho thấy, đạt được cả ba mục tiêu phát triển: tạo giá trị gia tăng bền vững, thân thiện với môi trường và thân thiện với cộng đồng không hề đơn giản. Cả về lý luận cũng như kiểm định thực nghiệm cần có những nghiên cứu đầy đủ và chuyên sâu hơn. Người ta thường bàn và nói nhiều đến sự đánh đổi giữa ba mục tiêu. Sự đánh đổi ấy còn chịu áp lực của chu kỳ chính trị của các nhà hoạch định chính sách. Họ dễ dàng đánh đổi cái trước mắt để tạo hình ảnh, nỗ lực tăng trưởng cao trong ngắn hạn và có thể hy sinh kết cục thân thiện với môi trường, với cộng đồng.

Một yếu tố nữa, nói dễ hơn làm rất nhiều: Ai cũng có thể nói mạnh là cần bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính. Song, để tạo ra một nền kinh tế xanh rất khó vì có ít nhất ba lý do rất cơ bản.

Thứ nhất, việc thay đổi hành vi xã hội, hành vi người tiêu dùng, hành vi sản xuất cho thân thiện với môi trường là không dễ. Điều này chúng ta có thể quan sát thấy rất rõ ở Việt Nam.

Thứ hai, các nhà kinh tế hiện nay vẫn chưa có cách hạch toán chuẩn mực, đầy đủ về chi phí môi trường, với tư cách là vốn đầu vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, đó là vấn đề ngoại ứng, người ra sức bảo vệ môi trường, tạo dựng kinh tế xanh có khi không được trả công xứng đáng, kẻ không làm nhiều khi lại được hưởng lợi nhiều hơn. Nói cách khác, xử lý phân bổ chi phí và phân bổ lợi ích thu được không đơn giản.

2. Song cũng đừng quá bi quan, những dấu hiệu tốt xuất hiện ngày càng nhiều. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò nền kinh tế xanh đang biến chuyển tích cực, người ta tập trung vào nghiên cứu lý luận và đưa ra những chính sách ngày càng gần thực tiễn hơn.

Bên cạnh cách làm xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn cũng đã thực sự hình thành ngành kinh tế gọi là ngành xanh, tạo ra giá trị gia tăng, công ăn việc làm. Ở một số nước phát triển, nó bắt đầu chiếm một tỷ trọng cũng rất đáng kể trong GDP.

Việt Nam là một đất nước của thế giới này, cho nên phải chia sẻ những giá trị với nhân loại. Trước những tư tưởng phát triển mới, Việt Nam không thể là ngoại lệ. Sự phát triển ấy phải thực sự từ tâm thức, bên cạnh thu nhập cao, nó phải thân thiện với môi trường, với cộng đồng, mọi người phải được tham gia vào và được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Theo nghĩa ấy, lý luận, lý thuyết về phát triển nói chung, lý thuyết về phát triển kinh tế nói riêng và những kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới đều là những điều Việt Nam cần chiêm nghiệm, học hỏi.

Tất nhiên, quốc gia nào cũng có đặc thù riêng, đặc thù ấy có thể do thể chế, có thể do lịch sử và gắn với một giai đoạn phát triển nhất định nào đấy của đất nước. Nói như thế không có nghĩa là mô hình phát triển của Việt Nam xa lạ, mà nó gắn với quá trình phát triển của Việt Nam, có cái tìm tòi riêng của mình, song vẫn trong tương tác với những biến động, thay đổi trên thế giới.

3.Trong “chất” riêng Việt Nam có nhiều điểm tốt và cũng có điểm còn thiếu tích cực nên mình phải biết chia sẻ, biết học hỏi, đặc biệt là những điều liên quan đến giá trị phát triển mà nhân loại muốn hướng tới.

Chúng ta đừng nên đối lập cái riêng, cái đặc thù với giá trị chung để rồi đóng cửa, bảo thủ, mà phải xem chúng như một sự bổ sung, hoàn thiện cho nhau. Việt Nam phải là một phần của thế giới và góp phần phát triển cùng thế giới, chứ không phải mình đối lập và cố tìm cái khác biệt để trốn tránh, biện minh cho những điều có thể chưa tốt của mình.

Nói như vậy, cũng phải hiểu đúng tính đặc thù. Đây là câu chuyện quan trọng, bởi nó gắn với thể chế (thể chế là “luật chơi” dù là chính thức hay phi chính thức, là cách thức “chơi”). Nếu muốn tiến, cần cả chính sách tốt và thực thi tốt. Đó chính là sự giao thoa, cộng hưởng nhuần nhuyễn của quá trình cải cách, sáng tạo, cùng với sự năng động từ bên dưới và sự mạnh mẽ, quyết liệt mà trí tuệ từ bên trên.

Một điều nữa Việt Nam cần cải thiện, đó là học cách đối thoại giữa các nhóm xã hội khác nhau, giữa Nhà nước với thị trường, với xã hội, giữa trong nước với ngoài nước. Một cách đối thoại cần có là cởi mở, sẵn lòng trao đổi bất cứ vấn đề gì, bởi thế giới bây giờ như vậy, chứ không phải một cách đối thoại né tránh, thiếu rõ ràng và đôi khi quá nhiều ẩn ý.

TS. VÕ TRÍ THÀNH