Don Lâm - Đại sứ đầu tư

Chân dung - Ngày đăng : 03:46, 09/02/2013

Nguyện vọng của bố mẹ là muốn tôi làm bác sĩ, nhưng tôi sợ máu nên thôi”, Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital dí dỏm nói về “cái duyên, cái số” với nghiệp tài chính của mình.
Don Lâm - Đại sứ đầu tư

Nguyện vọng của bố mẹ là muốn tôi làm bác sĩ, nhưng tôi sợ máu nên thôi”, Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital dí dỏm nói về “cái duyên, cái số” với nghiệp tài chính của mình.

Đọc E-paper

Ông đầu bạc

Don cùng gia đình sang Canada định cư từ năm 11 tuổi, anh là con lớn trong gia đình có năm anh em và tất cả đều có điểm chung là tóc bạc giống anh. Khi không còn làm ở VinaCapital trong vai trò Phó giám đốc Điều hành, ông Phạm Đỗ Chí, giờ là chuyên gia kinh tế tự do, nói vui: “Don Lâm tóc bạc vì suốt ngày phải suy nghĩ xem đầu tư vào cái gì là tốt nhất”.

Năm 26 tuổi, Don trở về Việt Nam làm đại diện cho Hãng Tư vấn PriceWaterHouse Cooper (PwC), phụ trách mảng tư vấn tài chính và cơ cấu doanh nghiệp. Cũng chính trong vai trò này, anh đã gặp người đồng sáng lập VinaCapital là Horts Geicke. Horts Geicke khi đó là khách hàng của Don và chính Don đã tư vấn để các khoản đầu tư của Horts đạt lợi nhuận cao nhất.

Trong làn sóng thứ hai của các quỹ đầu tư (QĐT) vào Việt Nam (từ 2000 - 2005), Don quyết định cùng vị khách đặc biệt của mình lập nên VinaCapital chỉ với quy mô vốn 10 triệu USD cho một quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF), niêm yết tại Sở Chứng khoán London (AIM), một con số thật nhỏ bé so với giá trị tài sản 1,5 tỷ USD mà Don và các đồng sự tại VinaCapital đang quản lý. Thời điểm khởi đầu đó, không chỉ VinaCapital, thị trường Việt Nam còn là nơi dừng chân của nhiều QĐT khác.

Dù xuất hiện cùng thời kỳ thịnh vượng nhất nhưng mỗi QĐT lại đi theo hướng khác nhau. Don quyết định tham gia vào những công ty “blue-chip” thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Tuy nhiên, để lấy được sự tin tưởng của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, những người được mệnh danh là “biết chơi chứng khoán từ thuở nằm nôi”, chắc chắn Don không chỉ nhờ vào sự may mắn và chính anh.

“VinaCapital là cả một đội ngũ, chúng tôi có trách nhiệm với mỗi cent mà NĐT bỏ ra”, Don nói. Về điểm này, ông Thân Trọng Phúc, người từng là Tổng giám đốc Intel Việt Nam, nay là Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ VinaCapital, nhận xét: “Don biết và hiểu nhiều về Việt Nam cũng như có kinh nghiệm ở không ít lĩnh vực để thành công tại đây. Quan trọng hơn hết, anh ấy là người dám làm, có tầm nhìn và chấp nhận rủi ro để có được những gì tương xứng với công sức mình bỏ ra”.

Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo VinaCapital là tối đa hóa lợi nhuận cho người đã bỏ tiền ra để đầu tư vào Việt Nam. Nhưng Don sẽ có kế sách gì để tìm được bên mua trong điều kiện vĩ mô ở nước sở tại không thực vững chắc? Để làm được điều này không phải là chuyện đơn giản vì trong giới đầu tư, mọi người vẫn hay ví von “người Tây thì thích người ta bày thức ăn lên và họ sẵn sàng trả tiền hơn là chỉ ra nguyên liệu và bắt họ đi nấu”. Trình bày, thuyết phục và kiên nhẫn là những yếu tố mà những người như Don cần.

Don nhớ lại, điều khiến anh ấn tượng nhất là những lần đầu tiếp xúc với các NĐT ở châu Âu, Mỹ, họ đều là những NĐT lớn nhưng chưa đến hoặc lâu lắm không trở lại Việt Nam, lúc nào câu hỏi mở đầu của họ cũng là: “Việt Nam đã hòa bình chưa, ổn định chưa?”. Cũng khó trách vì họ xem phim cũ nên trong suy nghĩ luôn “ấn tượng” Việt Nam là quốc gia chưa phát triển.

“Khi đó, mình phải trình bày nhiều và dẫn chứng nào là Intel, HP, các định chế tài chính quốc tế đã vào Việt Nam rồi để mua sự an tâm của họ. Phải gặp họ vài lần vì điều quan trọng nhất là kéo được họ sang thăm Việt Nam một lần để họ thấy Việt Nam phát triển”, Don chia sẻ. Don tính toán: “Chỉ có 10 trong tổng số 100 người chúng tôi gặp là gật đầu sang Việt Nam, song chỉ có 3% là đồng ý đầu tư vào. Nhiều NĐT đã chuẩn bị ký hợp đồng nhưng những thông tin tiêu cực từ báo chí nước ngoài khiến họ chùn bước, chẳng hạn, năm 2012 là một năm mà chúng tôi đi nhiều nhưng không thu về kết quả như mong muốn”.

Bữa tối của Việt Nam

Hằng năm, Don cùng VinaCapital chủ trì và tham gia ít nhất 10 sự kiện trong nước lẫn quốc tế. Điều khiến những đồng nghiệp tại VinaCapital lẫn các đối tác yên tâm về Don là anh thực sự có uy tín nhất định trong giới đầu tư quốc tế lẫn tại thị trường Việt Nam. Điều này được minh chứng qua sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á được tổ chức tại TP.HCM năm 2010.

Cùng với APEC, ASEM, đây được xem là diễn đàn thu hút sự chú ý của giới quan sát, các hãng thông tấn và báo chí quốc tế bởi sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo của hơn 1.000 tập đoàn lớn trên thế giới. Hơn nữa, đó cũng là giai đoạn Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Năm năm liên tiếp, với vai trò là thành viên của WEF, VinaCapital luôn chủ trì sự kiện “Vietnam Dinner” (sự kiện bên lề WEF) và mời Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Việt Nam đến gặp gỡ các NĐT.

Trước đây, vào những năm 60, thời điểm kêu gọi đầu tư nước ngoài, Singapore cũng đã áp dụng khá thành công phương thức này.
Để đưa WEF về các vấn đề Đông Á đến Việt Nam, Don cho biết: “Chúng tôi phải mất hai năm để vận động”. Cứ thử hình dung nó giống như khi London giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic 2012 trước Madrid, Moscow, New York và Paris. Ngay lúc đó, có ít nhất ba quốc gia ở Đông Nam Á chạy đua để tổ chức diễn đàn WEF, cụ thể là Thái Lan, Singapore và Philippines.

Hai năm chỉ để Don và những thành viên trong Ban tổ chức gặp gỡ Tổng giám đốc WEF tại Davos (Thụy Sĩ) và đại diện của họ tại châu Á để trình bày, thuyết phục về hình ảnh một Việt Nam đang phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau nhiều năm đóng cửa, Việt Nam giờ đã mở cửa đón tiếp NĐT nước ngoài...

Hàng trăm thứ cần nói, Don chia sẻ, anh rất may mắn khi trong thành viên Ban tổ chức WEF có những người Việt ở nước ngoài giúp đỡ, Don không làm trực tiếp nhưng cái mà anh có thể làm được là tìm đúng người giúp mình. Và theo quan điểm của Don thì nhiều người Việt ở nước ngoài rất giỏi, điều quan trọng là mình phải ráp họ lại với nhau để họ yêu Việt Nam.

Lẽ ra, Don sẽ là một bác sĩ như bố mẹ anh mong muốn nhưng trưởng thành, Don lại theo nghiệp tài chính và người bạn đời của Don cũng từng đảm nhiệm chức Giám đốc Tài chính cho một ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Don nói, anh đi nhiều nên vợ anh đã chấp nhận nghỉ làm, ở nhà chăm lo cho ba thành viên nhí.

Có ba nguyên tắc Don luôn dành cho gia đình. Thứ nhất, Don không bao giờ “bay” hai tuần liên tục ở nước ngoài, anh sẽ về nhà vào tối thứ Sáu hoặc sáng thứ Bảy hằng tuần và có thể bay sang châu Âu vào tối Chủ nhật. Hai là không giao phó toàn bộ chuyện chăm con cho nhà trường và người giúp việc. Ba là cách Don dạy con xài tiền. Hằng tuần, anh cho mỗi đứa 100.000 đồng, nhiệm vụ của các con anh là ghi lại mọi chi tiêu trong sổ sách; còn mục tiêu của Don là mong muốn con không hoang phí và biết quản lý đồng tiền chặt chẽ.

Don cũng thường hay dẫn con đến thăm các trẻ em mổ tim, những bệnh nhi mà Tổ chức VinaCapital Foundation do anh khởi xướng đang hỗ trợ. Don nhìn nhận, điều mà anh có được trong suốt 18 năm trở về Việt Nam là sự thành công của VinaCapital đã giúp cho hàng trăm đứa trẻ thoát khỏi căn bệnh tim hiểm nghèo. Và điều mà Don luôn nhắc đi, nhắc lại trong mỗi lần gặp lại tôi là Quỹ VinaCapital Foundation sẽ chỉ hỗ trợ sang lĩnh vực khác khi Việt Nam không còn trẻ em mất vì tim.

ĐỖ HẢI