Điện ảnh Hoa ngữ: Hoa nở cuối mùa
Đời thường - Ngày đăng : 09:33, 27/03/2013
Ngày 22/3 vừa qua, lần đầu tiên, phim Hồng Kông được trình chiếu miễn phí trong một tuần lễ tại TP.HCM. Có khá nhiều bộ phim ăn khách lần lượt ra mắt khán giả. Tuy nhiên, sau ba ngày diễn ra sự kiện, một câu hỏi đã được đặt ra: Liệu phim Hồng Kông có còn đất sống tại thị trường Việt Nam khi mà phim Hàn Quốc và Hollywood đổ bộ dồn dập?
Thời vang bóng chưa xaLễ khai mạc Tuần lễ phim Hồng Kông
Những năm thập niên 90, phim bộ dài tập của TVB hay ATV luôn tràn ngập màn ảnh tivi mọi nhà, hình ảnh của Quách Phú Thành, Cổ Thiên Lạc, Lưu Đức Hoa... xuất hiện nhan nhản trên bìa các tạp chí. Rồi những bộ phim điện ảnh, đa phần là phim bạo lực, cũng được khán giả Việt Nam say sưa thưởng thức qua băng video, đĩa VCD (vì lúc bấy giờ DVD và các rạp chiếu phim chưa phát triển như hiện nay).
Sức hấp dẫn của phim Tàu, diễn viên Tàu lan sang cả âm nhạc, cái mà người ta hay gọi là Cantopop (vẫn còn hiện diện một phần nhỏ trong âm nhạc Việt Nam hiện nay). Văn hóa phim ảnh Hồng Kông đã từng có thời gian thống trị trong giới trẻ cho đến khi làn sóng phim Đài Loan và đặc biệt là dòng phim “drama” của Hàn Quốc đổ bộ dồn dập vào đầu những năm 2000, thống lĩnh màn ảnh nhỏ trong một thời gian ngắn.
Ngắn nhưng cũng đủ để người ta có khái niệm về một ngành công nghiệp điện ảnh khá hùng mạnh. Hàn Quốc còn gây tiếng vang bởi doanh thu các phim nội địa của họ đều cán mốc hơn 50 triệu USD, vượt cả phim bom tấn của Hollywood.
Các ngôi sao phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng như: Song Hye-kyo, So Ji-sub, Bi Rain... cũng thỉnh thoảng “chạy sô” qua màn ảnh rộng để hút khách theo ý nhà sản xuất. Doanh thu phim truyện của họ trong năm ngoái đạt hơn 50% so với tổng doanh thu của các phim đến từ các nước khác.
Ai cũng biết, chủ trương của Hàn Quốc là không để doanh thu các phim nước ngoài cao hơn phim nội địa, và vì “ước nguyện” đó mà ngành công nghiệp điện ảnh của họ lên như diều gặp gió. Tất nhiên, không thể phủ nhận báo chí cũng tiếp tay quảng bá cho phim ảnh và văn hóa xứ Hàn.
Mặc dù phim truyền hình và phim điện ảnh có đất sống riêng, khán giả riêng, nhưng tại Việt Nam luôn tồn tại khái niệm đơn giản là phim truyền hình của nước nào mạnh thì phim điện ảnh cũng thế và ngược lại. Khái niệm đơn giản này dẫn đến “cái chết” của phim Đại lục tại thị trường Việt Nam.
Mỗi năm chỉ lẹt đẹt một, hai phim tạo được dấu ấn với khán giả Việt, chẳng hạn như năm nay có Tây du ký ngoại truyện của ông hoàng phim hài Châu Tinh Trì, còn tác phẩm Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ mặc dù mang tiếng là đỉnh cao của phim võ hiệp Trung Hoa với rất nhiều ngôi sao được khán giả biết đến nhưng lại thất bại thê thảm do không hợp khẩu vị của nhiều khán giả Việt.
Riêng cả hai phần phim Họa bì thì khá hơn với doanh thu trên 100 triệu USD và đoạt nhiều giải thưởng khu vực.
Tìm lại hào quang
Tuần lễ phim Hồng Kông lần thứ nhất có lẽ là một trong những bước đi nhằm cứu vãn thị trường phim của họ trong mắt bạn bè nước ngoài. Dễ nhận thấy các phim được chọn trong lần ra mắt này đều là phim mang tính giải trí khá cao nhưng lại thiếu nhiều tựa phim đến từ phong trào Làn sóng mới - một trong những tinh hoa của điện ảnh Trung Hoa 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, 7 tác phẩm tham gia tuần phim lần này đều mang dấu ấn tương đối rõ nét về phong cách làm phim điện ảnh ở Hồng Kông - Trung Quốc. Dễ thấy Cold War hay The Viral Factor là một kiểu tiến hóa của phim Young and Dangerous hay Vô gian đạo năm nào, mà nay kể cả Việt Nam cũng bắt chước (Bụi đời chợ lớn, sắp chiếu vào tháng 4).
Phim tình cảm A Beautiful life thuần túy không thuộc Hồng Kông và theo mô-típ khá cũ, tuy hấp dẫn nhưng không thể tạo được đột phá như hai phần phim hài If you are the one (doanh thu tổng cộng hơn 100 triệu USD) của Phùng Tiểu Cương - một phim rất đáng giới thiệu tại tuần lễ phim lần này.
Chỉ có tác phẩm của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, Life without principle, có thể nói là đáng xem nhất. Đây là tên tuổi đã mang về doanh thu ổn định hằng năm cũng như luôn xuất hiện một cách trang trọng tại nhiều liên hoan phim quốc tế ở Cannes, Venice...
Không phải ngẫu nhiên các phim của ông được chọn, vì những The Mission, Election... đều đã đạt đến trình độ của một phim giải trí đỉnh cao mà vẫn mang đầy đủ dư vị của điện ảnh Hồng Kông: kịch tính, khúc mắc, vấn đề xã hội rõ rệt. Tất nhiên, đánh giá thấp thể loại phim này tại thị trường Việt Nam không đồng nghĩa điện ảnh xứ này yếu kém.
Trong quá khứ, Hollywood cũng đã mượn lại Vô gian đạo để làm The Departed rất thành công, hay Tâm trạng khi yêu đưa điện ảnh Hồng Kông lên một tầm cao mới trên bản đồ điện ảnh quốc tế.
Nhưng suy cho cùng, tất cả các xu hướng này cả Hàn Quốc hay Nhật Bản... đều đã khai thác trọn vẹn trong những năm qua và hiện nay có phần nhỉnh hơn về mặt hình thức, quảng bá. Phim Hoa ngữ không hết thời, chỉ là họ vẫn đi theo con đường truyền thống xưa cũ và khiến người ta thờ ơ, bỏ quên.
Nói vui, nếu ngày xưa các bà nội trợ chỉ mê xem phim bộ kiếm hiệp hoặc thâm cung bí sử, thì ngày nay họ chuyển kênh sang phim tình cảm Hàn. Còn giới trẻ, ngày xưa, khi văn hóa Hoa ngữ nổi đình đám, họ có thể đi học cả tiếng Phổ thông.
Ngày nay, nếu bạn hỏi thì họ sẽ nói rằng họ thích học tiếng Nhật và tiếng Hàn, vì “xem phim Nhật nghe người ta nói chuyện duyên quá”, hoặc “học tiếng Hàn để quen bạn trai”, vì “tiếng Trung giờ đã lỗi thời!”...