Thảm đỏ mốc biên cương
Du lịch - Ngày đăng : 09:38, 03/04/2013
Anh Bùi Thế Hùng, Phó đồn trưởng quân sự Đồ Biên phòng Pa Vệ Sư, Lai Châu chân thành chia sẻ rằng, chinh phục Mốc 42 là hành trình rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là với những người không quen đi rừng như chúng tôi.
>>Mảnh trăng cuối rừng Bum Nưa
>>Người La Hủ - Bản năng sinh tồn nơi biên viễn
Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, anh quyết định lập tổ công tác hỗ trợ. Theo đó, anh Ly Xú Ly, người Hà Nhì, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy làm đội trưởng, anh Tòng Trung Kiên, người Thái, Phụ trách quân y của Đồn để phòng trường hợp trong đoàn có người bị thương, rắn, côn trùng cắn, chiến sĩ người Thái là Phùng Láo Lở và Vòng Văn Nguyện hỗ trợ mở đường, hậu cần cũng như xử lý các sự cố phát sinh trên đường và một dân quân người La Hủ vì nắm rõ địa hình ở vùng núi cao này.
Thế nhưng kế hoạch chinh phục Mốc 42 tưởng như hủy bỏ do đường cũ không đi được. May sao anh Ly tìm được người La Hủ biết con đường khác, đường này phải băng suối, nguy hiểm và khó khăn hơn.
Chúng tôi men theo con đường mòn lên bản Sín Chải B. Sau đó băng qua bờ đê nhỏ xíu của những thửa ruộng đang mùa đổ nước, rồi trèo qua những con dốc dài thăm thẳm trong tiết trời u ám.
Những con dốc cứ nối tiếp nhau dài và lên cao mãi, những bước chân cứ chậm dần... Anh Ly, anh Kiên nhìn bộ dạng mệt mỏi của tôi mà cười: “Chưa đâu, chỉ mới khởi động thôi!”
Lại tiếp tục những con dốc vô định cao ngất. Chúng tôi bò tiếp qua những khu rừng ẩm ướt và sình lầy, hậu quả của cơn mưa rừng đêm qua. Đường gần như không có.
Chiến sĩ Lở phải vừa đi vừa phát đường, lúc chui rúc, lúc leo trèo, cây cứ quất vào mặt, kéo ba lô, gai cào xước cả tay, nhưng chân không được phép dừng lại.
Không nhớ chính xác là sự mệt mỏi ấy kéo dài bao nhiêu lâu thì chúng tôi đến một con dốc thăm thẳm. Thấy con dốc mà tôi phát hoảng vì quá sâu và đầy đá lẫn trong đất, đi rất dễ trượt và bị đá rớt vào đầu.
Chúng tôi tách nhau ra xa hơn để đề phòng đá lở, khi đến cuối dốc thì nghe tiếng la thất thanh của người phía sau: “Tránh ra, đá lở!”.
Thật may là tôi vừa kịp nhảy qua chỗ trống bên phải thì cục đá lớn như trái dưa hấu lăn qua! Nhìn con đường đá dài dằng dặc, trời dần sập tối, lòng thấy lo lắng và mông lung khó tả.
Những chiến sĩ như từng bóng đen nhỏ ở xa phía trước, như ảo ảnh trong màn đêm chực chờ buông xuống, tiếng côn trùng kêu, tiếng hú của những đàn vượn gọi nhau và cái lạnh không còn trên da thịt mà thấm sâu vào nỗi sợ hãi mơ hồ. Người cứ rét buốt, cổ họng khát khô, đầu cứ bừng bừng choáng váng. Khát quá gặp suối thì vục xuống mà uống.
Và rồi chúng tôi không đi nổi nữa, phải hạ trại giữa chừng. Anh Kiên và Lở dựng lán, Nguyện đi lấy nước nấu cơm và kiếm rau rừng, anh Ly đốt lửa. Trời tối rất nhanh, trong phút chốc là màn đêm bao trùm hết cả.
Trong cái giá rét của trời đêm, bên đống lửa hồng ấm áp, chúng tôi ngồi quây quần cùng nhau thưởng thức bữa cơm giữa rừng. Từ bốn phương trời, đại diện những dân tộc anh em xa lạ lại hội tụ cùng nhau, Kinh, Thái, Tày, Hà Nhì, La Hủ, mới gặp lần đầu mà chân thành, thân thiết.
Có trải qua những đoạn đường hiểm trở mới hiểu vì sao các anh biên phòng cũng chỉ đi tuần Mốc 42 mỗi năm ba, bốn lần. Ngoài các anh, không có người dân nào lên đây.
Vì thế, những con đường mòn nhỏ nhanh chóng biến mất và chúng tôi phải mở đường mà đi. Càng gần đỉnh thì dốc càng nhiều hơn và độ nghiêng cũng cao hơn nên phải nói là cứ nhích từng bước một trong cái nắng rát da.
Và cũng ở đây, chúng tôi lạc vào khu rừng cỏ lau và cây thuốc ngải cứu mà người Thái gọi là cây linh li. Thường ngải cứu chỉ cao tầm 60cm nhưng ở đây lại cao quá đầu người và dày đặc mênh mông, phủ trên diện rộng hàng trăm hecta.
Dọc đường đi, lác đác khu đồi bên kia là những màu hoa đỗ quyên đỏ thắm. Những bước chân cứ lê lết và kiệt sức dần, và chính lúc này bắt đầu xuất hiện cảm giác bỏ cuộc, nhưng cũng lúc đó nghe tiếng hú của các anh đi trước.
Và cũng đã đến bìa rừng nguyên sinh, lăn đùng ra đó, ngáp lấy ngáp để như cứ sợ không khí không lọt được vào phổi. Chúng tôi đặt cho khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp và bí ẩn này cái tên “Khu rừng huýt sáo”.
Đang ở ngoài trời nắng gắt khủng khiếp, khi vừa vào rừng là lạnh ngắt. Gió lạnh thổi luồn qua hốc tạo nên những âm thanh vi vút đầy ma quái. Thế nhưng trên cao, triệu cánh hoa rực rỡ lại phủ rợp cả rừng, đây những cụm hoa trắng muốt, kia là cả cành đỏ rực, lẫn trong màu hồng phớt là chút vàng thanh thoát.
Lúc này tôi mới biết “Khu rừng huýt sáo” chính là triệu cây hoa đỗ quyên với hàng chục loại khác nhau. Từng chinh phục Fansipan, Tà Chì Nhù và những đỉnh cao khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngắm rừng hoa đỗ quyên tuyệt diệu như thế!
Anh Kiên phụ trách quân y còn chia sẻ, trong khu rừng này còn có rất nhiều cây thuốc quý hiếm, chữa được nhiều loại bệnh, đặc biệt là có nhiều nhân sâm, mà anh em biên phòng đặt tên vui là “Nhân sâm cà chua”.
Để biết tuổi của nhân sâm thì đếm số ngấn trên thân củ, có những củ anh tìm được đến 40, 50 ngấn. Có những loại lá anh ngắt đưa chúng tôi ngửi là thấy có mùi thơm, có loại thì vị đắng nghét. Anh nói: “Đi trong rừng này không cần đem thuốc vì nó là cái bệnh viên thiên nhiên khổng lồ rồi”.
Tôi cũng không hy vọng sẽ “nằm viện” tại đây nên tiếp tục hành trình. Rời khỏi “bệnh viên thiên nhiên”, chúng tôi lạc vào khu rừng trúc xanh. Ngẩn ngơ giữa mênh mông bạt ngàn thân trúc trong gió rì rào làm tôi thấy mình như ở trong bộ phim Tây du ký.
Và có một loài hoa chúng tôi cũng không rõ hoa gì những đỏ thắm, cánh hoa rụng đầy dưới mặt đất. Một bên là rừng trúc, một bên là rừng hoa đỏ. Chúng tôi cứ đùa nhau là được “trải thảm đỏ lên mốc biên cương”.
Càng gần tới Mốc 42, những thảm lá trúc, thảm hoa càng dày hơn, ở đoạn rừng trúc này dốc thoai thoải nên chúng tôi đi nhanh và không mệt. Dường như có một dòng máu nóng đang ào ạt tuôn chảy trong những trái tim nhỏ bé...