Michael Dell: Chiến lược gia dám nghĩ dám làm

Chân dung - Ngày đăng : 00:09, 07/05/2013

Không bóng bảy như Apple, không có được sành điệu như HP và cũng không bền chắc như IBM nhưng những chiếc máy tính của Dell lại gắn bó với người dùng trên khắp nước Mỹ bởi nó được làm ra cho riêng mỗi người và chỉ họ mà thôi. Chiến lược cung cấp sản phẩm đặc trưng - "build your own" được Dell triển khai trong gần chục năm qua vẫn đem lại doanh thu triệu USD mỗi ngày.
Michael Dell: Chiến lược gia dám nghĩ dám làm

Không bóng bẩy như Apple, không sành điệu như HP và cũng không bền chắc như IBM nhưng những chiếc máy tính của Dell lại gắn bó với người dùng trên khắp nước Mỹ bởi nó được làm ra cho riêng mỗi người và chỉ họ mà thôi. Chiến lược cung cấp sản phẩm đặc trưng - "build your own" được Dell triển khai trong gần chục năm qua vẫn đem lại doanh thu triệu USD mỗi ngày.

Chiến lược xuất chúng, đánh trúng điểm mấu chốt của thị trường là những gì mà mọi người ca tụng về Dell, không cần đột phá cũng không chạy đua sáng tạo công nghệ mới, chỉ đơn giản là làm tốt nhất có thể.

Đó chính là thành công được viết ra bởi chiến lược gia "tuổi trẻ tài cao" Michael Dell. 

Vị CEO dám nghĩ, dám làm

Sinh năm 1965, là con của một nha sĩ, thuộc gia đình gốc Do Thái truyền thống luôn đề cao học thức và lễ giáo. Thời niên thiếu, Michael Dell học ở trường Herold ở Houston, Texas và ông đã bộc lộ năng khiếu kinh doanh cũng như đam mê công nghệ.

>>Tỷ phú gốc Việt "chủ trì" vụ thâu tóm Dell của Mỹ
>>
Đối thủ của tỷ phú Việt trong vụ thâu tóm Dell
>>
Dell có đứng vững qua cơn sóng dữ?
>>
Tỷ phú Chính Chu rút khỏi thương vụ Dell

Dell lần đầu gặp gỡ chiếc máy tính lúc 15 tuổi, khi đó Michael đã tháo tung chiếc máy tính Apple II còn mới toanh và rồi thì ráp lại, chỉ để thấy rằng mình có thể làm được chuyện đó. 

Những năm tháng trung học của ông không suôn sẻ mấy và sau khi tốt nghiệp, Michael Dell nhập học Đại học Texas tại Austin, dự định trở thành một bác sĩ, nhưng đã bỏ đi ý tưởng đó khi ông được trải nghiệm những thành công đầu tiên trong lĩnh vực máy tính và kỹ thuật. Ông bỏ học năm 19 tuổi để tìm về những ước mơ thời thơ bé. 

Ở tuổi 27, nhà lãnh đạo doanh nghiệp Michael Dell đã là một CEO trẻ nhất trong danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Fortune bầu chọn.

Vào thời điểm đó (năm 1984), giá máy tính phổ biến ở mức 3.000 USD. Dell nghiên cứu và nhận thấy nếu mua rời phụ tùng máy tính thì ông chỉ mất có 600 USD. Còn nếu ông lắp ráp chúng lại thành máy tính hoàn chỉnh thì ông có thể bán với giá thấp hơn mức giá gốc nhiều mà vẫn có thể kiếm được lợi nhuận. 

Đây quả là một cơ hội kinh doanh và làm giàu tuyệt vời. Vì thế, ông quyết định thành lập công ty riêng kinh doanh máy tính tên PCs Limited.

Bỏ ngoài tai lời can ngăn từ những người không nhìn thấu tài năng và tầm nhìn của ông, Dell đã lăn lộn để theo đuổi kì được niềm đam mê vi tính và ít ai dám tin rằng đó chính tiền thân của tập đoàn trị giá 18 tỷ USD bây giờ. 

Và cuộc cách mạng Marketing hiện đại

Đúng như những gì đã dự đoán, công ty của Dell ngay từ khi thành lập lập tức thành công lớn. Áp dụng một hệ thống độc nhất vô nhị để sản xuất máy tính tùy theo nhu cầu cá nhân với mức giá cực thấp so với máy tính có thương hiệu, PC Limited đã đạt doanh thu 6 triệu USD ngay trong năm đầu tiên.

Kể từ đó, Dell phát triển nghiên cứu việc xâu chuỗi từ các nguồn cung cấp cấu kiện riêng lẻ tới việc sản xuất sản phẩm hàng loạt. Công việc kinh doanh này thuở ban đầu khá thành công thông qua việc truyền miệng từ những sinh viên các trường đại học. 

Chẳng có trường học nào dạy Dell cách marketing hay quảng bá cho doanh nghiệp của mình nhưng ông lại thực hiện nó rất bài bản. Có lẽ đó là do những kinh nghiệm ngay từ thời thơ bé, mà Dell tích lũy được.

Năm 16 tuổi, Dell làm thêm công việc phát hành cho tờ báo Houston Post nơi ông sống. Ngay từ đó, ông đã nghĩ ra một nguyên tắc như kim chỉ nam của đời mình: "Không quan trọng là bán thứ hàng hóa gì mà là bạn làm điều đó như thế nào". 

Phương pháp marketing trực tiếp tới khách hàng là những gì Dell áp dụng, dùng số tiền thuê các bạn của mình ghi tên tuổi, địa chỉ các cặp đang chuẩn bị kết hôn rồi nạp danh sách đó vào máy vi tính.

Sau đó, Michael không gửi thư mời mua báo như thông thường mà trong 2 tuần thực hiện chương trình khuyến mãi quà tặng cưới nếu họ đăng ký mua báo.

Nó được vận dụng triệt để với những linh kiện máy tính mà PC Limited buôn bán sau này, với các mẩu quảng cáo ở khắp mọi nơi từ nắp bánh pizza tới mặt báo uy tín. 

Thêm vào đó, thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước cũng là thời kỳ bùng nổ ban đầu của internet, và hơn hết Dell hiểu rằng máy vi tính không phải là biểu tượng của sự sang trọng, mà là công cụ để làm việc. Vì vậy, trong trường hợp máy bị hư hỏng, thì sẽ được sửa chữa ngay.

Ngoài ra, còn có dịch vụ tư vấn 24/24 giờ mà theo lời Dell chỉ trong vòng 5 phút, 90% những người hiểu biết sau khi nghe chuyên gia chỉ dẫn, mọi "sự cố" đều được khắc phục.

Những gì mà nhà tỷ phú trẻ này làm được ví như một cuộc cách mạng marketing, không dừng lại ở quảng bá truyền miệng, cung cấp tới tận tay khách hàng, hỗ trợ trực tuyến, Dell còn xóa bỏ khái niệm "tồn kho", mọi linh kiện được lắp ráp và chuyển tới khách hàng ngay khi họ cần. 

Ở tuổi 47 với 13,5 tỷ USD tài sản và luôn nằm trong top 10 người giàu có nhất thế giới, CEO Michael Dell là một biểu tượng sống cho thành công của một người trẻ dám nghĩ dám làm.

Chính ông đã không giấu diếm tài năng kinh doanh thiên bẩm để đi theo bước đường mà người khác vạch sẵn, và cũng chính ông mới dám thay đổi tư duy, làm khác đi những gì người khác đang làm.