Phản biện của bầu Đức về cáo buộc chiếm đất, phá rừng
Du lịch - Ngày đăng : 09:16, 18/05/2013
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức sốc nặng trước cáo buộc của Global Witness và chỉ ra 6 điểm hoài nghi tổ chức này.
Chiều 17/5, 4 ngày sau khi tổ chức hoạt động vì môi trường quốc tế Global Witness cáo buộc 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong đó có HAGL chiếm đất, phá rừng và tham nhũng tại Lào, Campuchia, bầu Đức đã tổ chức buổi gặp mặt cổ đông, các hãng thông tấn trong nước và quốc tế. Tại đây, ông bị cổ đông và báo chí chất vấn hàng loạt vấn đề liên quan đến cáo buộc "chiếm đất, phá rừng".
Bầu Đức sốc nặng trước cáo buộc của Global Witness |
Ông Đức mở lời: "Cáo buộc của Global Witness sai đến 99,9% và khiến tôi sốc nặng. Tố cáo này làm xấu tập đoàn, cổ đông hoang mang. Mấy ngày nay tôi nhận được hàng trăm câu hỏi qua điện thoại nên quyết định triệu tập cuộc họp này".
Bầu Đức giải thích cao su và mía đường là ngành chiến lược HAGL chọn đầu tư lâu dài. Ý thức đây cũng là ngành đầu tư nhạy cảm vì liên quan tới các vấn đề môi trường, nên theo ông HAGL đã nỗ lực tuân thủ. Dẫu vậy ông thừa nhận dù có làm tốt đến đâu vẫn khó tránh khỏi sai sót.
"Tập đoàn đã họp 4 ngày liên tục để trả lời câu hỏi HAGL sẽ làm gì trước những cáo buộc này. Câu trả lời là tập đoàn sẽ mời nhiều tổ chức lớn hàng đầu thế giới về môi trường đi thực địa, khảo sát và làm tư vấn các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu cho tập đoàn", ông cho hay.
Trấn an cổ đông, Chủ tịch HAGL khẳng định trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ mời Bureau Veritas, một tổ chức của Pháp có 28.000 nhân viên hoạt động về môi trường làm tư vấn và thực địa các dự án tại Lào và Campuchia. Sắp tới HAGL hướng tới đề nghị các tổ chức uy tín cấp giấy chứng nhận sản phẩm bền vững về môi trường.
Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam đã đưa ra 6 lập luận phản biện đồng thời hoài nghi Global Witness có mục đích nào đó khi công bố cáo buộc này.
Thứ nhất, không có chuyện HAGL chiếm đất của dân tại Lào và Campuchia. Bất cứ doanh nghiệp nào đến Lào hoặc Campuchia đều phải tuân thủ các quy định của đất nước đó. Quy trình cấp đất của nước sở tại rất chặt chẽ. Đầu tiên là vẽ bản đồ khu đất, trong khu vực nếu có đất của dân lập tức tiến hành cấp giấy chủ quyền, khoanh vùng lại, sau đó đề xuất lấy ý kiến Chính phủ.
Bộ Kế hoạch Đầu tư phải thẩm định khu đất thuộc loại gì, kiểm tra năng lực của chủ đầu tư và xác định mức độ ảnh hưởng đến người dân cũng như ra phương án đền bù. Sau khi xong các quy trình này, Chính phủ tiến hành khai hoang, gỗ từ các khu đất này được đem đấu giá công khai. "HAGL không cướp đất của dân và cũng không hề lấy một tấc gỗ nào tại Lào", ông khẳng định.
Thứ hai, trong báo cáo của Global Witness đề cập đến việc đã gặp đại diện của HAGL hồi tháng 8/2012 nhưng ông cho biết sau khi kiểm tra điều này không đúng sự thật, chưa có người phát ngôn chính thức nào của HAGL tiếp xúc với tổ chức phi chính phủ này.
Ông Đức cho hay đã nhận được thư Global Witness gửi, đề nghị gặp đầu tháng 6 nhưng thời điểm này tập đoàn bận lo khởi công dự án phức hợp tại Myanmar nên ông hẹn sang giữa tháng. Ông cũng đề nghị Global Witness cùng mời các hãng thông tấn quốc tế mà họ đã gửi thông báo cáo buộc HAGL đến Lào, Campuchia để thực địa.
Tuy nhiên chiều 16/5 chỉ nhận được thư đề nghị của Global Witness muốn gặp tại văn phòng HAGL Việt Nam, từ chối gặp tại Lào, Campuchia. "Tôi ngạc nhiên và thất vọng vô cùng. Ngay cả muốn mời họ sang hiện trường tại Lào và Campuchia để đối chất họ cũng từ chối thì tôi còn biết kiện tụng ai. Thôi thì tập trung làm tốt công việc của mình", bầu Đức trần tình.
Thứ ba, hình chụp qua vệ tinh nhưng chưa kiểm tra thực địa mà Global Witness vẫn dùng để tố cáo. Theo ông, bên cạnh ảnh chụp từ vệ tinh, tổ chức này phải xác minh thực tế và tiếp cận dự án của HAGL trước khi đưa ra cáo buộc nặng nề.
Thứ tư, Global Witness đã hiểu lầm khi trích dẫn thông tin trong cáo bạch của tập đoàn để cho rằng HAGL thừa nhận phá hoại môi trường. Khi niêm yết cổ phiếu tại Singapore, luật sư đã khuyến cáo hoạt động của HAGL ở quy mô khu vực và có thể chịu một số rủi ro về môi trường. Vì vậy, nếu có thể bỏ qua rủi ro này, nhà đầu tư mới nên cân nhắc rót vốn. Tuy nhiên đây chỉ là khuyến cáo và chưa xảy ra trên thực tế.
Thứ năm, Global Witess đã sai khi cho rằng HAGL đã phớt lờ luật pháp, phá vỡ giới hạn pháp lý tại quốc gia này vì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha. Campuchia quy định mỗi công ty chỉ được sở hữu 10.000 hecta trở xuống.
Ông Đức cho biết HAGL có 4 công ty con ở nước bạn và mỗi công ty đều sở hữu đất đúng quy định. Cáo buộc này ảnh hưởng tâm lý, gây xáo trộn trong giới đầu tư đôi chút nhưng tất cả các hoạt động của HAGL tại Lào và Campuchia vẫn không dừng lại.
Thứ sáu, Global Witness cho rằng HAGL đang huỷ hoại kế sinh nhai của người dân địa phương là thiếu cơ sở. Ông Đức kể chỉ tính riêng Atapeur là tỉnh nghèo của Lào, HAGL đã bỏ ra trên 30 triệu USD để làm công tác từ thiện, xây 3 cây cầu lớn, kéo hàng trăm km điện, xây bệnh viện, trường học, tặng nhà cho người nghèo và tạo công ăn việc làm cho dân địa phương.
Trung bình thu nhập của người Lào tại các dự án của HAGL là 250-300 USD một tháng, cao hơn cả thu nhập của lao động phổ thông tại Việt Nam.
Người đứng đầu HAGL cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin cáo buộc, một nhà đầu tư tổ chức của tập đoàn là AFC đã bay từ Hong Kong sang Gia Lai, yêu cầu thanh tra bất cứ một dự án nào tại Lào và Campuchia. Sau một ngày xác minh thực tế, thẩm định lại các cáo buộc này, IFC đã trả lời không có vấn đề đáng quan ngại.
"Tôi muốn những cổ đông lớn nhỏ của HAGL đều được yên tâm nên sẵn sàng làm những điều mà trước nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào làm về môi trường. Tôi sẵn sàng đưa ra ánh sáng mọi thứ, nếu làm sai chúng tôi sẽ nghiêm túc sửa chữa để mọi việc tốt hơn", ông Đức nhấn mạnh.
Khi các cáo buộc HAGL "chiếm đất phá rừng" do Global Witness được truyền tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai lao dốc mạnh. Chỉ tính trong phiên giao dịch ngày 14/5, HAG mất 1.400 đồng một cổ phiếu, xuống còn 21.400 đồng. Theo đó, tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức (311,6 triệu cổ phiếu HAG) cũng bốc hơi hơn 436 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Võ Hoàng An – Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng các nội dung cáo buộc phá rừng, chiếm đất tại hai nước Lào, Campuchia đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) của Global Witness là không có căn cứ và mang tính chất thông tin một chiều. Theo vị Tổng thư ký này, các dự án đầu tư trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhằm mục đích lợi ích đầu tư, mà còn mang lại hiệu quả cho nước sở tại về phát triển cây công nghiệp và chuyển giao công nghệ, nhân lực. Tuy nhiên, Việt Nam mới phát triển việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này vài năm gần đây, do vậy bước đầu ít nhiều còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đại diện Hiệp hội Cao su chia sẻ. Ông cũng nói thêm, khó khăn lớn nhất hiện tại đối với các công ty vẫn là hệ thống chính sách – pháp luật chưa ổn định, khả năng tài chính chưa đủ vững trong khi thời gian đầu tư lại tương đối dài. Sắp tới, hiệp hội sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, đồng thời xúc tiến các hoạt động hợp tác định kỳ với Hiệp hội Cao su ở từng nước sở tại nhằm bảo vệ quyền lợi cho các công ty cao su Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài, ông An cho biết. |