Yến Việt: Hung hay cát?
Chuyện quản lý - Ngày đăng : 05:21, 22/05/2013
![]() |
Cuối cùng thì thông tin về dịch virus H5N1 trên chim yến ở Ninh Thuận cũng có kết luận. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI, sau thời gian không phát hiện ra chim bị chết cũng như số mẫu xét nghiệm âm tính với cúm H5N1, cơ quan quyết định công bố hết dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến ở Ninh Thuận.
![]() |
Trong vụ dịch cúm này, rõ ràng, Yến Việt là nạn nhân bị thiệt hại nặng nề nhất trong ngành yến. Sau khi phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận bị dương tính với H5N1, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, tiêu hủy hơn 9.000 con chim yến tại nhà hát Thanh Bình (phường Đạo Long, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) của Yến Việt để tránh lây lan, đồng thời cũng lấy mẫu ở kho nguyên liệu và thành phẩm của Yến Việt để xét nghiệm.
Công bố hết dịch cũng có nghĩa là Yến Việt đã tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Yến Việt không sử dụng nhà yến Thanh Bình trong ít nhất ba năm. Theo bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Yến Việt, nhà yến Thanh Bình chiếm từ 10 - 30% sản lượng của Yến Việt. Tính ra trị giá của nhà yến này khoảng 700 tỷ đồng!
"Ban quản trị Công ty họp và quyết định như vậy vừa có ý nghĩa về mặt tâm linh khi hủy số chim non nhiều như vậy, vừa đảm bảo chất lượng tuyệt đối của sản phẩm Yến Việt", bà Loan giải thích. Đồng thời, bà Loan cũng cho biết, Yến Việt cũng không có ý định đưa ra thị trường 167 kg yến trị giá 5 tỷ đồng còn lại từ nhà hát Thanh Bình.
Mặc dù theo kiểm nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng VI, tỷ lệ nhiễm virus trong số yến này rất thấp, cùng với đó, Công ty đã xử lý nhiệt ở 80 độ, đảm bảo tuyệt đối không còn virus.
Thiệt hại của Yến Việt đúng là trên trời giáng xuống. Dù có ngậm ngùi và tiếc rẻ thì việc không sử dụng nhà yến Thanh Bình và số tổ yến còn lại, Yến Việt đã đưa ra một cam kết đúng slogan: "Sản phẩm sạch và thật 100%". Không phải lúc nào cũng có cơ hội đưa ra thông điệp mạnh mẽ như vậy.
Cũng tại buổi công bố, Cơ quan Thú y Vùng VI đã ký kết hợp tác với Yến Việt về việc kiểm định nguyên liệu yến và các thành phẩm. Trong khi dịch virus H5N1 trên yến còn chưa nói trước được gì thì bước đi kịp thời của Yến Việt xem ra là nhanh hơn các công ty khác trong ngành.
VinaCapital đầu tư 7,5 triệu USD dài hạn vào Yến Việt cũng để xây dựng một thương hiệu yến xuất khẩu. Tai nạn thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cũng là dịp để Yến Việt khẳng định một lần nữa đẳng cấp của mình và cam kết mục tiêu cao nhất là sức khỏe cộng đồng.
Thị trường cũng chứng kiến một số thương hiệu mì gói, nước mắm ở Việt Nam đã biến mất chỉ vì không xử lý rốt ráo các rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Và tính ra so với số tiền cho chương trình marketing rầm rộ mà Yến Việt trả cho một công ty quảng cáo của Mỹ vào dịp Tết năm ngoái thì đợt "marketing" lần này... đắt giá chứ không phải giá đắt.
Biết cách biến hung thành cát là vậy.