Đồng baht trong tay các tỷ phú Thái?

Quốc tế - Ngày đăng : 09:09, 23/05/2013

Mười lăm năm trước, Thái Lan đã để đồng tiền trượt giá nhằm theo đuổi chính sách xuất khẩu giá rẻ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Đồng baht trong tay các tỷ phú Thái?

Mười lăm năm trước, Thái Lan đã để đồng tiền  trượt giá nhằm theo đuổi chính sách xuất khẩu giá rẻ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Hiện nay, ở chiều ngược lại, đồng baht Thái tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đọc E-paper

Tỷ phú Dhanin Chearavanont

Đồng baht đã tăng 6% so với đồng USD Mỹ kể từ đầu năm và nhiều nhà kinh tế dự báo đà tăng còn tiếp diễn. Mỗi khi đồng bath tăng giá thêm 1 đồng so với USD, giá trị xuất khẩu của Thái Lan giảm khoảng 250 tỷ bath, tương đương khoảng 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, đồng baht mạnh lại đang trở thành cơ hội kiếm tiền, mở rộng ảnh hưởng của các nhà tài phiệt Thái. Đứng đầu là Dhanin Chearavanont, ông trùm đang điều hành một tập đoàn lớn nhất của Thái Lan cũng đồng thời là tỷ phú giàu có nhất nước này.

Tỷ phú Dhanin Chearavanont dự định tiến vào thị trường dịch vụ tài chính sau hơn 4 thập kỷ gắn bó với đế chế nông nghiệp lớn nhất Thái Lan. Theo Bloomberg, tài sản của tỷ phú này hồi tháng 2 là 6,6 tỷ USD.

Tập đoàn Charoen Pokphand của ông cũng đang theo đuổi vụ mua lại tập đoàn phân phối Siam Makro với giá 6,6 tỷ USD để tạo nên một Costco châu Á.

Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ thâu tóm một công ty Thái Lan lớn nhất từ trước tới nay. Đồng thời, đây cũng là vụ M&A lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương từ đầu năm.

Việc này diễn ra chỉ vài tháng sau khi CP Group được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận mua lại số cổ phần của HSBC trong hãng bảo hiểm Ping An với giá 9,4 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất mà một công ty Thái Lan từng thực hiện.

"Nếu vay bằng USD Mỹ, chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đồng baht mạnh. Dù không tốt cho xuất khẩu nhưng đồng baht mạnh là một cơ hội tốt cho sự thay đổi. Ví dụ, chúng ta nên mua máy móc mới để sản xuất hiệu quả hơn. Từ đó, chi phí sẽ rẻ hơn, sản xuất hàng hóa chất lượng tốt hơn. Đến lúc đó, xuất khẩu lại có lợi", ông Dhanin bình luận.

Những tỷ phú dư dả tiền mặt khác cũng đang áp dụng chiến thuật tương tự. Charoen Sirivadhanabhakdi, người đứng sau hãng bia Chang của Thái Lan, đầu năm nay đã mua công ty nước giải khát Singapore và bất động sản Fraser & Neave Ltd., với giá 11 tỷ USD để mở rộng thị phần tại Đông Nam Á.

Chính phủ Thái cũng đang tận dụng đồng baht mạnh để giải quyết các khoản nợ bằng đồng USD Mỹ. Thái Lan đang xem xét việc khởi động trái phiếu USD đầu tiên của mình kể từ năm 2003.

Malaysia đang hậu thuận cho một chương trình đầu tư và chi tiêu trị giá nhiều tỷ USD. Cả Indonesia và Philippines cũng đang tăng cường bán nợ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na Ranong không cho rằng đồng baht mạnh sẽ tốt cho kinh tế Thái Lan và kêu gọi cắt giảm lãi suất trước khi xuất khẩu Thái Lan bị mất ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Trung Quốc.

Tính đến tháng 3, xuất khẩu của Thái Lan vào thị trường các nền kinh tế châu Á mới nổi tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012, nhưng giảm 0,4% đến các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Chính phủ Thái Lan gần đây không ngừng chỉ trích Ngân hàng Trung ương Thái Lan về việc không đưa ra được chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đua nới lỏng tiền tệ khiến dòng tiền tìm đến lợi suất cao hơn tại các nước mới nổi. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn chưa có động thái cắt giảm lãi suất do lo ngại rằng Mỹ sẽ giảm chương trình nới lỏng định lượng, ảnh hưởng đến đồng baht.

Có lẽ chừng nào Siam Makro chưa trở thành Costco châu Á, ông Dhanin vẫn sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động tới Ngân hàng Trung ương Thái Lan không can thiệp vào đồng baht. "Tốt hơn là để baht tăng lên", tỷ phú Dhanin khẳng định.

HÀ CÚC