Giảm thuế: Chỉ có lợi cho số ít doanh nghiệp
Chính sách mới - Ngày đăng : 09:36, 28/05/2013
![]() |
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: " Với doanh nghiệp (DN), càng giảm thuế càng tốt, song cần đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của nến kinh tế và môi trường kinh doanh cụ thể”.
![]() |
*Ông nhận định thế nào về đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ?
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những sắc thuế quan trọng, nguồn thu lớn của ngân sách quốc gia. Mặt khác, thuế TNDN là thuế trực thu nên nếu giảm sẽ khuyến khích DN sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN có thêm tích luỹ mở rộng đầu tư cũng như đầu tư theo chiều sâu.
Bên cạnh đó, thuế suất thuế TNDN còn là công cụ cạnh tranh về môi trường kinh doanh trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế hiện nay. Chính vì vậy, việc giảm thuế suất TNDN theo lộ trình từ mức 25% xuống 20% là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Lộ trình bước đi cụ thể như thế nào cần căn cứ vào tác động của các yếu tố trên.
* Về việc lấy số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng thuế suất 20%, ông có ý kiến gì không?
- Theo thông lệ quốc tế và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, DN nhỏ và vừa cần có những ưu đãi hỗ trợ nhất định, giúp họ tồn tại, cạnh tranh và phát triển được, trong đó có ưu đãi về thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với các DN lớn. Hiện tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa của chúng ta là dựa trên số lao động và doanh thu.
Theo tôi, chỉ nên sử dụng tiêu chí doanh thu, còn tiêu chí số lượng lao động nên xem xét lại, thậm chí có thể bỏ vì nhu cầu giải quyết công ăn việc làm của nước ta đang rất lớn, quản lý lao động còn hạn chế, quyền lợi chính đáng của người lao động còn bị xem nhẹ, nhiều khi vi phạm, trong đó có nguyên nhân từ mong muốn được nhận ưu đãi cho DN nhỏ và vừa.
* Theo ông, mức thuế giảm như vậy đã đủ sức vực dậy doanh nghiệp?
- Giảm thuế suất thuế TNDN, ưu đãi thuế suất cho DN nhỏ và vừa là nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt gánh nặng thu nộp ngân sách nhà nước cho DN, thông qua đó là cho toàn xã hội. Tuy nhiên, đó là biện pháp có tác động trung, dài hạn và mang tính chiến lược.
Trước mắt, nhiều DN Việt Nam đối mặt với khó khăn lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm, là hàng tồn kho tăng cao, theo đó không ít DN thua lỗ, nợ nần, thậm chí giải thể, ngừng hoạt động, nên giảm thuế suất TNDN ít ảnh hưởng tới các DN loại này.
Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 Khóa XIII, một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN được Chính phủ đề xuất áp dụng từ (đầu tháng 7/2013). Từ 1/7/2013 DN sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20%. Bắt đầu từ 1/1/2014, thuế TNDN từ mức 25% hiện nay sẽ giảm xuống 22%. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông sẽ là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được giảm còn 17%. |
Giảm thuế suất TNDN chỉ có lợi cho những DN đang hoạt động tốt, còn có thu nhập để nộp thuế TNDN mà thôi. Tiếc là số DN như vậy hiện nay không còn nhiều.
*Hiện Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều áp mức thuế TNDN 17% cho DN nhỏ và vừa. Theo ông, mức thuế nào là phù hợp, có thể tác động tích cực tới DN?
- Theo tôi, trước mắt thuế suất TNDN 20% đối với DN nhỏ và vừa là phù hợp. Chúng ta có thể tiếp tục xem xét phương án giảm thuế suất TNDN hơn nữa, có thể là 17%, thậm chí 10 - 15% trong giai đoạn tới và áp dụng khi hội tụ được các điều kiện cần và đủ.
Hơn nữa, thuế suất TNDN chỉ là một trong những công cụ cạnh tranh của một nền kinh tế và không phải là công cụ hữu hiệu nhất, còn có những công cụ khác nữa cũng rất quan trọng và hiệu quả hơn, chẳng hạn môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả hay, chính sách kinh tế vĩ mô tốt, hoặc cải cách hành chính, công khai minh bạch và ít tệ nạn hối lộ, tham nhũng...
*Cảm ơn ông!