Người phát ngôn sắc sảo
Du lịch - Ngày đăng : 05:49, 28/05/2013
Một trong những người phát ngôn Bộ Ngoại giao để lại nhiều ấn tượng nhất với đồng nghiệp cũng như cánh phóng viên trong và ngoài nước là bà Hồ Thể Lan, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí giai đoạn 1987-1996.
>>Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
Thế hệ làm báo đối ngoại những năm 1987-1996 đến giờ vẫn chưa thể quên được người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Hồ Thể Lan. "Trả lời câu hỏi của phóng viên, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồ Thể Lan cho biết…" đã trở thành câu quen thuộc trên báo chí.
Bà Hồ Thể Lan và chồng - nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Tên tuổi và hình ảnh của bà đã tồn tại trong gần một thập kỷ với vai trò người đưa ra những tuyên bố chính thức về lập trường ngoại giao của đất nước đối với các vấn đề chính trị lớn.
"Ðọ pháo" với đồng nghiệp Bắc Kinh
Xuất thân là "dân" tiếng Nga, từng giảng dạy ngoại ngữ này tại trường đại học, bà Lan có 27 năm làm việc tại Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao. Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với cánh nhà báo nước ngoài, bà có những nhận xét sắc sảo nhưng giản dị và thực tế:
"Với phóng viên nước ngoài, nhất là từ các nước phương Tây, tôi luôn tâm niệm rằng không thể đòi hỏi họ viết hệt như ta. Nếu bài viết của họ thuận cho ta dăm bảy phần đã quý lắm rồi. Nếu ta hiểu được, chân thành với họ thì đây chính là "đội quân đặc dụng" vì tiếng nói của họ được dư luận tiếp thu dễ dàng hơn".
Bà Lan đã tổ chức chuyến thực địa đầu tiên cho các phóng viên nước ngoài làm việc tại Hà Nội đến thăm Ðà Nẵng khi TP này mới được giải phóng.
Các phóng viên nước ngoài đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức về thông tin tuyên truyền của ta, đồng thời vui mừng vì là những nhà báo đầu tiên được tận mắt chứng kiến TP ngay sau ngày giải phóng. Sau chuyến thực địa, họ đã có những bài viết gây được tiếng vang trên thế giới.
Trong cuộc đời làm công tác tuyên truyền báo chí, bà Lan đã trải qua nhiều giai đoạn "kịch tính". Bà nhớ nhất quãng thời gian đấu tranh dư luận về vấn đề Campuchia hay lúc đất nước ta bị bao vây cấm vận và thời kỳ đổi mới.
Ðầu những năm 1980, bà đã phải "đọ pháo" với các đồng nghiệp Bắc Kinh để chứng minh chính nghĩa và lập trường chính đáng của Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng như thế nào.
Bà Lan cho biết khi bà đã nghỉ hưu, có lần sang thăm Nhật, một đồng nghiệp vẫn hỏi rằng Việt Nam có "xâm lược Campuchia" không. Bà vẫn thẳng thừng bác bỏ, nhắc lại ý mà nhiều lần khi còn là người phát ngôn, bà đã tuyên bố đáp trả những luận điệu xuyên tạc của một số báo nước ngoài.
"Ông ta hỏi móc tôi rằng nay đã nghỉ, tôi có thể "nói thật" không. Tôi trả lời sự thật chỉ có một. Sự thật đó là sau khi người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, tự mình xây dựng đất nước thì quân tình nguyện của Việt Nam đã rút về". Ông ta đùa: "Bà về hưu rồi mà vẫn là người phát ngôn" - bà nhớ lại.
Chín năm "đắt khách"
Hoàn cảnh "trớ trêu" Thành công trong sự nghiệp của bà Hồ Thể Lan phần lớn nhờ vào sự tâm đầu ý hợp cũng như luôn chia sẻ công việc của người chồng mà bà hết mực yêu thương, quý trọng: Nhà ngoại giao Vũ Khoan. Bà Lan cho rằng khi làm việc dưới quyền chồng ở Bộ Ngoại giao, bà lâm vào hoàn cảnh "trớ trêu". Khi đó, ông là lãnh đạo bộ phụ trách báo chí, còn bà làm vụ trưởng Vụ Báo chí. Theo bà Lan, cảnh "chồng cày vợ cấy" ấy cũng có cái lợi là về nhà vẫn có thể trao đổi, xin ý kiến chồng, tuy ông không bao giờ châm chước, xuê xoa. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói vui rằng trong đời mình, ông gặp nhiều "dấu phẩy", có khi đưa ông sang bước ngoặt mới. "Dấu phẩy" đầu tiên là trở thành nhà ngoại giao do được phân công, trong khi ông luôn mong muốn trở thành một kiến trúc sư. "Dấu phẩy" thứ hai liên quan đến bà Lan. Khi ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, bà bảo: "Ông đi chợ cho gia đình còn chả biết mà giờ lại đi chợ cho cả nước thì chết à?". Ông nhớ mãi câu nói của vợ và luôn tâm niệm phải làm sao tránh cho người dân khỏi cảnh đói khổ, thiếu thốn… |
Với 9 năm làm người phát ngôn, bà Lan đã trải qua không ít đắng cay ngọt bùi. Bà hồi tưởng: "Lúc mới có quy chế người phát ngôn, tôi thường là một người rất "đắt khách".
Các phóng viên nước ngoài hỏi đủ các câu hỏi về nhiều vấn đề và vào bất cứ lúc nào, thậm chí cả đêm khuya, có khi chính thức bằng văn bản nhưng nhiều lúc chỉ qua điện thoại hay bằng một mẩu giấy".
Theo bà Lan, để có được nguồn thông tin phục vụ phát ngôn mọi lúc, mọi nơi là công việc nặng nề và khó nhọc.
"Muốn trả lời 1 thì mình phải biết 10. Trước những câu hỏi móc máy, hóc búa, mình còn phải cân trí, đấu não. Suốt 9 năm làm người phát ngôn, tôi luôn ôm cái đài Sanyo, không khi nào đi ngủ trước các bản tin cuối cùng trong ngày của BBC hay VOA để còn biết thông tin mà phản ứng kịp thời. Cũng nhờ cái đài này và quan hệ thường xuyên với các phóng viên nên tiếng Anh, tiếng Pháp của tôi được cải thiện rõ rệt" - bà tiết lộ.
Làm công việc luôn phải đeo bám các sự kiện nên rất dễ căng thẳng. Nhiều đồng nghiệp Pháp hay Mỹ có dịp gặp bà Lan đều bày tỏ sự khâm phục với người phụ nữ nhỏ bé mà có thể đảm đương được công việc nặng nhọc trong suốt 9 năm trời, trong khi những người khác chỉ làm được đến 3 năm là phải chuyển công tác.
Ngoài những khó khăn do sức ép công việc, bà Lan khẳng định đã làm người phát ngôn là phải có niềm tin mạnh mẽ.
"Phải tin vào những điều mình nói. Nhiều lần đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, tôi thấy như mình đang đứng trước một ngôi đền vĩ đại, thờ những chiến sĩ chưa xác định được danh tính. Họ không toan tính, đòi hỏi gì khi dâng hiến cuộc đời mình. Cứ nghĩ đến những điều đó là tôi lại thấy yên tâm khi nói về sự nghiệp giải phóng đất nước, hướng về tương lai. Làm gì cũng phải có niềm tin tuyệt đối, không thể giả vờ được" - bà tâm sự.
Tuy nhiên, theo bà Hồ Thể Lan, tư tưởng thì như vậy nhưng điều quan trọng là người phát ngôn phải biết trình bày rõ quan điểm. Có như vậy, bài phát ngôn mới uyển chuyển, không bị khô cứng.