Đạo diễn Việt mơ về Cannes

Đời thường - Ngày đăng : 05:46, 30/05/2013

Góp mặt tại Ngày Đạo Diễn (Director’s Day) vào cuối tháng 4 vừa qua tại Ninh Bình, nhiều đạo diễn tên tuổi như: Đặng Nhật Minh, Phạm Việt Thanh, Lưu Trọng Ninh, Trần Lực...
Đạo diễn Việt mơ về Cannes

Góp mặt tại Ngày Đạo Diễn (Director’s Day) vào cuối tháng 4 vừa qua tại Ninh Bình, nhiều đạo diễn tên tuổi như: Đặng Nhật Minh, Phạm Việt Thanh, Lưu Trọng Ninh, Trần Lực... đã có những cái nhìn lạc quan về sự phát triển của điện ảnh Việt trong tương lai cũng như khả năng cạnh tranh với các tác phẩm nước ngoài tại các liên hoan phim quốc tế.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Được tổ chức năm thứ ba liên tiếp kể từ năm 2011, Ngày Đạo Diễn là một ngày đặc biệt dành cho giới đạo diễn 3 miền có dịp tề tựu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tham gia diễn đàn tìm ra giải pháp cho sự phát triển của điện ảnh Việt.

Năm nay, một trong những hoạt động thiết thực nhất của Ngày Đạo Diễn là hội thảo chuyên đề “Tiếng nói chung của đạo diễn Việt Nam”. Đây là chủ đề khá thú vị vì đối với các đạo diễn, những con người đam mê sáng tạo và luôn giữ trong mình cái “tôi” nghệ thuật rất lớn, thì họ không thể tìm được “tiếng nói chung”.

Thế nhưng theo lời giải thích của đạo diễn Đặng Nhật Minh, các đạo diễn ở nhiều thế hệ nên tìm “tiếng nói chung”, để tạo nên một bản sắc riêng cho điện ảnh Việt. Khi có được “tiếng nói chung”, điện ảnh mới có một nền tảng vững chắc để có thể phát triển bền vững cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Diễn ra vào những ngày cận kề với ngày mở màn Liên hoan Phim Cannes, chính vì thế, Cannes cũng là một chủ đề “nóng” của buổi hội thảo.

Đạo diễn Ngô Quang Hải

Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ: “Nhiều người cho rằng nền điện ảnh chúng ta không thể có nổi tác phẩm đoạt giải Cannes vì thiếu kinh phí. Nhưng thực tế khi tham dự Liên hoan Phim Cannes vào năm ngoái, tôi đã hoàn toàn có niềm tin.Bộ phim đoạt giải Cannes 2012 Amour mà chúng tôi được xem đã cho thấy điện ảnh luôn rất cần sự tìm tòi có tính riêng biệt chứ không cần phải quá tốn kém”.

Điện ảnh Việt từng có tác phẩm tham dự Liên hoan Phim Cannes 2000. Đó là bộ phim “Cuốc xe đêm”, phim tốt nghiệp của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhận được nhiều sự tán thưởng của giới phê bình phim quốc tế.

Đến năm 2010, bộ phim “Bi, đừng sợ!” của đạo diễn Phan Đăng Di đã giành 2 giải thưởng tại Liên hoan Phim Stockholm lần 22 tại Thụy Điển, đó là “Phim đầu tay xuất sắc” và “Quay phim xuất sắc” và được hội đồng tuyển lựa của Liên hoan Phim Cannes chọn vào “thi đấu” tại hạng mục Tuần phê bình quốc tế.

Điều đó chứng tỏ phim Việt Nam hoàn toàn có khả năng tranh tài cùng với các nước. Thế nhưng, ngoài 2 bộ phim này thì đến nay hầu như vẫn chưa có tác phẩm điện ảnh Việt nào khác bén duyên với Cannes.

Đạo diễn Di chia sẻ: “Thật ra, ai cũng có thể gửi phim tham dự cả. Nhưng quan trọng là phim phải hay, phải quay bằng phim nhựa 35 mm và chưa từng tham dự bất kỳ một liên hoan phim quốc tế nào khác. Cái khó đối với các đạo diễn ta là phải làm phim nhựa vì loại này đòi hỏi chi phí cao. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu có một kịch bản hay thì việc xin tài trợ không khó. Tất cả đều phụ thuộc vào sự chủ động của các đạo diễn”.

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ!

Với Cannes thì việc xin tài trợ quả thật không khó lắm. Cannes đặc biệt quan tâm đến những đạo diễn trẻ trên khắp thế giới với nhiều hình thức hỗ trợ. Với mục đích tìm kiếm các tài năng điện ảnh trẻ trên khắp thế giới, từ năm 1998, Liên hoan Phim Cannes đã mở rộng cửa đón nhận phim của nhiều sinh viên trên thế giới tham dự.

Vào năm 2000, một chương trình đặc biệt cũng đã được quỹ Cinéfondation của liên hoan phim tổ chức 2 lần mỗi năm tại Paris nhằm tiếp nhận khoảng 6 đạo diễn trẻ quốc tế muốn thực hiện phim đầu tay hoặc phim truyện thứ hai của mình. Trong vòng 4 tháng rưỡi, họ được hỗ trợ về ăn ở và điều kiện làm việc để viết và hoàn thiện kịch bản của mình.

Năm 2012, Cinéfondation lại bước thêm một bước quan trọng nữa khi triển khai một cơ cấu hỗ trợ mới mang tên “Xưởng làm phim của liên hoan” dành cho các nhà làm phim trẻ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm các đối tác tài chính. Chương trình này thực sự là một cơ hội vàng để các đạo diễn trẻ trên khắp thế giới tiếp cận các đối tác tiềm năng.

Và chúng ta có quyền mơ một ngày nào đó, giấc mơ Cannes sẽ thành hiện thực. Yes, we Cannes.