Lướt qua tháng 6?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:56, 04/06/2013
![]() |
Hiện tại đã có hơn 60% doanh nghiệp công bố kết quả doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu năm 2013.
![]() |
Nhìn chung, dựa trên dữ liệu thống kê đều thể hiện tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều vượt 25%. Kết quả đạt được của 5 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế hứa hẹn sự phục hồi vững chắc từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Kết quả này đã giúp thị trường chứng khoán tạo ra những phiên tăng điểm. Đa số các nhà đầu tư (NĐT) đã quan tâm nhiều hơn tới yếu tố giá trị doanh nghiệp. Hoạt động đầu cơ vẫn tồn tại song mức độ đã giảm bớt do sau những gì đã trải qua, nhiều NĐT đã bài bản và thận trọng hơn.
Đây là một trong những cơ sở giúp thị trường tăng điểm một cách chắc chắn và bền vững hơn trong tương lai. Từ cơ sở đó, các công ty chứng khoán đưa ra nhận xét đầu tháng 6 là nằm trong kỳ xem xét lại danh mục của các quỹ ETFs.
Với diễn biến bán ròng trong các phiên cuối tháng 5 cho thấy có thể việc này sẽ ảnh hưởng đến diễn biến giao dich chung của thị trường. Tuy nhiên, thời gian cơ cấu chỉ mang tính ngắn hạn trong khi lực cầu thị trường hiện tại tương đối dồi dào. Do đó khả năng ảnh hưởng là có nhưng không lớn.
Lúc này, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra là nên lướt hay giữ cổ phiếu? Dù vẫn còn e dè với xu hướng, nhưng đa số giới phân tích đều cho rằng có nhiều cơ hội hơn với các mã blue chip bền vững.
Bởi lẽ, những blue chip có giá ổn định, doanh nghiệp luôn kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tốt, giá vẫn tăng nếu giữ cổ phiếu dài hạn vẫn có thể sinh lãi. Thử nhìn trường hợp của REE, chỉ trong 10 phiên đã tăng giá từ hơn 2.0 lên gần 2.8, xấp xỉ 40%, gấp hơn 5 lần gửi tiết kiệm một năm, bỏ 1 tỷ đồng để "chơi" REE hồi đầu tháng 5 đến giờ tiền lãi thu về cũng hơn 400 triệu đồng.
Nếu quan sát, dễ thấy REE là một cổ phiếu tăng giá có đợt và những đợt tăng này xuất hiện khá đều đặn. REE biến động khá ổn định, nhưng khi đã "phóng" lại rất nhanh. Hoặc nhìn vào diễn biến của CSM, cũng là một blue chip trong rổ tính VN30.
Từ mức hơn 3.0 đầu tháng 5, CSM liên tục tăng giá, trong phiên 29/5 có lúc cổ phiếu này tăng lên 4.0. Dù sao đó, cổ phiếu này giảm trở về 39.200 đồng/cổ phiếu nhưng so về giá trị, CSM vẫn đang có mức giá cao chỉ kém BVH, HSG và PVD.
Hiện nay, các blue chip tăng giá mạnh kèm theo thanh khoản lớn sẽ trở thành thời cơ quá sức thuận lợi để các cổ đông lớn bán ra và thu được lợi nhuận cao. Trong trường hợp những nguồn hàng này không đủ sức đẩy giá giảm mạnh trở lại thì nó cũng có thể khiến đà tăng cổ phiếu bị chậm hoặc giá sẽ đi ngang.
Như vậy, điều cần lưu ý đối với NĐT lúc này chỉ là chọn thời điểm sao cho hợp lý nhất để vào thị trường, tránh mua hớ để giảm mất giá trị lợi nhuận chứ tính đến thời điểm này, các blue chip vẫn đang thể hiện xu hướng bền vững của mình.
Đồng thời, để tối đa hóa lợi nhuận, theo một số chuyên viên phân tích, NĐT nên để ý đến yếu tố kỹ thuật. Vì dự kiến trong tháng 6, vùng tích lũy ngắn hạn có thể nằm trong vùng đệm 520 điểm.
Thị trường có thể sẽ đi ngang một vài phiên trước khi bứt phá lên, dự kiến tại mốc 535 điểm ngay trong tháng 6. Cơ hội dành cho NĐT là rất lớn nếu nghiên cứu và lựa chọn đúng cổ phiếu để giải ngân.