Rupert Murdoch lèo lái NewsCorp thoát hiểm thần kỳ

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:25, 08/06/2013

Ngay sau khi vụ bê bối lan ra, Rupert Murdoch đóng cửa tờ News of the World và dùng doanh số bán báo làm từ thiện.
Rupert Murdoch lèo lái NewsCorp thoát hiểm thần kỳ

Khi Rupert Murdoch, ông chủ của News Corp., ra điều trần trước Quốc hội Anh vào ngày 19.7.2011 để trả lời chất vấn về vụ nghe lén thông tin điện thoại của tờ báo lá cải News of the World (thuộc News Corp.), hầu như ai cũng nghĩ rằng ngày tận thế của đế chế truyền thông 33 tỉ USD này đã đến.

Ngay sau khi vụ bê bối lan ra, Murdoch đóng cửa tờ News of the World và dùng doanh số bán báo làm từ thiện.
Độc giả tẩy chay các tờ báo của Murdoch. Cổ phiếu của News Corp. rớt giá thê thảm. Các nhà chính trị phẫn nộ, buộc Murdoch phải từ bỏ thương vụ mua lại nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Anh đang ăn nên làm ra British Sky Broadcasting Group (BSkyB), thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Murdoch. Giới làm luật tại Mỹ và Anh kêu gọi tiến hành các cuộc điều tra cách thức hoạt động của News Corp.

Các kịch bản xấu nhất đã được đặt ra: Murdoch có thể sẽ rời khỏi vị trí điều hành News Corp; Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) có thể sẽ rút giấy phép của News Corp tại Mỹ; Các nhà điều hành chính sách Anh có thể sẽ buộc News Corp. phải bán đi 39% cổ phần trong BSkyB; Mỹ có thể sẽ tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng vào hoạt động của News Corp; Hay Ủy ban Chứng khoán Mỹ có thể sẽ đệ đơn kiện Tập đoàn... Thế nhưng, tất cả những kịch bản đó đã không xảy ra.

“News Corp. vẫn thoát hiểm mà không bị thiệt hại gì đáng kể. Đúng là không thể tin nổi”, Claire Enders, nhà sáng lập hãng nghiên cứu truyền thông Enders Analysis (có trụ sở tại London), nhận xét.

Ngay tại lúc này, tức 2 năm sau vụ bê bối nghe lén thông tin điện thoại, Murdoch vẫn còn ngồi chễm chệ tại News Corp. Tập đoàn này thay vì co cụm như dự báo, lại tăng trưởng mạnh. Vào cái ngày trước khi Murdoch phải ra điều trần trước Quốc hội Anh, cổ phiếu News Corp. đóng cửa với giá 14,96 USD. Nhưng đến ngày 17.5.2013, giá là 33,35 USD/cổ phiếu. Lợi nhuận năm 2012 của Tập đoàn cũng tăng lên mức 1,41 USD/cổ phiếu so với 1,14 USD/cổ phiếu của năm 2011.

Murdoch đã vượt qua những hiểm nguy đó như thế nào? “Biệt tài của Murdoch là không chỉ biết cách thoát hiểm mà còn bước ra khỏi mớ bòng bong với tư cách là người chiến thắng”, nhà báo Úc Neil Chenoweth viết trong một cuốn tiểu sử về Murdoch xuất bản năm 2002.

Thực ra, vụ bê bối nghe lén điện thoại từng xảy ra vào năm 2006 khi Clive Goodman, một phóng viên của News of the World, bị bắt do thâm nhập vào hộp thư thoại của gia đình hoàng gia Anh. Trong 5 năm tiếp theo, mặc dù có một số chứng cứ mới nhưng Murdoch đã nhanh chóng dập tắt vụ việc, nói đó là hành động sai trái của một số nhân viên và những người này đã bị ông trừng phạt thích đáng.

Nhưng Murdoch đã không thể lấp liếm được nữa khi vào ngày 4.7.2011, tờ Guardian có bài viết nói rằng trong số các nạn nhân của vụ nghe lén điện thoại có Milly Dowler, một bé gái 13 tuổi đã bị mất tích và sau đó phát hiện đã bị giết. Để làm dịu làn sóng phẫn nộ trong công chúng, ngay sau khi vụ bê bối lan ra, Murdoch tuyên bố đóng cửa tờ News of the World và tất cả doanh số bán từ sạp báo sẽ được gửi vào từ thiện.

Tiếp đó, để trấn an các nhà đầu tư đang lo lắng trước việc giá cổ phiếu News Corp. bị sụt giảm, Murdoch tuyên bố Tập đoàn sẽ tăng gấp 3 lần số tiền bỏ ra để mua lại cổ phiếu quỹ so với kế hoạch ban đầu, tăng lên mức 5 tỉ USD. “Đó là một ngạc nhiên lớn và là một dấu hiệu rất tích cực”, David Bank, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, nhận xét vào lúc đó.

Trong những ngày tiếp theo, Murdoch tiếp tục thể hiện thiện chí. Ông gặp riêng gia đình nạn nhân Milly Dowler tại một khách sạn ở London và đích thân xin lỗi. Ngày tiếp theo, ông đăng lời xin lỗi công khai trên nhiều tờ báo. Một vài ngày sau đó, Murdoch đã ra điều trần trước Quốc hội. “Đây là ngày nhục nhã nhất đời tôi”, ông nói tại hôm điều trần.

Sau đó, Murdoch cho nghỉ việc những nhà điều hành cấp cao ở London - một động thái một số người cho là nước cờ thí của Murdoch. Rebekah Brooks, con cưng của Murdoch từng được ông cất nhắc lên vị trí Tổng Giám đốc News International, cũng bị cho ra rìa. Murdoch nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng mất đi Brooks như mất đi đứa con gái của mình.

Không chỉ xin lỗi, chấp nhận mất những đệ tử ruột, Murdoch còn thể hiện mình rất tích cực trong công tác hỗ trợ cảnh sát điều tra tìm chứng cứ. Ông đã chọn Joel Klein, nguyên là công tố viên liên bang, cho công việc này.

Klein đã thành lập một tổ chức do News Corp. tài trợ gọi là Ủy ban Quản trị và Các tiêu chuẩn (MSC). Với sự giúp đỡ của MSC, Scotland Yard, cơ quan cảnh sát Anh, đã nhanh chóng bắt được cả tá nhân viên cấp thấp của News Corp. Đến tháng 2.2012, các báo cáo trên các tờ báo của Murdoch đã than phiền rằng MSC đã quá năng nổ trong việc hợp tác điều tra. Thậm chí, tờ Sun của Murdoch còn mô tả nó giống như một cuộc săn lùng phù thủy thời Trung cổ.

Nhiều nghị sĩ Quốc hội Anh đã bị thuyết phục khi nhìn thấy cảnh MSC hành động. “Đã có nhiều mối hoài nghi, không chỉ là từ những người không ưa Murdoch, cho rằng Murdoch diễn tuồng. Nhưng họ đã sai. Vì trong nhiều trường hợp, MSC đã đi ngược lại với quyền lợi của Murdoch”, Louise Mensch, lúc đó là nghị sĩ của Quốc hội Anh, nhận xét.

Mùa thu năm 2011, News Corp. đã tung ra Compensation Scheme, một chương trình tự nguyện nhằm dàn xếp về tài chính với các nạn nhân bị nghe lén điện thoại. Theo cảnh sát, tính đến tháng 2.2013, Murdoch đã giải quyết được gần 700 trường hợp.

Các vụ dàn xếp này tốn của Murdoch khoảng 250 triệu USD phí pháp lý và thêm 25 triệu USD tiền dàn xếp tranh chấp. Lewich, vị luật sư ở Washingon, cho biết: “Số tiền dàn xếp đã giúp cho vụ việc không bị đưa lên trang bìa của các tờ báo. Mà có tốn kém gì cho cam! Chỉ là một con số rất nhỏ, so với mức tăng giá trị cổ phiếu của Tập đoàn”.

Lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2011, nhiều người tin chắc rằng vụ bê bối thế nào cũng vượt qua khỏi biên giới nước Anh. Thế nhưng, điều đó chưa bao giờ xảy ra. Gần 7 năm sau vụ bắt bớ nghe lén thông tin điện thoại đầu tiên xảy ra tại Anh, không có một nạn nhân nào ở Mỹ nào nói rằng mình bị nghe lén điện thoại.

Không chỉ thí tốt ở lĩnh vực nhân sự, để thoát hiểm, Murdoch đã chấp nhận buông con mồi béo bở đang săn: BSkyB. Giới chuyên gia nhận định, nếu mua BSkyB, News Corp. đã thu được một khoản lãi còn lớn hơn 1,4 tỉ USD lãi ròng có được trong năm ngoái.

Dưới sức ép của cổ đông, ông cũng chấp nhận rời bỏ việc điều hành mảng báo chí - niềm đam mê của ông. Cụ thể, mùa hè năm 2012, News Corp. quyết định tách Tập đoàn ra làm 2, gồm mảng xuất bản và mảng truyền hình - phim ảnh. Việc chia tách dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 28.6 tới. Murdoch sẽ là Chủ tịch của cả 2 công ty sau chia tách nhưng chỉ là CEO mảng giải trí.

Dù gì đi nữa, trong cuộc khủng hoảng này, Murdoch cũng là người chiến thắng. “Chiến thắng lớn đối với Murdoch là vụ bê bối này đã không vượt ra khỏi Đại Tây dương”, Levick nói