Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Trong nước - Ngày đăng : 08:58, 26/06/2013

Nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng 5 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5, nhóm có khả năng mất vốn tăng mạnh khoảng 36,5% so với cuối năm 2012
 Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng 5 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5, nhóm có khả năng mất vốn tăng mạnh khoảng 36,5% so với cuối năm 2012.

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Theo báo cáo hoạt động 5 tháng của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng của nợ xấu đã chững lại so với các tháng trước, từ mức tăng 4,67% của tháng 4 so với cuối năm 2012, đã giảm về 4,65% đến hết tháng 5, tổng nợ xấu khoảng 137.500 tỉ đồng. Lý do của việc giảm là vì tín dụng đã tăng trưởng tốt hơn từ tháng này.

Tuy vậy, nợ xấu của nhóm 5 đã không có dấu hiệu giảm mà ngược lại, còn tăng cao, làm tăng nguy cơ tổn thất tín dụng tại một số ngân hàng.

Đến hết tháng 5, nợ xấu nhóm 5 đã tăng thêm khoảng 20.900 tỉ đồng, tương đương tăng 36,5% so với cuối năm trước. Nợ nhóm 5 chiếm khoảng 57,2% trong tổng nợ xấu, trong khi đến cuối 2012, nợ nhóm 5 chiếm 48,5%.

Theo đánh giá của NHNN, trong 5 tháng đầu năm nợ xấu có xu hướng tăng nhanh về quy mô, tốc độ và tỷ lệ so với cuối năm.

Nợ xấu tăng ở các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực do nền kinh tế còn khó khăn, nhất là các ngành như công nghiệp chế tạo, thương nghiệp, xây dựng, vận tải, bất động sản

Đồng thời với diễn biến trên, NHNN cho rằng nguy cơ về gia tăng nợ xấu vẫn còn ở mức cao do các biện pháp chưa đồng bộ và mạnh mẽ, nhất là các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo trên cảnh báo mức độ tác động tiêu cực của nợ xấu tới vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên. Từ năm 2012, nợ xấu thường tăng nhanh hơn trích lập dự vòng và vốn chủ sở hữu tăng chậm đã dẫn tới nợ xấu sau dự phòng trên vốn chủ sở hữu của hệ thống đã tăng 4,6% của cuối 2011 lên đến 11,2% của cuối 2012 và đến hết tháng 5 đã lên 12,8%.

Điều này kéo theo khả năng chống đỡ rủi ro ở nhiều ngân hàng bị giảm sút.

Dự phòng rủi ro tín dụng cũng đã tăng cao, tuy vậy tốc độ còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của nợ xấu. Nợ xấu đã tăng liên tục qua các tháng và nợ nhóm 5 tăng cao đã khiến số tiền trích lập dự phòng rủi ro lên 71.700 tỉ đồng (tăng 11,7% so với cuối năm ngoái).

Tuy vậy, nếu không cơ cấu lại nhóm nợ theo quyết định 780 thì số nợ xấu sẽ tăng thêm trên 280.000 tỉ đồng nữa, tương đương mức trích lập dự phòng tăng thêm khoảng hơn 14.400 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, việc nợ nhóm 5 tăng cao ở một số ngân hàng cũng có thể do một số ngân hàng xếp nợ vào nhóm này để tăng trích lập dự phòng rủi ro, bớt đi áp lực trích vào cuối năm. Hiện nay, các khoản nợ nhóm 5 đang phải trích lập 100% giá trị món nợ.