Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải từ cơ chế và thị trường
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 08:14, 11/07/2013
![]() |
LTS - Sau buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri là giới doanh nghiệp (DN) TP.HCM diễn ra vào cuối tháng 6 qua, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đã có bài phân tích về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN giai đoạn 2011 - 2013 và những kiến nghị tháo gỡ. Báo Doanh Nhân Sài Gòn xin trích đăng bài viết này.
![]() |
DN đang rất cần những chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn |
Tình hình sản xuất của DN giai đoạn 2011-2013 luôn gặp những khó khăn, năm sau khó hơn năm trước, khiến hàng loạt DN phải rời bỏ thị trường. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, số DN ngừng hoạt động, phá sản, giải thể là 54.198; năm 2012 là 53.972 (giảm 226 DN); 5 tháng đầu năm 2013, con số này đã là 23.226 DN (khoảng bằng 50% của các năm trước).
Riêng quý I/2013, đã có tới 15.200 DN giải thể, ngừng hoạt động (tăng 2.200 DN so với cùng kỳ). Con số thống kê này cho thấy "tình hình sức khỏe" của DN trong quý I/2013 xấu hơn cùng kỳ năm 2012, thậm chí xấu nhất so với cùng thời điểm các năm trước.
Và cũng từ đó cho thấy DN là đối tượng chịu tác động rất lớn từ nền kinh tế nước nhà bị suy thoái. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, bắt đúng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hữu hiệu, kịp thời để cứu DN.
Trước tình hình kinh tế khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã cho "thuốc" bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như Nghị quyết 13/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Nghị quyết 02/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng cho ngành bất động sản...
Tuy nhiên, số DN biến mất ngày càng nhiều là minh chứng cho việc "thuốc" chưa phát huy tác dụng. Nghị quyết 13/2012 là liều thuốc nam chậm ngấm. Nghị quyết 02/2013 là một trong những gói hỗ trợ đã được DN chờ đợi, nhưng khi ban hành thì cách xác định đối tượng được hỗ trợ (cách xác định DN nhỏ và vừa) đã làm các DN không còn kỳ vọng nữa vì đa số DN không đáp ứng điều kiện, nên tác dụng hỗ trợ DN cũng rất ít; gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng cho ngành bất động sản đến nay chưa đi vào thực tế.
Những biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong đợi do chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, thủ tục hành chính còn ràng buộc quá mức nên chưa thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng. Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay không phải là vốn và lãi suất mà là cơ chế và thị trường.
Sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng, từ hàng tiêu dùng cho đến may mặc, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... Thị trường sụt giảm làm lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều, DN không dám đầu tư, mở rộng mà thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng.
Tình trạng trên làm cho lao động thất nghiệp ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người lao động ngày càng giảm; càng cắt giảm chi tiêu, sức mua càng yếu hơn. Do vậy, Nhà nước phải có nhửng giải pháp quyệt liệt và triệt để nhằm giúp DN vực dậy. Chúng tôi kiến nghị, cụ thể như sau:
- Về chủ trương, chính sách: Nhà nước cần có các chính sách kinh tế ổn định, lâu dài, minh bạch; tạo hành lang thông thoáng an toàn cho DN hoạt động.
Nhanh chóng và kiên quyết điều chỉnh những chủ trương, chính sách không còn phù hợp như Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, cố tình gây nhũng nhiễu, làm khó DN.
Ban hành cái mới đồng thời bãi bỏ cái cũ (không còn phù hợp, làm cản trở, gây chán nản, mất lòng tin). Theo đó, mong muốn của DN là Quốc hội sớm thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi, cùng các luật khác như Luật Thuế VAT, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp...
- Về tổ chức thực hiện: Kiến nghị khi Đảng và Nhà nước ban hành nghị quyết, nghị định... thì các bộ ngành phải nhanh chóng hướng dẫn, triển khai bằng các thông tư để các chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Khi nghị quyết, nghị định ban hành trong vòng mấy tháng, các bộ, ngành phải có hướng dẫn thực hiện, nếu quá thời hạn trên thì chủ tịch tỉnh - thành có quyền hướng dẫn thực hiện.
- Về vốn và lãi suất: Đối với ngân hàng, đề nghị cho phép các DN được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp DN tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8% đến 10%/năm, đồng thời giảm bớt thủ tục không cần thiết để giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Đề nghị các gói hỗ trợ lãi suất nên hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân - đối tượng hỗ trợ. Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản nên phân bổ về cho các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện, vừa ít sai sót vừa nhanh chóng hơn.
- Đối với trái phiếu của Chính phủ: Đề nghị khi Chính phủ phát hành trái phiếu nên ưu tiên bán cho người dân trước nhằm huy động nguồn lực (tiền, vàng) trong dân còn rất lớn để đưa vào phục vụ sản xuất - kinh doanh. Do từ trước đến nay, phát hành trái phiếu là qua hệ thống ngân hàng, nên không huy động được tiềm lực trong dân.
Cũng vì chính sách quản lý vàng, ngoại tệ và lãi suất làm cho người dân không an tâm, nên nguồn lực này quay trở về nhà dân.
- Về chính sách thuế: Kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa tồn kho để giúp DN giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất.
- Về hàng gian, hàng giả: Kiến nghị Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra thị trường và có biện pháp chống tình trạng nhập lậu hàng hóa, làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến DN sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
-Về môi trường: Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành thống nhất, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho DN trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, không làm khó dễ DN nhưng phải đảm bảo phải bảo vệ được môi trường, không bảo vệ bằng các phương án trên giấy tờ.
- Các loại thuế và phí: Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, kiến nghị TP.HCM và Chính phủ tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của DN, người dân để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ cho DN.
- Thoái tiền thuế bảo vệ môi trường: Kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo các bộ, ngành thoái lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với các DN sản xuất túi nylon đạt các tiêu chí bảo vệ môi trường và được cấp giấy chứng nhận trong khi các DN đó đã đóng thuế bảo vệ môi trường rất cao trong những năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được thoái trả mặc dù DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và cả thành phố cũng đã đồng tình kiến nghị.