Cuộc đổ bộ của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam
Du lịch - Ngày đăng : 01:11, 17/07/2013
Những ông lớn ngành thức ăn nhanh, thức uống, hàng tiêu dùng từ nhu yếu phẩm đến xa xỉ đang tăng tốc trên đường đua giành thị phần bán kẻ tại Việt Nam.
Ngày 16/7, Tập đoàn đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới McDonald's (Mỹ) thông báo đã chọn ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhà sáng lập Good Day Hospitality kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures, làm đối tác nhượng quyền tại Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của hãng ở Việt Nam sẽ được mở tại TP.HCM đầu năm 2014.
Trước McDonald's, hồi tháng 4, The Pizza Company - một thương hiệu thức ăn nhanh thuộc Tập đoàn Minor Food Group (Thái Lan) cũng chính thức có mặt ở TP.HCM.
Cuối năm 2012, công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã trở thành đối tác nhượng quyền của Buger King - tập đoàn cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh của Mỹ. Đầu năm 2013 những cửa hàng đầu tiên của Buger King đã được khai trương tại Hà Nội và TP.HCM.
Một lãnh đạo IPP từng đặt mục tiêu trong hai năm đầu đơn vị này sẽ đầu tư và phát triển liên tục mỗi tháng 3-4 cửa hàng tại các thành phố lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để làm đa dạng thêm một số sản phẩm mới, phù hợp hơn với khẩu vị người Việt cũng được đơn vị này tính đến.
McDonald's tuyên bố sắp gia nhập thị trường Việt Nam |
Động thái của các đại gia thức ăn nhanh này được ví như chất xúc tác làm tăng nhiệt cho đường đua căng thẳng với nhiều tay chơi đầy tiềm lực như KFC, Lotteria, Pizza Hut...
Phân khúc đồ uống cũng không hề kém cạnh và đã xuất hiện thêm thương hiệu quốc tế mới trong năm 2013. Sau Tết Quý Tỵ, Starbucks đặt chân vào TP.HCM với một cửa hiệu 2 tầng tại đường Lê Lợi, quận 1 và chỉ sau vài tháng thương hiệu này bắt đầu bành trướng. Mới đây, theo báo cáo quý II/2013 của CBRE, Starbucks đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ hai tại một cao ốc văn phòng hạng A nằm ngay trung tâm Sài Gòn.
Starbucks đã ký kết với Coffee Concepts (Việt Nam) thỏa thuận nhượng quyền thương mại và Coffee Concepts trở thành đối tác điều hành duy nhất được cấp giấy phép của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Starbucks đã bắt đầu tiến hành thu mua một số cà phê arabica chất lượng cao tại Việt Nam và cam kết tiếp tục tìm kiếm nguồn cung ứng hạt cà phê arabica lâu dài của Việt Nam trong thời gian tới.
Starbucks đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ hai tại TP.HCM - Ảnh: Quốc Huy |
Mảng bán lẻ đang chứng kiến sự bành trướng của các thương hiệu ngoại. Tập đoàn Lotte sau khi mở chuỗi siêu thị tại TP.HCM, Đà Nẵng và Đồng Nai đã dọn đường cho kế hoạch Bắc tiến. Siêu thị đầu tiên của đại gia này ở Hà Nội dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2014.
Ngoài những gương mặt cũ Big C, Metro, Parkson... nhiều nhà đầu tư ngoại gần đây tuyên bố mở siêu thị tại Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Công ty NTUC FairPrice - nhà bán lẻ của Singapore - đã cùng với Saigon Co.op nhận giấy phép thành lập liên doanh kinh doanh thương mại ở Việt Nam và sẽ mở hai chuỗi siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus.
Liên doanh có vốn đầu tư ban đầu 6 triệu đôla Mỹ, trong đó phía Việt Nam góp 64% vốn. Theo đó, NTUC FairPrice trở thành nhà bán lẻ đầu tiên của Singapore vào Việt Nam.
Một "tay chơi" Singapore khác là Mapletree Investments, thuộc Tập đoàn Temasek Holdings lên kế hoạch dành 300-500 triệu USD để thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2013. Quỹ này sẽ tập trung vào các dự án căn hộ dịch vụ và bán lẻ tại TP.HCM.
AEON (tập đoàn bán lẻ Nhật) cũng đang xây dựng trung tâm thương mại rộng 3,51 ha, quận Tân Phú, TP.HCM. Nhà đầu tư Nhật này thỏa thuận hợp tác với công ty TTJSC – chủ đầu tư dự án Celadon City để phát triển khu thương mại trong dự án này nhằm chuẩn bị cho lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam. Dự kiến AEON sẽ hoàn thành khu mua sắm lớn nhất phía Tây TP.HCM vào năm 2014.
Phối cảnh trung tâm thương mại của đại gia bán lẻ Nhật đang xây dựng tại quận Tân Phú, TP.HCM. |
Ngoài hình thức nhượng quyền hoặc đầu tư trực tiếp, đại gia ngoại thâm nhập vào thị trường Việt thông qua việc mua cổ phần của những tập đoàn lớn. Trong quý II, Warburg Pincus công bố mua 20% cổ phần Vincom Retail của Vingroup với giá trị khoảng 200 triệu USD. Theo đó, tổ chức này sẽ hợp tác với Vingroup trong việc điều hành dự án.
Ở nhóm hàng xa xỉ, Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) mở cửa trở lại giữa tháng 4 vừa qua đã hút nhiều đại gia hàng hiệu đẳng cấp quốc tế đổ bộ vào Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, có hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu đã vào Tràng Tiền với những hợp đồng dài hạn kèm theo cam kết vững chắc.
Ông trùm hàng hiệu này tiết lộ, không kể 400 tỷ đồng cải tạo Tràng Tiền bên ngoài, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng.
Có 15 năm kinh nghiệm tư vấn bán hàng và quản trị doanh nghiệp, Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Francis Hùng phân tích: "Nền kinh tế trong chu kỳ suy yếu là mảnh đất màu mỡ mà mọi nhà bán lẻ đều khao khát. Việt Nam là một điển hình nên các đại gia quốc tế sẽ tiếp tục chen nhau tiếp cận thị trường này trong thời gian tới".
Ông Hùng lý giải, chu kỳ đi xuống của nền kinh tế trẻ chính là điểm rơi quan trọng để các đại gia bán lẻ nhập cuộc vì có rất nhiều cơ hội. Một là chi phí đầu tư mặt bằng, nhân công rẻ.
Trên thực tế nhà bán lẻ thường bị chi phí mặt bằng nuốt lợi nhuận. Giai đoạn khủng hoảng dễ thâu tóm được mặt bằng rẻ, giảm được khoản này thì biên độ lợi nhuận khi kinh tế hồi phục sẽ lớn hơn.
Hai là dân số trẻ nhu cầu tiêu dùng đa dạng, dễ đón nhận trào lưu mới trong khi các nhà bán lẻ quốc tế là bậc thầy trong việc định hướng tiêu dùng. Ba là khả năng phục hồi lớn vì sức bật của nền kinh tế còn non trẻ cao hơn các nền kinh tế già cỗi. Khi vượt qua khủng hoảng tốc độ tăng trưởng cũng nhanh hơn và sức mua cũng mạnh hơn.
Theo ông Hùng, các thương hiệu bán lẻ quốc tế vào Việt Nam sẽ tạo sức ép rất lớn lên các nhà bán lẻ trong nước. Bởi lẽ, khối ngoại có tiềm lực tài chính vững mạnh, giàu kinh nghiệm, trình độ quản lý hệ thống cao và dữ liệu nghiên cứu khảo sát thị trường sâu rộng. Tầm nhìn về việc tái đầu tư cũng như tăng cường sức mạnh thương hiệu của khối ngoại cũng vượt trội so với khối nội.
"Nhà bán lẻ quốc tế sẽ không chỉ xâm nhập về kinh tế mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lên văn hóa tiêu dùng. Một vài năm nữa cục diện sẽ thay đổi rất nhanh", ông Hùng dự báo.
Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Savills tại TP.HCM, Trương An Dương nhận xét: "Ngoại trừ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, các mặt hàng xa xỉ chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn khi xâm nhập thị trường trong thời điểm này".
Ông Dương cho rằng các thương hiệu quốc tế có xu hướng đánh mạnh vào nhóm bán lẻ kênh siêu thị và thức ăn nhanh, thức uống vì giá cả dễ tiếp cận. Thêm vào đó, độ phủ của siêu thị tại các đô thị lớn của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực nên kênh đầu tư này có nhiều đất diễn.
Chuyên gia này dự báo khối ngoại sẽ gia tăng sự xâm nhập vào phân khúc này trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng cuộc đua của đại gia bán lẻ hàng hiệu lại khốc liệt hơn vì sức mua ở phân khúc này suy yếu và mức độ đào thải cũng mạnh mẽ hơn.