Điều chỉnh lương tối thiểu phải bù được trượt giá
Trong nước - Ngày đăng : 01:17, 11/08/2013
Vừa chính thức đi vào hoạt động, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã phải bắt tay ngay vào xây dựng mức lương tối thiểu vùng để áp dụng cho năm 2014.
>> Lương tối thiểu sẽ điều chỉnh theo mô hình nào?
>> Chuyện dài “lương tối thiểu”
>> Lương thấp, sao vẫn “làm Nhà nước"?
>> 10 nghề lương cao, thời gian linh hoạt
Tăng lương phải tính đến yếu tố trượt giá để đảm bảo đời sống người lao động. Ảnh: Phú Khánh |
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, hiện chưa thể nói mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng bao nhiêu song chắc chắn phải đảm bảo bù được khoản trượt giá hàng năm...
- Hội đồng tiền lương Quốc gia trực tiếp đề xuất Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm, người lao động sẽ được lợi gì, thưa ông?
* Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: Trước khi Hội đồng tiền lương Quốc gia được thành lập, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm ở nước ta vẫn đang áp dụng theo phương pháp: Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa ra các phương án, gửi các bên liên quan tham vấn, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên từ nay, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đi vào hoạt động, các phương án điều chỉnh lương tối thiểu sẽ được lấy ý kiến tham vấn trực tiếp cả 3 bên là thành viên Hội đồng. Trong đó, ngoài đại diện Chính phủ (Bộ LĐ-TB&XH) thì đại diện chủ sử dụng lao động và đặc biệt là đại diện người lao động (Liên đoàn Lao động Việt Nam) được tham vấn trực tiếp, cùng nhau họp bàn, thảo luận để thống nhất các phương án điều chỉnh lương.
- Người lao động luôn muốn được hưởng lương cao còn chủ sử dụng lao động thì ngược lại. Việc để 2 chủ thể này cùng bàn bạc phương án điều chỉnh lương liệu có khả thi?
* Kinh nghiệm từ các nước có mô hình Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng cho thấy, việc đưa ra được một phương án điều chỉnh lương thống nhất giữa đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động luôn rất khó khăn. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, Hội đồng tiền lương Quốc gia của họ đã thành lập được 26 năm nhưng năm 2014, khi thống nhất các phương án điều chỉnh lương tối thiểu, Hội đồng này đã phải họp đến 7 phiên mà khi biểu quyết vẫn có bộ phận không tham gia.
Lúc này, nhiệm vụ của Chính phủ, cũng là nhiệm vụ của Hội đồng, đó là phải chọn ra được phương án phù hợp nhất và chủ trì để các bên cùng trao đổi, thống nhất. Hơn nữa, thể chế chính trị của nước ta cũng có đặc điểm khác với Hàn Quốc và các nước khác nên sự căng thẳng giữa “2 bên” có thể điều tiết được, quan trọng nhất là phải cân bằng được lợi ích, tăng cường được sự đồng thuận.
- Trước nay, mỗi khi lương tăng thì vật giá cũng đồng loạt tăng theo khiến đời sống người lao động thực chất không được cải thiện. Trong quá trình xây dựng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2014, Hội đồng có tính đến việc này?
* Đây là 2 mặt vấn đề luôn quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường lương tăng thì giá cả cũng tăng, ở đây bao gồm giá cả sức lao động và giá cả các chi phí đầu vào khác vì mọi chi phí này đều phải cân đối, tính toán giữa thu và chi. Cũng phải nói rằng, sự điều chỉnh mặt bằng giá cả tuân theo cơ chế thị trường, sự điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Cho nên, việc điều chỉnh lương tối thiểu phải đảm bảo bù được trượt giá, sau đó thì tính toán còn “một phần” nữa để cải thiện, đảm bảo được đời sống tối thiểu của người lao động, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
Lương tối thiểu vùng trong năm 2014 sẽ tăng bao nhiêu phần trăm, điều này tôi chưa thể nói trước được bởi tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế đất nước từng năm. Tuy vậy, chắc chắn là lương tối thiểu phải tăng và phải bù được mức trượt giá hàng năm để đảm bảo đời sống của người lao động. Bên cạnh việc quy định mức lương tối thiểu, nghĩa là mức lương “sàn” để yêu cầu doanh nghiệp không được trả thấp hơn mức đó cho người lao động, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng luôn khuyến khích cả “2 bên” (chủ sử dụng lao động và người lao động) thương lượng để có mức lương cao hơn cho người lao động tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đóng góp của người lao động.
- Theo khảo sát, hiện nay lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp mới đáp ứng được 62-69% mức sống tối thiểu của người lao động. Ông nghĩ gì về điều này?
* Với tư cách Chủ tịch Hội đồng, năm 2014, tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận, tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia tiến hành một khảo sát rộng hơn, mẫu lớn hơn, bao gồm cả khu vực đô thị lẫn nông thôn, để có đánh giá chính xác hơn về tương quan giữa mức lương tối thiểu với đời sống tối thiểu của người lao động. Từ đó sẽ có định hướng phù hợp hơn trong việc xây dựng lương tối thiểu vùng.
- Cảm ơn ông!