Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá theo Nghị định thư Madrid

Pháp luật - Ngày đăng : 02:10, 13/08/2013

Cá nhân, tổ chức Việt Nam đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Nghị định thư Madrid cần lưu ý là tên và địa chỉ của chủ đơn phải thống nhất trong tất cả các tài liệu đơn.
Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá theo Nghị định thư Madrid

Trước đây, Việt Nam không thể sử dụng hệ thống nộp đơn quốc tế này để bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các nước chỉ tham gia Nghị định thư Madrid, mà không tham gia Thỏa ước Madrid (như Mỹ, Anh, Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...). Tuy nhiên sự việc đã khác…

Nghị định thư Madrid là sự phát triển của hệ thống nộp đơn quốc tế theo Thỏa ước Madrid nhằm mục đích thu hút thêm thành viên. Nghị định thư Madrid không thay thế mà cùng tồn tại với Thỏa ước Madrid.

Kể từ ngày 11/07/2006 là ngày Việt Nam tham gia Nghị định thư, tổ chức cá nhân Việt có thể nộp đơn quốc tế theo Nghị định thư Madrid để yêu cầu bảo hộ tại các nước không phải là thành viên của Thỏa ước nhưng là thành viên của Nghị định thư.

Trong đơn xin đăng ký bảo hộ theo Nghị định thư cần chỉ rõ các nước thành viên Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn nhãn hiệu được bảo hộ. Các thủ tục nộp đơn và quá trình xét đơn theo Nghị định thư cũng tương tự như nộp đơn theo Thoả ước Madrid.

Tuy nhiên, đăng ký theo Nghị định thư có một số điều kiện thuận lợi hơn so với đăng ký theo Thỏa ước, đó là:

1.Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế theo Nghị định thư ngay sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam, mà không bắt buộc phải đợi đến thời điểm nhãn hiệu đó được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (trong khi nộp đơn đăng ký theo Thỏa ước Madrid bắt buộc nhãn hiệu phải được cấp Văn bằng bảo hộ tại nước sở tại).

2.Về nguyên tắc, khi đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng ở Việt Nam bị mất hiệu lực thì đăng ký quốc tế theo Nghị định thư cũng bị mất hiệu lực theo. Khi đó người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia tại các nước được chỉ định để chuyển đổi đăng ký quốc tế thành đăng ký quốc gia trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế theo Nghị định thư bị mất hiệu lực.

Trong trường hợp này, các đơn xin chuyển đổi đăng ký nhãn hiệu vào từng quốc gia được giữ nguyên ngày nộp đơn, ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký quốc tế.

3.Người nộp đơn có thể chọn sử dụng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh trong đơn đăng ký Quốc tế theo Nghị định thư.

Trong một đơn đăng ký Quốc tế, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chỉ định các quốc gia là thành viên Nghị định thư, miễn là đáp ứng các điều kiện tương ứng và đơn phải theo mẫu qui định.

Thông thường, trong vòng 18 tháng theo Nghị định thư kể từ khi đơn được nộp hợp lệ, nhãn hiệu đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn (nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ trong thời han qui định trên).

Cá nhân, tổ chức Việt Nam đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Nghị định thư Madrid cần lưu ý là tên và địa chỉ của chủ đơn phải thống nhất trong tất cả các tài liệu đơn.

Nếu nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ yêu cầu bảo hộ tại các quốc gia chỉ định là khác nhau thì liệt kê danh mục riêng cho từng quốc gia tương ứng. Tuy nhiên, danh mục hàng hoá, dịch vụ nói trên không được vượt quá danh mục hàng hoá đã kê khai trong đơn xin bảo hộ đã nộp tại Việt Nam.

Công ty luật PLF