Sài Gòn, nhìn từ sông
Du lịch - Ngày đăng : 09:52, 20/08/2013
7 giờ sáng thứ bảy. Chị Elisabeth Ngondara Olivry (Paris) cùng chồng thận trọng băng qua con đường nườm nượp người xe phía trước khách sạn Majestic để đến cầu phao – điểm tập kết khách – bắt đầu một chuyến du lịch trên sông Sài Gòn bằng canô. Chúng tôi cùng bước xuống chiếc canô cao tốc đó để tìm manh mối cho câu chuyện của mình.
Theo khách xuống thuyền
Hai du khách đến từ hai quốc gia khác nhau đang chia sẻ những hình ảnh vừa ghi được trên sông Sài Gòn. |
Sau khi đến quầy vé ký xác nhận, vợ chồng Elisabeth Ngondara Olivry được các nhân viên nhà tour Saigon River Express niềm nở dẫn xuống canô. Đồng hành với họ, có ông Graham Taylor, người Úc và một nhóm ba khách Mỹ khá trẻ. Họ được phát áo phao, phục vụ buổi ăn sáng trên canô, gồm có bánh mì, nước uống đóng chai và một số trái cây bản địa: chuối cau, bòn bon, chôm chôm...
Mặt sông Sài Gòn buổi sáng yên ả nhưng những hướng dẫn viên, hậu cần, tài công trên bến Bạch Đằng thì lại chộn rộn, bề bộn với công việc nhà tour hàng ngày. Chiếc canô tăng tốc vẽ một đường sóng lượn dài, để lại thành phố với những dãy nhà cao tầng ở phía sau.
Vợ chồng Elisabeth bước ra phía trước ngồi đón nắng sớm. Qua khỏi cây cầu cổ Bình Lợi, họ nằm sải chân khoan khoái ngước mắt nhìn trời xanh, đón gió mát. Chị nói: “Làng quê hai bên thật trong lành và bình yên. Tôi đã từng đi tour bằng xuồng ở Bangkok, nhưng sông ở đó không tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên như sông Sài Gòn”. “Vì sao chị chọn tour đường sông để khám phá thành phố mà không là gì khác?”
“Chúng tôi được các tiếp tân khách sạn tư vấn. Chúng tôi cũng được biết đây là thành phố có nhiều sông rạch, nên sẽ rất thiếu sót nếu không chọn tour này để hiểu hơn về Sài Gòn”.
Khác với vợ chồng du khách Pháp nói trên, Graham Taylor, ông giáo già về hưu người Úc bị thương một chân, đi lại với cây nạng, coi bộ bất tiện cũng chọn tour đường sông bằng canô, chỉ vì, ông có người bạn sống ở TP.HCM, là cây bút về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ẩm thực ở tờ Saigon Times giới thiệu nên đi tour này.
Ông biết thể trạng mình không cho phép có thể chui vào lòng những địa đạo ở Củ Chi, nhưng được nằm ở mũi canô, phóng tầm mắt ra đôi bờ sông lộng gió, vẫy chào những cư dân địa phương ở Lái Thiêu, Thủ Dầu Một đánh bắt cá trên sông, hít thở không khí trong lành đã là điều lý thú khó tả.
Trong khi bên trong canô, nhóm khách Mỹ vừa thưởng thức trái cây, vừa ghi lại những hình ảnh đẹp trên hành trình thì vợ chồng chị Elisabeth và ông Graham kịp làm quen, chuyện trò về những con sông ở hai thủ đô lớn, quê hương họ.
Tour quen, Tây mặn, ta nhạt
Những vị khách đó không biết rằng, để có mặt trên chuyến canô này, họ đã được hơn chục nhà tour khai thác du lịch sông Sài Gòn nắm bắt nhu cầu, săn đón, phủ sóng tiếp thị thông tin tour tích cực từ phòng ngủ các khách sạn nơi họ lưu trú đến các trung tâm thông tin du lịch miễn phí trên các tuyến phố trung tâm TP.HCM: Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ...
Tour đường sông có thể xem là sản phẩm nổi bật và đem lại doanh thu đáng kể cho các công ty lữ hành chú trọng mảng city tour trong hơn mười năm nay.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại quầy vé một số công ty du lịch, thì chưa có nhiều chọn lựa. Có một thực tế, trong các tour sông Sài Gòn, du khách thường chọn nhất là hai tour tầm trung với lộ trình quen thuộc hàng chục năm nay: Sài Gòn – Củ Chi và Sài Gòn – Vàm Sát, thời gian đi và về khoảng từ 4 – 6 giờ, giá dao động từ 1,7 – 2,2 triệu đồng; đa số là khách nước ngoài.
“Thời gian gọn, dễ sắp xếp, giá cả vừa phải, lại có cái để nhìn ngắm và hiểu hơn về lịch sử, văn hoá, thiên nhiên Sài Gòn” – Nhật Hải, hướng dẫn viên tiếng Anh của công ty du lịch Exptissmo đang cộng tác cho tour đường sông của Saigon River Express lý giải. Hải cho biết thêm, đều đặn mỗi tuần anh có ba bốn chuyến đưa khách đi Củ Chi hoặc Vàm Sát bằng canô.
An Sơn Lâm, ông chủ công ty thuyền buồm Đông Dương đưa khách đi Vàm Sát, Củ Chi từ năm 2005 đến nay cũng thừa nhận điều này: Tour tầm trung rất được ưa chuộng, tuần nào cũng có chuyến; lúc cao điểm (vào ba tháng cuối năm), mỗi ngày công ty ông có đến năm chuyến thuyền buồm đưa khách đi (mỗi chuyến trên 70 chỗ), chủ yếu là khách Tây từ các hãng lữ hành liên kết gửi đến.
Điều đáng nói là trong khi khách ngoại quốc rất dễ chi tiền cho các tour đường sông để khám phá Sài Gòn, thì khách nội địa lại còn lạnh nhạt. Một tháng đầu, tính từ sau khi thành phố phát động chiến lược khai thác phát triển du lịch đường sông Sài Gòn (từ 4.6 – 3.7), giao cho Saigon tourist làm “nhạc trưởng” thì có 231 khách đăng ký mua tour sông Sài Gòn ở công ty này, trong đó 80% là khách nước ngoài.
Trong chùm sáu tour đường sông ban đầu, chủ yếu khách vẫn chọn hai tour “truyền thống”, đã khai thác hàng chục năm nay – Vàm Sát và Củ Chi – hơn những tour mới nội đô, dù tour đang rất dễ chịu về giá.