Tín dụng đen: Khuyết tật của hệ thống tài chính
Du lịch - Ngày đăng : 08:28, 22/08/2013
"Chưa có con số xác định tín dụng đen chiếm bao nhiêu phần trăm trong GDP hay tổng tín dụng, nhưng sẽ không quá lớn như Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc dự tính có thể tới 20% tổng tín dụng, còn Việt Nam chắc là thấp hơn", TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, nhận định.
* Tín dụng đen gần đây lại bùng phát dữ dội, theo ông nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?
- Tín dụng đen bùng phát do tín dụng chính thức thời điểm này đóng băng, trong khi nhu cầu về vốn của xã hội, kể cả đủ chuẩn và không chuẩn để vay ngân hàng là rất lớn. Nhiều người có nhu cầu nhưng không đủ các điều kiện để vay tín dụng ngân hàng, do không có tài sản thế chấp, không có phương án kinh doanh rõ ràng và đang có nợ xấu ngân hàng.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng đen rất lớn, làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN rơi vào tình trạng sản xuất chính vẫn tồn tại nhưng do còn nợ xấu từ đầu tư ngoài ngành, nên vay tín dụng đen để duy trì sản xuất và ngày càng lún sâu vào rủi ro, khiến không có khả năng phục hồi và phát triển bình thường được.
* Ông đánh giá thế nào về quy mô của thị trường tín dụng đen hiện nay ?
- Tín dụng đen là sản phẩm phái sinh của một thị trường tài chính kém phát triển. Khi kinh tếtăng trưởng cao và ổn định thì nó giảm xuống và tăng lên khi kinh tế khó khăn.
Đến nay, chưa có tài liệu đánh giá, cũng không có khảo sát chính thức về quy mô tín dụng đen, nhưng được biết nó khá lớn, có ở hầu hết các địa phương.
Các nhà cung cấp tín dụng đen lợi dụng nền kinh tế đang khó khăn đó để huy động vốn không chính thức với lãi suất cao và cho vay với lãi suất cao hơn nữa nên rủi ro rất lớn.
Trong bối cảnh thị trường vốn còn sơ khai, chưa bao quát được tất cả các nguồn vốn cũng như nhu cầu tín dụng của xã hội, tín dụng đen là một trong những nguy cơ rất lớn của hệ thống tài chính, làm cho nguồn lực bị tiêu hao.
Tệ hơn nữa, các vụ vỡ nợ khiến nhiều gia đình, nhất là những người gửi tiền, rơi vào tình trạng khuynh gia bại sản. Đặc biệt, mạng lưới đòi nợ mang tính chất xã hội đen, tạo ra những bất ổn về trật tự an toàn xã hội.
* Có sự "chuyển đổi" nào từ tín dụng chính thức sang tín dụng đen không, thưa ông?
- Những khoản vay lớn từ tín dụng chính thức chuyển sang tín dụng đen là một trong những thủ pháp huy động vốn và đầu tư của những người kinh doanh bất chính.
Nhưng không phải ai cũng làm được như thế mà phải là người trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những người có liên quan mật thiết đến tín dụng chính thức mới có thể làm được.
Cho nên, những vụ đổ bể tín dụng đen đều có liên quan đến tín dụng chính thức cũng cho thấy, ngay cả tín dụng chính thức cũng chưa được giám sát một cách kỹ lưỡng, nhất làvới các ngân hàng thương mại.
* Vậy giảm thiểu tín dụng đen bằng cách nào?
- Cần cóthời gian, nhưng quan trọng nhất là tín dụng chính thức phải được phá băng, tăng trưởng trở lại, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Để giảm thiểu rủi ro về nguồn vốn của xã hội, tạo ra lòng tin với DN, nhà đầu tư và dân chúng về sự rõ ràng minh bạch của hệ thống tài chính, cơ quan giám sát tiền tệ, giám sát tín dụng phải đồng thời xử lý hai vấn đề: Tạo thị trường tín dụng chính thức minh bạch, công khai, thuận tiện, đồng thời giám sát chặt hoạt động tín dụng phi pháp.
Hoạt động tín dụng là hoạt động có điều kiện và các điều kiện khá nghiêm ngặt, ngoại trừ ngân hàng thương mại, không ai được huy động, tích lũy tiền của người dân.
Việc huy động tiền gửi của dân cư dưới dạng tín dụng đen là hành động phi pháp và là một khuyết tật nặng nề của hệ thống tài chính. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân lựa chọn phương án đầu tư, tích lũy vốn an toàn, ví dụ gửi vào ngân hàng.
* Cảm ơn ông!