Tết Độc lập trên quê hương Tướng Giáp

Thời sự - Ngày đăng : 00:25, 27/08/2013

Với người dân Lệ Thủy, nếu phải đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về nhưng ngày Quốc khánh thì nhất định phải sum họp gia đình, chòm xóm và tổ chức vui chơi, ăn uống tập thể.
Tết Độc lập trên quê hương Tướng Giáp

Tôi trở về Lệ Thủy dịp Quốc khánh với tâm thức như bao người con của xứ này:
Dù ai đi Tây về Đông
Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay

Đọc E-paper

Đua thuyền mừng ngày Độc lập trên dòng Kiến Giang

1 Tức là với người dân Lệ Thủy, nếu phải đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về nhưng ngày Quốc khánh thì nhất định phải sum họp gia đình, chòm xóm và tổ chức vui chơi, ăn uống tập thể.

Vậy mà ngày trở về ấy, với tôi phải 47 năm sau ngày phải gấp sách dừng bút nửa chừng, tạm biệt mảnh đất đã nuôi nấng, bảo bọc mình nhiều năm khi tập kết ra Bắc để vào Nam đánh giặc giữ nước.

Cảnh cũ đã thay đổi nhiều bởi nhu cầu sống ngày một hiện đại, người xưa đã vào tuổi nửa thế kỷ trở lên, vậy mà tôi vẫn bồi hồi, háo hức như thuở còn con nít lội ra sông Kiến nước ngập ngang ngực để hò hét, cổ vũ cho các thuyền đua.

Truyền thuyết kể rằng: Vào một đêm u tịch của cái ngày xửa ngày xưa ấy, vị Thành hoàng khai khẩn vùng đất Lệ Thủy nằm chiêm bao gặp một ông cụ râu tóc bạc phơ, ông cụ bảo, muốn mưa thuận gió hòa thì cứ mỗi dịp khai Xuân nên có lễ hội đua thuyền cầu đảo (cầu mưa), khai thông sông rạch cho trời đất thấu hiểu lòng dân mà phù hộ độ trì công việc làm ăn và sức khỏe.

Cũng có ý kiến cho rằng, Lệ Thủy là vùng đất nắng thì khô nẻ, mưa thì ngập úng, nên mùa hạn, những cư dân đi mở đất thường cầu mưa "lấy nước để uống, lấy ruộng để cày", mùa mưa thì dân các làng "hô huầy" đẩy thuyền xuống sông, đẩy thuyền ra đồng.

Lâu dần việc đẩy thuyền, chèo thuyền chuyên chở sản vật trên sông Kiến biến thành hội thi, dù thuở ấy Gánh cực mà đổ lên non/Còng lưng mà chạy cực còn đuổi theo.

Theo TS. Nguyễn Khắc Thái, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, quê Lệ Thủy thì chính ông Hoàng Hối Khanh, một viên quan thuộc triều Lê, cách nay 600 năm, đã đưa 13 họ tộc từ Thanh Hóa vào mở mang điền trang đã mang theo tập quán đua thuyền từ cố hương vào Lệ Thủy, trong dịp Xuân về, Tết đến.

Trước đó mấy tháng, các làng, các xã thi nhau chuẩn bị thuyền tốt, trai bơi tài, gái chèo giỏi. Thuyền bơi phải đóng bằng gỗ cây dổi, cây huỳnh đàn cổ thụ trên Trường Sơn, dài 20-30 mét, thon nhẹ, nổi vừa phải trên mặt nước, không được chờm sóng mà lầm lũi lướt nhanh, chở ít nhất 12 đến 15 cặp đua, rồi tổ chức "bơi thụa" (luyện tập) nhiều ngày trước khi vào cuộc đua chính thức.

Sau Cách mạng Tháng 8, kỷ niệm năm thứ nhất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, con dân Lệ Thủy xin trời đất cho chuyển hội đua thuyền trên Kiến Giang vào dịp 2/9 hằng năm để mừng ngày nước nhà độc lập. Từ đó hội đua thuyền chỉ bị gián đoạn hai lần.

Lần một, 8 năm, vì trai bơi phải gác chầm cầm súng kháng Pháp, và lần thứ hai, cũng 8 năm, từ năm 1965 cho đến năm 1973, khi Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực.

Từ khi đất nước thống nhất đến nay, lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh tổ chức ngày càng lớn, không những nhân dân và con em Lệ Thủy trên mọi miền đất nước tụ họp mà bà con các huyện lân cận cũng đổ về kín hai bên bờ Kiến Giang cả chục kilomet để cùng vui ba ngày hội.

Trong ngày lễ hội, dòng Kiến Giang có hàng ngàn thuyền lớn nhỏ trang trí rực rỡ, căng băng rôn, biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống, chiếc mõ để cổ vũ đoàn đua. Đúng 8 giờ 30 sáng 2/9, hội đua thuyền khai mạc tại Mũi Viết, ngã ba con sông Kiến.

Đường đua 20km với một tuyến độc nhất từ trước đến nay là thượng tiêu cầu Trạm (xã Mỹ Thủy) qua chợ Thùi - Phú Thọ (xã An Thủy) và hạ tiêu Mũi Viết Thượng Phong (thị trấn Kiến Giang), cũng là điểm buông dầm.

Năm 2006, lễ hội đua thuyền truyền thống trên Kiến Giang được UBND tỉnh Quảng Bình nâng cấp thành lễ hội văn hóa của tỉnh.

Nhưng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 ở Lệ Thủy không hẳn chỉ có đua thuyền mà là những ngày Tết thực sự, gọi là Tết Độc lập. Trong ba ngày Tết Độc lập (từ ngày 1 đến ngày 3), nhà nhà dọn dẹp, trang trí, sắm sửa đồ ăn thức uống cúng tổ tiên, giỗ Bác Hồ, từng xóm, từng kiệt, từng thôn tổ chức liên hoan.

Lễ hội này không chỉ là ngày hội vui chơi, đua tài của người dân Lệ Thủy mà còn là lễ cầu yên (an cư), cầu thịnh (lạc nghiệp), cầu siêu (siêu độ vong linh), mang đậm màu sắc văn hóa của một vùng quê sông nước...

Ngôi nhà thuở thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

2 Hòa vào dòng người đến thăm căn nhà thuở thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy bên dòng Kiến Giang trong dịp Tết Độc lập, tôi càng xúc động trước tấm lòng của bà con cô bác với vị Tổng tư lệnh - người chỉ huy tối cao cuộc chiến tranh giải phóng ba nước Đông Dương (1946-1954) và chiến tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thu giang sơn về một mối (1960-1975) - người con ưu tú nhất của huyện Lệ Thủy.

Đến thăm quê hương Lộc Thủy của Đại tướng bên bờ Kiến Giang lần này, tôi lại chú ý đến truyền thống đua thuyền của người An Xá và ngôi miếu thờ bà Lỗ ở cuối làng. Chuyện kể rằng, năm nào đội đua thuyền của làng An Xá cũng ở thứ hạng thấp.

Một lần chuẩn bị vào đua, một người con gái xuất hiện, nói với các trai bơi: Ngày mai các anh ráng bơi, đừng để ý trên bờ, dưới sông thì nhất định về nhất.

Vậy mà đã qua một vòng đường đua, thuyền của làng An Xá vẫn vất vả bám đuôi những thuyền khác. Đến đoạn nước rút, bất ngờ thiếu nữ hôm qua xuất hiện, mình không một mảnh vải, bơi ra giữa dòng nước cổ vũ "đội nhà”.

Những đội đua khác bị người con gái da trắng ngần, mắt lúng liếng hút hồn, mất tập trung, chùng tay bơi, còn đội An Xá được dặn trước, vẫn dốc sức quạt dầm nên giành giải nhất.

Từ đó, đội đua thuyền An Xá luôn ở tốp đầu trong các cuộc thi, còn người con gái ấy thì không ai thấy nữa và cũng chẳng biết nàng tên gì, ở xứ nào. Nhớ ơn cổ vũ giúp đội đua An Xá nhiều năm về đích trước tiên, người làng đã xây miếu thờ nàng và đặt tên là miếu bà Lỗ (bà ở truồng).

Năm nào cũng thế, trước giờ xuống thuyền đi thi, trai bơi An Xá lại vào miếu bà Lỗ thắp hương xin phù hộ cho xuôi dầm mát mái và dẫn đầu. Vì thế mà ngoài việc giữ được bí kíp đóng thuyền thì truyền thuyết về bà Lỗ cũng là động lực tinh thần để làng An Xá luôn giành giải cao trong lễ hội đua thuyền hằng năm.

Theo ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông, người trông coi ngôi nhà của Đại tướng từ nhiều năm qua, thì thuở thơ ấu, Võ Nguyên Giáp cùng bạn bè thường chơi đánh găng, đánh trận giả quanh ngôi miếu bà Lỗ và là người rất mê xem đua thuyền của quê hương mình.

Đầu những năm 1930, sau khi bị thực dân Pháp bắt rồi trả tự do, Võ Nguyên Giáp bị công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế, phải ra Hà Nội học và dạy học, đồng thời tiếp tục hoạt động cách mạng nên không có dịp "coi bơi" nơi quê nhà.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, cứ đến ngày 2/9, từ Hà Nội, Đại tướng luôn hỏi thăm về lễ hội đua bơi Lệ Thủy, nếu đội An Xá hay Lộc Thủy đoạt hạng cao thì gửi quà tặng.

Ông Hàm kể, Quốc khánh năm 1999, Đại tướng lại về thăm quê và xem đua thuyền. Hôm ấy Đại tướng ngủ trong căn nhà thời niên thiếu như còn hơi ấm của mẹ cha.

Mặc dù thức khuya để nói chuyện với người làng, nhưng sáng hôm sau Đại tướng thức dậy rất sớm, đến miếu bà Lỗ thắp nhang cho người con gái bí ẩn rồi hòa mình vào dòng người đi xem lễ hội đua thuyền.

Đại tướng đứng trên một con thuyền giữa dòng Kiến Giang để cổ vũ các đội đua. Bất ngờ Đại tướng hỏi bằng chất giọng đặc sệt Lệ Thủy: "Đò của làng An Xá miềng mô hè?". Khi được những người hộ tống chỉ, Đại tướng đã vẫy tay cổ vũ rất nhiệt tình. Gương mặt của Đại tướng tràn đầy niềm vui...

PHƯƠNG HÀ