Các nền kinh tế mới nổi: Đã hết đà?

Bình luận - Ngày đăng : 06:37, 28/08/2013

Khi hệ thống tài chính của Mỹ chìm vào khủng hoảng năm 2008, những người quan sát lạc quan bắt đầu đặt niềm tin và hy vọng vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil. Nhưng thực tế này đã không bao giờ xảy ra.
Các nền kinh tế mới nổi: Đã hết đà?

Khi hệ thống tài chính của Mỹ chìm vào khủng hoảng năm 2008, những người quan sát lạc quan bắt đầu đặt niềm tin và hy vọng vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil. Nhưng thực tế này đã không bao giờ xảy ra.

Đọc E-paper

>>Brics: Kế hoạch thay đổi trật tự tài chính thế giới
>>
Indonesia - gương mặt mới của câu lạc bộ BRICS?

Các máy ATM bị cướp phá ở đường phố Rio de Janeiro, Brazil trong cuộc biểu tình hồi tháng 6

Thực tế là 5 năm sau đó, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại, chậm nhất trong 13 năm liên tục, tiền tệ, chứng khoán của Ấn Độ sụt giảm mạnh trên thị trường thì nhà đầu tư Mỹ lại ăn mừng khi cổ phiếu không ngừng lên giá. Sự đối nghịch trong các con số thống kê khiến "phe đối lập" vui mừng ra mặt.

Theo số liệu của Bloomberg, tiền mặt phía sau các quỹ giao dịch tại các thị trường mới nổi đã chảy vào các quỹ chứng khoán Mỹ với tốc độ chưa từng có trong lịch sử: 95 tỷ USD đã được dùng để mua cổ phiếu Mỹ trong năm nay, con số ở các nước phát triển chỉ là 8,4 tỷ USD. Trên thực tế, các thị trường mới nổi đang cho thấy nguồn tiền đầu tư ra ngoài lớn chưa từng thấy, kể từ khi Bloomberg bắt đầu thống kê số liệu từ năm 2000. Luồng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi có thể tác động lớn đến khả năng thanh khoản, thậm chí nhiều hơn so với tác động của nó lên các yếu tố kinh tế.

Trong một thời gian dài, khối các nước đang phát triển đã gặp rất nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế. Đầu tiên là lãi suất ngân hàng gần như bằng không tại Mỹ và các nước phát triển đã đẩy các nhà đầu tư tới Mumbai, đến Mexico và đồng loạt rót tiền vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Sau đó là thời điểm Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại lớn, vượt qua Indonesia, Campuchia hay Brazil mặc dù kinh tế các nước này cũng phát triển rất sôi động. Và cuối cùng, trừ Trung Đông ra, thì các nước còn lại tại thị trường mới nổi đều có chính trị rất ổn định.

Nay thì không còn dễ dàng lắm nữa. Chỉ 2 tháng trở lại đây, các nhà đầu tư rút 40,3 tỷ USD từ khu vực đầu tư trái phiếu nhóm thị trường mới nổi, trong quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu giảm bớt các gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Cũng lúc này, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai Cập trở nên bất ổn sâu sắc và làm nguy hại nghiêm trọng nền kinh tế. Thêm vào đó là việc suy giảm sức mạnh kinh tế Trung Quốc và giảm tốc độ phát triển, do giảm mạnh xuất khẩu.

Các thách thức này hoàn toàn có khả năng xóa sổ cả một nền kinh tế từ nay cho đến năm 2014, mà trường hợp của Ai Cập là ví dụ điển hình. Do việc trợ giá từ các quỹ đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải chịu thách thức nặng nề hơn nhiều so với các nước có an sinh xã hội phát triển như Mỹ hay châu Âu. Theo một báo cáo của Nomura International, dẫn lại các cuộc biểu tình ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết 11 quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Argentina và Venezuela phải đối diện với nguy cơ bất ổn xã hội nghiêm trọng trong trung hạn và ngắn hạn. Tầng lớp trung lưu thuộc thế hệ mới, từ những năm 2000 trở lại đây tỏ ra rất bất mãn với các vấn đề xã hội như tham nhũng.

Nhớ lại cuộc khủng hoảng châu Á thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu hết các nước chịu ảnh hưởng là các nhà xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ngày nay, số không nhỏ các nền kinh tế lại phụ thuộc Trung Quốc như là nhà nhập khẩu hàng đầu. Sự phụ thuộc này sẽ cản trở sự phát triển của họ nhiều năm khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã 5 lần giảm con số dự báo tăng trưởng toàn cầu và cho rằng, nguy cơ luồng vốn quay trở lại các nước phát triển sẽ đầy lùi nền kinh tế thế giới.

Mới đây, hồi tháng 6, bất chấp dòng người biểu tình, Tổng thống Indonesia Yudhoyono vẫn quyết định cắt giảm trợ cấp xăng dầu và tăng giá nhiên liệu này tới 44%, gợi nhớ lại chính sách thắt lưng buộc bụng vốn đã thúc đẩy sự sụp đổ của chính quyền Suharto hồi năm 1998.

Mặc dù điều này là khó xảy ra, khi mà kinh tế Indonesia vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay, nhưng các nhà đầu tư thận trọng đã cho thấy ngay phản hồi, đồng rupiah Indonesia đã mất giá kỷ lục trong 4 năm trở lại đây. Cũng như Indonesia, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa lớn, nhưng đang chậm lại. Tăng lãi suất ngân hàng để chống lạm phát, nhưng cũng đồng thời kiềm chế phát triển kinh tế hơn nữa.

Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình, và mặc dù đã cam kết sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề như cải thiện trường học, bệnh viện, giao thông công cộng, vẫn tuyên bố sẽ giảm chi tiêu công, khiến tỷ lệ ủng hộ với chính phủ đã giảm từ 57 xuống 27%, gây ra nguy cơ tái bầu cử vào năm tới. "Khi bất mãn với chính phủ thì người dân sẽ xuống đường", Michael Shaoul, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Marketfield Asset Management cho biết.

PHẠM TÂM