So bì ưu đãi thuế
Chính sách mới - Ngày đăng : 00:08, 29/08/2013
![]() |
Chủ đầu tư Núi Pháo và Tập đoàn Viettel không hẹn mà gặp khi cùng lúc kiến nghị xin ưu đãi cho doanh nghiệp mình.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vừa làm việc với Công ty TNHH Khai thác Núi Pháo, Tập đoàn H.C. Starck, Tập đoàn Masan để nghe báo cáo về việc thành lập Công ty Liên doanh tinh luyện vonfram Núi Pháo - H.C.Starck. Theo báo cáo của Masan, từ tháng 7/2013, nhà máy đã chạy thử và cho ra những tấn sản phẩm đầu tiên.
Dự kiến năm 2013 sẽ xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, từ năm 2014 sẽ đạt giá trị xuất khẩu đạt mỗi năm trên 300 triệu USD. Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã ký thỏa thuận với tập đoàn H.C.Starck của Đức để thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck.
Nhà máy được xây dựng tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, với công suất tinh luyện 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, doanh thu khoảng trên 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, đại diện H.C. Starck và Masan đã đề xuất với Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, quan tâm giải quyết các vấn đề pháp lý, quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, mới đây Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, khi cho rằng thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất điện thoại đang bị áp ở mức cao.
Theo văn bản này thì hầu hết nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam đều phải nhập khẩu dưới dạng mặt hàng chịu thuế.
Trong đó, nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được nhưng vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cao, như: mô tơ rung cho điện thoại (25%), pin điện thoại (20%), các đầu nối (15%), khối micro cho điện thoại (15%)...
Mức thuế nói trên khiến sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá thành cao hơn so với các sảm phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc từ nước ngoài.
Sở dĩ có sự "so bì” này, theo Viettel, các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng được miễn thuế nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ, mà điển hình là Công ty Samsung Electronics Vietnam (SEV).
Hiện SEV được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa.
Tiếp đó, vào tháng 9/2012, SEV lại được chuyển sang hình thức doanh nghiệp chế xuất với mức ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam về thuế thu nhập doanh nghiệp và rất nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng...
Với các lý do như vậy, Viettel kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa cho Viettel và các công ty con do Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ.
Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017. Đồng thời, xin áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc bán điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.