Ngày thi thứ 7: Sinh viên Ngoại thương giành ưu thế
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 05:36, 04/09/2013
Sáng 4/9, bốn thí sinh tiếp theo của nhóm đề tài dịch vụ ẩm thực đã có buổi trình bày dự án trước Ban giám khảo bao gồm: bà Võ Thị Phương Lan – Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận Mỹ Á, ông Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc Tế BMG, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên.
Giám khảo chụp ảnh lưu niệm cùng 4 thí sinh dự thi |
Thí sinh dự thi đầu tiên, Phạm Thu Hương đến từ ĐH Ngân hàng TP.HCM trình bày dự án “Cà phê U Minh với nấm và đom đóm”. Là một cư dân thành thị, Thu Hương đã rất thích thú khi nhìn thấy vẻ đẹp lung linh của đom đóm trong một chuyến du lịch về miền quê. Sản phẩm chính mà Thu Hương muốn đem đến cho khách hàng là không gian thanh bình của đồng nội với nấm và đom đóm.
Giám khảo Nguyễn Thanh Tân đánh giá ý tưởng khá thú vị nhưng khuyên thí sinh tiếp tục suy nghĩ để định vị sản phẩm cho rõ ràng. Không gian là điểm mấu chốt để thu hút khách hàng nhưng sản phẩm cũng quan trọng không kém trong việc giữ chân khách. Do đề án của Thu Hương định vị tất cả các chữ P của marketing còn lỏng lẻo nên chưa thuyết phục được BGK.
Giám khảo Tuyết Mai khuyên Thu Hương nên sử dụng các vật liệu thiên nhiên để đúng với ý tưởng là mang lại không gian thiên nhiên cho khách hàng, hơn là dùng các chất liệu composite.
Giám khảo Phương Lan đặt vấn đề về đối thủ cạnh tranh và tài chính. Hiện nay khu vực xung quanh có nhiều quán cà phê độc đáo, có nhiều thế mạnh để thu hút khách hàng, do đó, nếu Thu Hương không xác định rõ các thế mạnh riêng của mình thì khó duy trì hoạt động lâu dài.
Thí sinh tiếp theo Trần Vân Khanh – sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu “Chuỗi cửa hàng thức ăn Bao Tử Cười“ phục vụ các món ăn tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho người đau dạ dày. Tiêu chí của cửa hàng là không dừng lại ở việc giúp khách hàng ăn đủ, ăn ngon mà còn phải ăn sao cho hợp lý. Vân Khanh dự định không kinh doanh các món chiên xào, chỉ phục vụ các món hấp và súp, có giao hàng tận nơi.
Giám khảo Tuyết Mai đánh giá Vân Khanh đã chọn được hướng đi đúng là phục vụ những khách hàng bận rộn và mắc bệnh đau bao tử, có phong cách trình bày thu hút và tiếng Anh tốt. Giám khảo này khuyên Vân Khanh nên kết hợp với tư vấn từ chuyên gia của các trung tâm dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp với sức khỏe và hấp dẫn khách hàng.
Giám khảo Nguyễn Thanh Tân cũng góp ý thêm với Vân Khanh những ý tưởng để thực hiện hoạt động marketing. Tham vọng của Vân Khanh rất lớn là phát triển thành chuỗi, nhưng để cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động, phần tài chính cần phải đầu tư xây dựng thêm. Bài thi mới dừng lại ở ý tưởng tốt, Vân Khanh cần đầu tư nghiên cứu thêm rất nhiều để dự án trở thành hiện thực.
Giám khảo Phương Lan cho rằng ý tưởng của Vân Khanh mới và hay nhưng phải làm được hai việc, một là truyền thông tốt, hai là có sản phẩm tốt. Ngoài ra Vân Khanh phải hiểu biết về chuyên môn thực phẩm thì mới đưa ra được các món ăn ngon cho thực đơn. Giám khảo này còn liệt kê các điểm còn thiếu sót để giúp Vân Khanh hoàn thiện thêm phần tài chính của dự án.
Thí sinh thứ 3 Văn Thị Thùy Linh – sinh viên ĐH Hùng Vương giới thiệu cửa hàng Healthy Fruit cung cấp những khẩu phần trái cây tươi ngon và an toàn nhất. Các phần trái cây Linh kinh doanh sẽ được xây dựng dựa trên tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, giúp khách hàng lựa chọn trái cây phù hợp cho sức khỏe.
Giám khảo Nguyễn Thanh Tân cho rằng hiện tại trên thị trường có rất nhiều có cửa hàng bán trái cây hiện đại nhưng khách hàng cũng thưa thớt. Ngoài ra, điểm độc đáo mang tính cạnh tranh của dự án vẫn chưa rõ ràng. Kế hoạch tài chính cho tiếp thị cũng như cách lựa chọn kênh tiếp thị chưa phù hợp lắm. Giám khảo Thanh Tân gợi ý Thùy Linh có thể liên kết với các trường quốc tế để cung cấp phần trái cây làm bữa ăn cho học sinh.
Giám khảo Tuyết Mai cũng góp ý về phương pháp chế biến sản phẩm và kết hợp khẩu phần để từ đó có thể tính giá thành sản phẩm, chi phí và lợi nhuận. Đồng thời, giám khảo này cũng khuyên Thùy Linh nghiên cứu thêm đế phát triển bao bì sao cho bắt mắt, vệ sinh và hiện đại hơn cách đóng gói trái cây gọt sẵn hiện nay trên thị trường.
Giám khảo Phương Lan đặt thêm nhiều câu hỏi cho Thùy Linh về vấn đề lưu kho, tồn kho sản phẩm vì trái cây đã gọt không để được lâu.
Thí sinh cuối cùng dự thi trong ngày là Trần Thị Thảo Nguyên – sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Thảo Nguyên giới thiệu dự án Bánh tiêu xôi - sản phẩm thức ăn nhanh mới mang đậm phong cách ẩm thực Việt với phương châm “Ngon – Sạch – Nhanh”. Nguyên tự tin dự án của mình sẽ thành công vì có đội ngũ chuyên nấu ăn và nguồn nguyên liệu chất lượng, dự án chỉ cần vốn đầu tư thấp và có khả năng thu hồi vốn nhanh.
Giám khảo Tuyết Mai khen powerpoint thuyết trình của Thảo Nguyên được làm rất đẹp, nhưng lại lo lắng rằng bánh tiêu là món chiên, sẽ không đáp ứng được tiêu chí món ăn vì sức khỏe mà Thảo Nguyên đặt ra. Thí sinh này cam kết sẽ giảm bớt các tác hại của món chiên nhờ quy trình chặt chẽ và các loại nước thanh nhiệt. Giám khảo Tuyết Mai đề nghị Nguyên không dùng đặc điểm “món ăn vì sức khỏe” như là điểm đặc biệt nhận biết sản phẩm mà nên tập trung khai thác một thế mạnh nổi trội khác của món bánh tiêu xôi.
Giám khảo Thanh Tân có lời khen cho phần trình bày chỉn chu của Thảo Nguyên, tuy nhiên việc sử dụng 2 món đơn giản kết hợp lại chưa làm bật lên điểm đặc biệt của sản phẩm, Nguyên cần nghiên cứu đa dạng hóa các món ăn cho hợp khẩu vị của thực khách.
Giám khảo Nguyễn Thanh Tân nói về ý nghĩa của việc chia sẻ ý tưởng và đánh giá bài thi của các thí sinh:
Kết thúc buổi thi sáng 4/9, 2 thí sinh có đề án đạt giải là Trần Vân Khanh (43,2/50) và Trần Thị Thảo Nguyên (42,3/50) đều là sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM.