Mỹ không thể đứng ngoài?

Bình luận - Ngày đăng : 00:00, 04/09/2013

Mỹ vừa đưa ra bằng chứng về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và phát tín hiệu có hành động quân sự nhằm vào Syria. Cuộc chiến đầu tiên của Tổng thống Mỹ từng nhận giải Nobel Hòa bình là không thể tránh khỏi?
Mỹ không thể đứng ngoài?

Mỹ vừa đưa ra bằng chứng về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và phát tín hiệu có hành động quân sự nhằm vào Syria. Cuộc chiến đầu tiên của Tổng thống Mỹ từng nhận giải Nobel Hòa bình là không thể tránh khỏi?

Đọc E-paper

Các nạn nhân vô tội trong vụ tấn công bằng khí độc tại Ghouta, gần Damascus vào 21/8 là lý do chính khiến Mỹ phải can thiệp quân sự vào Syria?

Vượt qua lằn ranh đỏ

Ngày 30/8, chính quyền Mỹ đưa ra báo cáo nêu bằng chứng sử dụng chất độc sarin tại Syria nhằm vào dân thường ở ngoại ô Damascus khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, trong đó gần 500 là trẻ em.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng bản báo cáo đã thu thập những bằng chứng từ hàng ngàn nguồn khác nhau và tình báo Mỹ có những bằng chứng có độ tin cậy cao rằng chế độ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng lịch sử sẽ phán xét Hoa Kỳ "hết sức gắt gao" nếu nước này "làm ngơ trước ý muốn của một kẻ độc tài sử dụng vũ khí có sức tàn phá hàng loạt". Ông gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một tên "vô lại" và một "kẻ sát nhân," và nói rằng chế độ của ông ta phạm "tội ác chống lại nhân loại".

Cùng với phản ứng gay gắt từ giới chức Hoa Kỳ, trang tin Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, các dấu hiệu cho thấy, Lầu Năm Góc sẽ triển khai kế hoạch cho một cuộc tấn công "mạnh và chớp nhoáng" vào các mục tiêu quân sự của chính quyền Syria.

Các nước láng giềng với Syria như Saudi Arabia, Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã nâng mức cảnh báo quân đội lên cao, sẵn sàng ứng phó nếu phương Tây tấn công Syria.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/9, Obama gọi vụ việc hôm 21/8 là "Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất của thế kỷ XXI" và là sự tấn công vào nhân phẩm. Nó tạo ra sự nguy hiểm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Nó cũng có nguy cơ nhạo báng việc cấm sử dụng vũ khí hóa học trên toàn cầu".

Đồng thời, Tổng thống Barack Obama đề nghị quốc hội cho phép thực hiện hành động quân sự chống Syria, đồng nghĩa với việc gác lại lời đe dọa về các đòn tấn công tức thì đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

"Chúng tôi đang tính đến khả năng can thiệp hạn chế để chắc chắn rằng không chỉ Syria mà các nước khác trên thế giới hiểu rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ cấm vũ khí hóa học", phát biểu tại Nhà Trắng ông Obama nhấn mạnh tới việc không sử dụng đến lính đổ bộ và tránh để Mỹ sa lầy vào nội chiến Syria.

Cuộc chiến tại Syria đã kéo dài 2 năm rưỡi. Trong thời gian đó, cuộc chiến đã gia tăng cấp độ tàn bạo và sự tàn sát giữa các giáo phái tràn ngập hận thù giữa người Sunni, Shite, người Allawite, người Cơ đốc giáo, người Kurd và các sắc tộc khác.

Cho tới nay, Mỹ phần lớn đứng ngoài cuộc nội chiến tại Syria mặc dù một năm trước, ông Obama đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng về "lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học là đặc biệt nguy hiểm đối với thế giới. Vì vậy, nếu Mỹ bỏ vụ thảm sát này mà không có phải ứng gì thì có vẻ mọi tiếng nói của Washington với vấn đề Syria đã mất trọng lượng.

Nếu không có hành động mạnh mẽ từ Mỹ, các bước đi mới nhất của Tổng thống Assad sẽ mang lại chiến thắng cho chính quyền của ông và các đồng minh chủ chốt là Iran và Hezbollah. Mỹ tin rằng việc tạo động lực cho liên minh này cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại sự ổn định và hòa bình của khu vực cũng như toàn cầu.

Trước mắt, chính quyền Syria có thể gây nguy hiểm cho những người bạn và đối tác của Mỹ dọc biên giới Syria, như Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq. Nó cũng có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hóa học leo thang và các nhóm khủng bố có thể dùng để làm hại người dân Mỹ.

Hành động có giới hạn

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond thông báo hôm 29/8 rằng Anh sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động quân sự chống lại Syria sau khi quốc hội nước này bác kiến nghị tham chiến của chính phủ Anh. Đức cũng có vẻ không muốn có can thiệp quân sự nào tại Syria.

Nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/8 tuyên bố sẵn sàng cùng Mỹ tạo thành một liên minh quốc tế để trừng phạt Syria, bất chấp việc Anh không thể tham gia.

Nhiều người kỳ vọng Washington sẽ tấn công quân sự sớm nhất là vào cuối tuần này, nhưng việc Tổng thống Obama phải xin phép quốc hội về cuộc chiến này đồng nghĩa với việc chiến tranh sẽ không diễn ra ngay lập tức. Không nhận được sự hậu thuẫn của các nước đồng minh như Anh khiến Tổng thống Obama phản cân nhắc trước khi quyết định một cuộc chiến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Các vấn đề chiến lược quốc tế (ISS), trước khi có quyết định không kích Syria, Tổng thống Obama sẽ không ít lần tỏ ra ngần ngại khai hỏa các tên lửa Tomahawk vì có nhiều lo ngại về một cuộc chiến không kiểm soát được.

Đặc biệt, Iran đang có những động thái quyết liệt để ngăn cản một cuộc tấn công vào Syria. Sự can thiệp của Iran sẽ kéo theo một chuỗi dài những xung đột ngoài tầm kiểm soát của khu vực Trung Đông. Làn sóng này sẽ lan nhanh đến các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ.

Một đối trọng khác chính là sự hậu thuẫn của Nga dành cho chế độ của Tổng thống Assad trong 3 năm qua. Thậm chí, Tờ EU Times ngày 28/8 đưa tin cho hay, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẵn sàng thực hiện "một cuộc tấn công quân sự lớn" chống lại Ả Rập Saudi trong trường hợp phương Tây tấn công Syria.

Ông Putin đã ra quyết định trên sau khi bị hoàng tử Bandar đe dọa cho khủng bố Chechnya tấn công Olympic mùa Đông Sochi nếu không ngừng hỗ trợ Assad. Ông Putin nói cáo buộc của Mỹ về Chính phủ Syria là "hoàn toàn bậy bạ” và tuyên bố Washington cần nộp bằng chứng cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ Nga phủ quyết các hành động tấn công vào Syria vì ý thức được Syria đđang ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của nước Nga. Các nước vùng Vịnh muốn đưa dầu vào châu Âu cần phải xây dựng đường ống qua Syria, trong khi đó, EU đang là bạn hàng lớn nhất của Nga về năng lượng. 

* Theo kết quả một cuộc khảo sát được kênh truyền hình NBC của Mỹ thực hiện với 700 người dân tại nước này, có tới 50% khẳng định Mỹ không nên can thiệp vào Syria trong khi chỉ có 42% ủng hộ.

Ngoài ra chỉ có 27% người Mỹ tin rằng các lực lượng quân sự Mỹ sẽ giúp cải thiện tình hình cho người dân Syria, nhỏ hơn rất nhiều tỷ lệ 41% người được hỏi phản bác.

* Theo BBC, khả năng quân đội Mỹ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công Syria là rất cao. Hiện những tên lửa này đang được đặt ở tàu khu trục phía Đông Địa Trung Hải. "Việc làm này có thể là một hành động khá nhạy bén và nhanh chóng, giống như chiến dịch Cáo sa mạc", ông Peter Mansoor, giáo sư Đại học Ohio, một nhà hoạt động quân sự tại Iraq năm 1998 nói với hãng tin BBC.

LAM HỒNG