Tìm hướng mới cho gốm Bàu Trúc
Start up - Ngày đăng : 08:30, 06/09/2013
Làng gốm Bàu Trúc, thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nổi tiếng với các sản phẩm gốm truyền thống và được xem là "bảo tàng gốm Chăm" duy nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thời gian, làng nghề dần mai một, số người làm gốm ít đi, sản phẩm khó tiêu thụ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Một nhóm sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã tìm hiểu và thúc đẩy dự án mang tên "Cham Exploring Tour" nhằm giúp làng nghề tìm hướng đi mới bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm gốm bằng cách kết hợp du lịch.
Dự án "Cham Exploring Tour" được điều hành bởi một nhóm sinh viên thuộc Câu lạc bộ SIFE Hoa Sen. Đại diện nhóm cho biết: "Mục tiêu của dự án không chỉ là tìm đầu ra cho sản phẩm mà quan trọng hơn là thúc đẩy làng nghề tiếp cận thế giới, truyền thông nâng cao nhận thức của giới trẻ về nét độc đáo của gốm Bàu Trúc, một trong hai làng gốm được xem là lâu đời nhất tại Đông Nam Á".
"Cham Exploring Tour" được thiết kế 3 ngày 2 đêm, gồm các hoạt động: tổ chức đám cưới giả, làm gốm, "homestay" tại nhà người dân địa phương, tham quan tháp Chăm... Nhóm dự án còn hướng dẫn các nghệ nhân cách quảng bá thương hiệu gốm Bàu Trúc đến du khách, góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Khác với hình thức du lịch kiểu "bỏ tiền mua vé vào xem", dự án "Cham Exploring Tour" nhấn mạnh việc giúp người dân trong làng "tiếp thị” nét độc đáo của làng nghề với du khách, còn du khách sẽ trực tiếp trải nghiệm công việc sản xuất và tìm hiểu lịch sử làng nghề.
Thông qua sự tương tác này, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập từ du lịch bên cạnh việc sản xuất, bán sản phẩm như từ trước tới giờ. Hoàng Oanh, một thành viên của nhóm, cho biết: "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người dân, khảo sát địa điểm xem có phù hợp để tổ chức tour cho giới trẻ vì giới trẻ thường thích du lịch mua sắm, hoạt động "team building" hơn là đi dã ngoại tìm hiểu thực tế văn hóa. Do vậy, phải thiết kế chuyến đi vừa phù hợp sở thích của các bạn, vừa giúp các bạn tìm hiểu văn hóa gốm Chăm và vai trò của người phụ nữ nơi đây".
Để dự án trở thành hiện thực, nhóm vận động bạn bè và người thân tham gia tour trước. Thông qua sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, dự án đã thuyết phục được chính quyền huyện Ninh Phước và làng gốm Bàu Trúc để đưa 45 người khách đầu tiên đến Bàu Trúc.
Sau hai tháng, SIFE đã tổ chức được 4 tour. Du khách được "mục sở thị” các công đoạn sản xuất, được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm, tìm hiểu về lịch sử của làng Bàu Trúc, người dân thì có thêm nguồn thu từ việc cho khách "homestay", vừa bán được sản phẩm.
Bước đầu thử nghiệm của "Cham Exploring Tour" như vậy đã thấy dấu hiệu khả quan cho hướng đi mới của một làng nghề. Dự kiến trong thời gian tới, các sinh viên của SIFE sẽ dần hoàn thiện và tổ chức lại dự án quy củ hơn.
Điều khiến các thành viên của SIFE và chính quyền tỉnh Ninh Thuận vui hơn cả là "Cham Exploring Tour" được trình bày tại hội nghị quốc tế về "Hợp tác toàn cầu dành cho phụ nữ trẻ” được tổ chức tại Hàn Quốc. Hiệu quả từ dự án đã nhận được đánh giá cao và những cam kết giúp đỡ từ nhiều tổ chức quốc tế cho làng gốm Bàu Trúc.