Giàu nhờ vũ khí

Bình luận - Ngày đăng : 01:11, 16/09/2013

Trong đêm đen giữa biển khơi, bỗng xuất hiện một vệt sáng chói lòa kèm theo một tiếng nổ chát chúa, một quả tên lửa Tomahawk bay vụt vào đất liền.
Giàu nhờ vũ khí

Trong đêm đen giữa biển khơi, bỗng xuất hiện một vệt sáng chói lòa kèm theo một tiếng nổ chát chúa, một quả tên lửa Tomahawk bay vụt vào đất liền.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp.

Cùng lúc, tại bàn điều khiển bên trong chiếc khu trục lớp Aegis, các sĩ quan hải quân Mỹ chăm chú theo dõi và điều chỉnh đường bay của tên lửa thông qua một hệ thống điều khiển điện tử tinh vi, kết nối với hệ thống định vị toàn cầu GPS. Và họ có thể điều khiển cho nó bay lòng vòng sát mặt đất nhằm tránh hệ thống radar của đối phương phát hiện.

Việc Tomahawk xuất hiện đã thay đổi toàn diện cách thức tác chiến trên chiến trường của quân đội Mỹ. Họ dùng nó để đánh phủ đầu từ xa nhằm hạn chế sử dụng lục quân nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Nhưng không chỉ có Tomahawk. Thế giới ngày nay đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang, sử dụng công nghệ thông tin và điện tử phức tạp nhằm tạo ra những thiết bị thông minh, chính xác và hiệu quả. Trong cuộc chơi này, những quốc gia có ưu thế về mặt công nghệ như Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Anh và giờ cả Trung Quốc đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ những hợp đồng cung cấp vũ khí.

Theo báo cáo hãng tư vấn IHS Jane’s, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu năm 2012 đã đạt 73 tỉ USD, so với 57 tỉ USD của năm trước đó. Còn tổng chi tiêu quốc phòng của cả thế giới năm 2012 đã lên đến 1.600 tỉ USD, tương đương 10% GDP của Mỹ. Và đây là những con số kinh doanh vô cùng hấp dẫn khiến các công ty Lockheed Martin, Boeing của Mỹ, United Aircraft Corp, Rosoboronexport của Nga, Dassault Aviation của Pháp hay BAE của Anh thèm thuồng.

Trong top các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới năm 2012, Mỹ đứng đầu với 39% thị trường, tiếp đến là Nga (14%), Pháp (6%). Về phía nhập khẩu, top các quốc gia đứng đầu là Ấn Độ, Ả-Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trường hợp nổi bật trên thị trường sản xuất vũ khí hiện nay là Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, số lượng nhập khẩu cũng không phải nhỏ. Theo Financial Times, giá trị xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng 1,6 lần trong giai đoạn 2008 - 2012 và đã lọt vào top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của thế giới. Quan trọng hơn, thông qua xuất khẩu vũ khí, tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước Đông Nam Á cũng hoạt động tích cực trên thị trường vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, năm 2012 tổng giá trị chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Á đã vượt qua cả châu Âu.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí còn trở thành thị trường tiêu thụ rất tiềm năng của thế giới. Theo báo Đất Việt, năm 2009 Việt Nam đã ký kết mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga với giá trị lên đến 2 tỉ USD. Gần đây Việt Nam còn tăng cường mua thêm một số sản phẩm quốc phòng khác có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Trung Đông hiện là nơi tiêu thụ vũ khí nhiều nhất thế giới. Điều này không có gì lạ khi khu vực này luôn bất ổn. Ngoài ra, châu Á - Thái Bình Dương cũng đang nổi lên là thị trường đầy tiềm năng khi ở đây đang xảy ra những tranh chấp lãnh thổ phức tạp.

Chiến tranh là cơ hội để các quốc gia như Mỹ, Pháp hay Nga phô diễn công nghệ quốc phòng tinh túy nhất của mình và từ đó họ có thể thu được những hợp đồng chuyển giao vũ khí hàng tỉ USD, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nước mình.

Còn nhớ khi chiến tranh Lybia 2011 kết thúc, sau khi chứng kiến thành tích tác chiến vô cùng ấn tượng của máy bay tiêm kích Rafale của Pháp, Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Á - đã bày tỏ ý định mong muốn sở hữu 126 chiếc tiêm kích thế hệ thứ tư này với trị giá hợp đồng lên đến 11 tỉ USD.