Hà Nội qua ký họa của Etcetera Nguyễn

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:11, 17/09/2013

Từ năm 2006 đến nay, nhà báo cũng là họa sĩ Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tòa soạn tuần báo Việt Weekly đã nhiều lần về Việt Nam để tác nghiệp báo chí.
Hà Nội qua ký họa của Etcetera Nguyễn

Từ năm 2006 đến nay, nhà báo cũng là họa sĩ Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tòa soạn tuần báo Việt Weekly đã nhiều lần về Việt Nam để tác nghiệp báo chí. Đầu năm 2013, anh về Hà Nội sống nhiều ngày để vừa vẽ vừa làm báo. Một loạt tranh ký họa bút sắt và màu nước về Hà Nội đã được Etcetera Nguyễn vẽ nhân dịp này.

Đọc E-paper

Chợ Đồng Xuân

>>Triển lãm tranh kiếng Nam bộ
>>Vẽ tranh bằng hạt gạo
>>
Chuyện thần tiên của một họa sĩ vẽ tranh đường phố
>>Xem nghệ sĩ vẽ tranh chỉ bằng 1 nét vẽ
>>
Vẽ tranh bằng môi và vân tay
>>Lễ hội vẽ tranh trên cơ thể người lớn nhất thế giới
>>
Độc đáo nghệ thuật vẽ tranh trên tách cà-phê

Hình ảnh Hà Nội qua trực họa của Etcetera Nguyễn cho thấy người vẽ có khả năng quan sát chính xác đến từng chi tiết cuộc sống đang diễn ra sôi động không ngừng. Từ đó, với bàn tay điêu luyện, thuần thục về hình họa, anh đã ghi chép thật tường tận những phố phường thủ đô với hoạt động đặc trưng, những người và xe náo nhiệt trên đường, cả những biển báo, bảng chỉ dẫn tên đường, tên phố be bé…

Những ngày lang thang vào những ngóc ngách các phố cổ, đến với sinh hoạt bán buôn rộn ràng ở chợ Đồng Xuân, vào Văn Miếu, qua cầu Long Biên…, Etcetera Nguyễn như thể đã bắt được cái “thần hồn” của thủ đô nước Việt nghìn năm văn hiến bàng bạc sau những nhộn nhịp phố xá.

Vẽ bất kỳ lúc nào

Etcetera Nguyễn tên thật là Nguyễn Quang Trường, anh rời Việt Nam từ năm 1988, sau ba năm sống ở Thái Lan anh sang Mỹ năm 1991. Trước khi làm báo, Etcetera Nguyễn đã có hai năm theo học ngành đồ họa tại Trường Cypress College (Nam California, Mỹ) từ 1998-2000.

Tuần báo Việt Weekly có tòa soạn tại quận Cam, bang California, với số báo in đầu tiên vào tháng 10/2003. Năm 2006, nhân sự kiện APEC diễn ra tại Hà Nội, Việt Weekly đã cử phóng viên về Việt Nam để tác nghiệp. Trong dịp này, Việt Weekly đã phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đưa hình ảnh ông lên bìa báo.

Sau đó anh mở studio vẽ tranh, làm nghề in, đến năm 2002 thì cùng một số bạn hữu ra tuần báo Việt Weekly và đảm nhiệm công việc tổng thư ký tòa soạn từ đó tới nay.

Phong cách và nhãn quan của một họa sĩ ảnh hưởng đến công việc làm báo của Etcetera Nguyễn: bên cạnh những trang bị tác nghiệp báo chí, lúc nào trong túi xách của anh cũng có dụng cụ vẽ, để khi cần có thể lấy ra ngay trực họa cảnh và người nơi anh đến.

Do tờ Việt Weekly gần đây đã dần chuyển sang báo online nên công việc làm báo của anh không còn phải gắn chặt với tòa soạn như trước, Etcetera Nguyễn có nhiều thời gian về Việt Nam tác nghiệp và vẽ tranh.

Ô Quan Chưởng

Trong lần trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 2006, Etcetera Nguyễn đã có dịp tiếp xúc, trò chuyện với họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của nhà danh họa Bùi Xuân Phái, từ đó anh hiểu thêm về một bậc thầy hội họa, người đã gắn tên tuổi mình với phố cổ Hà Nội.

Và cũng từ đó, anh muốn được nối tiếp công việc của nhà danh họa: vẽ phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, như anh thổ lộ: “Tôi đi xem tranh ở các gallery trong phố cổ và thấy lạ là các họa sĩ, kể cả Bùi Xuân Phái, đã vẽ về Hà Nội bằng tâm cảm nhiều hơn… Riêng tôi, tôi muốn cố gắng phác họa một Hà Nội với nhiều chi tiết”.

Quả là trong tranh Etcetera Nguyễn, Hà Nội hôm nay hiện ra với rất nhiều xao động, như thể một cuốn phim thời sự về cuộc sống thủ đô được quay cận cảnh, khác chăng là bằng ngôn ngữ của hội họa.

Chùa Một Cột

Chỉ trong hai tháng sống ở Hà Nội, bên cạnh các tường thuật về con người và cuộc sống ở đô thị này qua các video clip gửi về trang mạng của Việt Weekly, Etcetera Nguyễn đã vẽ được khoảng 40 tranh màu nước, phần lớn được ký gửi tại các gallery ở thủ đô và đã bán được một số bức.

Đầu tháng Tám vừa qua, anh Jairo Giraldo Villegas, quốc tịch Colombia, thầy giáo dạy tiếng Tây Ban Nha tại Hà Nội đã được một học trò giới thiệu đến xem tranh tại căn hộ Etcetera Nguyễn thuê trên phố Đào Tấn và đã mua hai bức.

Jairo cho biết, sau bốn tháng sống và dạy tiếng Tây Ban Nha ở Hà Nội, anh đã thân quen với những góc phố nơi này, và trước khi trở về nước, anh muốn mang theo những bức tranh vẽ phố Hà Nội để lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ về Việt Nam.

Phố Đinh Liệt

Có bức chưa kịp khô màu thì đã có người muốn mua, như bức Cầu Long Biên được bán cho hai vợ chồng du khách người Pháp khi anh còn đang lang thang đi vẽ phố cổ.

Cùng về Hà Nội để nối tiếp hành trình “phố Phái”

Trở về Mỹ, với những trải nghiệm đáng nhớ cùng những gì anh thu thập được trong hai tháng vừa làm báo vừa vẽ ở Hà Nội, Etcetera Nguyễn đã “rủ rê” được mấy người bạn cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ họa sĩ Việt (Vietnamese Artist Club - nơi quy tụ những họa sĩ người Việt chuyên nghiệp và tài tử tại quận Cam) về Việt Nam sáng tác.

Trong đó có hai họa sĩ nữ là Lệ Chi và Vicky Huyền Phạm, cả hai đều tốt nghiệp ngành mỹ thuật ở Mỹ và là thành viên của Câu lạc bộ vẽ ngoài trời ở Mỹ, một câu lạc bộ được tổ chức với quy mô toàn thế giới.

Phố Hàng Buồm

Cả hai nữ họa sĩ đều chưa một lần đến Hà Nội nhưng dường như tình yêu Hà Nội của Etcetera Nguyễn đã lây lan sang các bạn đồng nghiệp của mình.

Theo dự kiến, vào khoảng tháng 10/2013 nhóm của Etcetera Nguyễn sẽ đến Hà Nội để cùng nhau tiếp tục hành trình “phố Phái”.

Trước khi vẽ phố cổ Hà Nội, vào tháng 10/2012 Etcetera Nguyễn đã có một triển lãm bỏ túi tại Khách sạn Ava trên đường Thủ Khoa Huân (Q.1, TP. Hồ Chí Minh), ở đó - trong tiền sảnh Khách sạn - anh đã bày 12 ký họa màu nước vẽ phố Sài Gòn.

Trước đó nữa, vào tháng 4/2012, anh đã có mặt trong số 40 kiều bào Việt Nam ở các nước ra thăm quần đảo Trường Sa. Từ chuyến đi này, Etcetera Nguyễn đã ký họa chân dung 100 người lính hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước trên đảo xa.

“Etcetera theo tiếng Latinh có nghĩa là còn nữa, còn mãi, gắn với một phần định mệnh của tôi là còn tiếp tục những chuyến đi dài, đi gặp gỡ bao con người, cuộc đời để thu về những giá trị cho mình chiêm nghiệm…”.

Nguyễn Quang Trường

NGÃ VĂN/DNSGCT