Ván cờ lớn chốn thương trường
Start up - Ngày đăng : 06:32, 25/09/2013
Lao đao ngay từ những tháng đầu gia nhập thương trường, những tưởng cô gái sở hữu 5 huy chương vàng quốc gia và 1 huy chương đồng SEA Games Nguyễn Thị Hồng Anh sẽ... bỏ cuộc. Nhưng bản lĩnh cộng với sự điềm tĩnh cùng cái nhìn bao quát mà bộ môn thể thao trí tuệ đòi hỏi trong rèn luyện từng ngày đã giúp cô gái ấy vượt khó.
Nguyễn Thị Hồng Ánh (trái) |
Không khoác áo kỳ thủ mà là một bộ vest chỉn chu, sự năng động và chững chạc của cô gái 9x, Nguyễn Thị Hồng Anh dễ gây ấn tượng với người đối diện.
Khi không là kiện tướng, cuộc sống của Hồng Anh khá bận rộn so với bạn bè đồng trang lứa: vừa là chuyên viên của một công ty tài chính lớn, vừa điều hành doanh nghiệp của riêng mình - Công ty Đào tạo cờ vua quốc tế.
"Đã xác định thi đấu không phải là nghề mà chỉ là đam mê nên tôi phải sớm vạch cho mình con đường đi riêng", Hồng Anh giải thích.
Kiện tướng của lý trí
Câu chuyện đến với những quân cờ của Hồng Anh khá buồn cười. Quá hiếu động và tinh nghịch nên ngày nhỏ Hồng Anh chẳng khác gì một cậu con trai, lại còn hay đánh bạn nên gia đình hết sức lo lắng. Chỉ đến khi được dạy chơi cờ vua, thích thú với những phép tính, tính tình Hồng Anh mới điềm tĩnh dần.
Tưởng chỉ là trò chơi rèn trí, nào ngờ, khi tham gia các giải đấu cờ vua trong trường, Hồng Anh đã thể hiện khá tốt khả năng của mình. Đáng tiếc, bước vào năm học cuối cấp 2, duyên nợ của Hồng Anh với cờ vua đứt đoạn.
Hồng Anh kể, theo học lớp chuyên, bài vở ngày một nhiều hơn nên cô buộc phải lựa chọn tập trung học hành hơn là theo đuổi đam mê.
"Con đường này khép lại nhưng lại có con đường khác mở ra. Huấn luyện viên tôn trọng quyết định của tôi nhưng vẫn tư vấn cho tôi sang chơi cờ vây, bộ môn chưa có nhiều giải đấu, để tôi có thể tập trung cho việc học", Hồng Anh chia sẻ.
Thử sức với môn chơi mới, Hồng Anh nhanh chóng bị thu hút bởi bộ môn này giúp Hồng Anh điều hòa tính cách. Theo Hồng Anh, người chơi cờ vây phải biết mình muốn gì, đối thủ muốn gì và làm sao để chiếm được thế thượng phong.
Có 181 quân cờ trong tay, người nào biết sử dụng hợp lý "tài sản" của mình, biết lúc nào buông, lúc nào cố gắng... thì sẽ giành được chiến thắng. Cô tiết lộ: "Tất cả những yếu tố này rất cần thiết cho việc kinh doanh".
Vừa chơi cờ, vừa nuôi dưỡng ước mơ, thời cơ đến với Hồng Anh khi cô chia sẻ ước mơ của mình với kỳ thủ Phạm Bích Ngọc. Và sau đó hai cô gái nhanh chóng xây dựng dự án về một trung tâm đào tạo cờ dành cho trẻ nhỏ. Sau thời gian khảo sát thị trường, hai kiện tướng lại càng tự tin hơn về chiến lược của mình.
Mời được những người bạn là kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm... đảm nhận vai trò tư vấn, hai cô gái bắt đầu bước chân vào thương trường với ước mơ trung tâm đào tạo của mình sẽ là nơi giúp bộ môn thể thao trí tuệ này phát triển hơn.
"Trí não người chơi cờ được kích thích tối đa, họ được rèn luyện tư duy logic rất tốt. Nếu được tiếp xúc với cờ, dù là thể loại nào cũng giúp trẻ phát triển tốt hơn", Hồng Anh nhận định.
Vượt qua thử thách
Kinh doanh trung tâm đào tạo cờ, điều ngạc nhiên là cả hai cô gái đều xác định không chú trọng đào tạo học viên thành kiện tướng, mà tập trung nhiều hơn vào việc phát triển tư duy, bổ trợ việc học của học viên, tạo cho các em tư duy độc lập để lĩnh hội kiến thức hiệu quả nhất.
Do đó, bước đầu tiên, Hồng Anh và Bích Ngọc đẩy mạnh đào tạo bộ môn cờ vua, sau đó sẽ tiến đến cờ vây và các thể loại khác. "Kinh doanh mà, phải tồn tại trước khi có thể làm được điều mình thích", Hồng Anh nói vậy.
Tự tin với dự án của mình, cả hai quyết định mở hai cơ sở, một ở quận 2 và một ở quận 3, TP.HCM. Giáo trình đào tạo được các kỳ thủ cùng nhau thiết kế và giảng dạy với tiêu chí: tạo sân chơi thay vì lớp học.
Nghĩa là, ở 10 phút đầu vào lớp, giáo viên sẽ cho học viên cùng chơi các trò chơi trí tuệ, sau đó mới học lý thuyết và phần lớn thời gian là cùng nhau chơi cờ. Được các bậc phụ huynh đón nhận, trung tâm có khởi đầu khá suôn sẻ với lượng học viên lên đến gần 150 người.
Đáng tiếc, bài toán mặt bằng đã trở thành gánh nặng. Hồng Anh kể, học phí trung tâm thu chỉ dừng ở gần 1 triệu đồng/tháng/học viên, nhưng chi phí thuê mặt bằng ở khu vực quận 3 lại khá đắt. Biết không thể trụ vững, hai cô gái ngậm ngùi đóng cửa cơ sở có vị trí "chiến lược" này chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
Chấp nhận thất bại nhưng không có nghĩa là bỏ cuộc. Chiến lược mới của Hồng Anh là kết nối để cùng thành công. Bỏ thời gian tìm kiếm đối tác, cô gái này nhận được cái bắt tay của Supper Brain, một trung tâm đào tạo toán trí tuệ đã có sẵn 6 cơ sở ở TP.HCM.
Vừa dạy toán, vừa dạy cờ..., sự hợp tác giúp cả hai có thể làm phong phú hơn dịch vụ của mình, còn lợi nhuận thì chia theo tỷ lệ tương ứng. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các trường để mở lớp.
Nếu yếu về kinh tế, phải biết dựa vào những đối tác mạnh hơn, đem đến lợi ích cho họ để cùng nhau phát triển", bí quyết kinh doanh thời khó của cô gái đánh cờ vây chỉ đơn giản là thế!