Đổi mới quy hoạch kinh tế đô thị để phát triển

Trong nước - Ngày đăng : 09:49, 27/09/2013

Tình trạng đóng băng các dự án đô thị và bất động sản gần đây tuy bất lợi cho một số doanh nghiệp, nhưng lại rất hữu ích, vì giúp tránh được thiệt hại dây chuyền có thể cao hơn gấp nhiều lần hiện nay...
Đổi mới quy hoạch kinh tế đô thị để phát triển

Tình trạng đóng băng các dự án đô thị và bất động sản gần đây tuy bất lợi cho một số doanh nghiệp, nhưng lại rất hữu ích, vì giúp tránh được thiệt hại dây chuyền có thể cao hơn gấp nhiều lần hiện nay, khi xảy ra trễ hơn vài năm, nếu không có cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới và ở Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển về phía Đông

Có thể nói, nhờ khủng hoảng này mà từ nay về sau, các nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư buộc phải xem xét hiệu quả kinh tế đô thị của các dự án một cách nghiêm túc hơn, vì cái giá phải trả không chỉ là sự phá sản các dự án nhiều ngàn tỉ đồng của doanh nghiệp, mà còn làm chậm tiến trình phát triển của đất nước.

Chúng ta đạt được nhiều thành tích từ khi đổi mới, nhưng nếu so sánh với những gì Trung Quốc đạt được, thì mới thấy chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội rút kinh nghiệm từ lợi thế của người đi sau, để tránh lặp lại những sai lầm và đạt tỷ lệ tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn Trung Quốc, nước bắt
đầu đổi mới trước ta khoảng tám năm với điều kiện phát triển ban đầu rất tương đồng.

Năm 1984, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người (GDP) của Trung Quốc chỉ có 259 USD, cao hơn Việt Nam khoảng 30% (199 USD). Nhưng đến năm 2012, Trung Quốc đã bứt xa Việt Nam với GDP tăng khoảng 23 lần (6.076 USD, cao hơn Việt Nam gần 400%), trong khi Việt Nam chỉ tăng khoảng bảy lần (1.527 USD).

Về phát triển đô thị, chúng ta xây thêm vài trăm khu đô thị mới, nhưng đa số đều là những khu dân cư thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội, ít phù hợp với nhu cầu thực và khả năng mua của đa số người dân.

Trong khi chúng ta chưa tạo được khu đô thị mới nào đem lại hiệu quả kinh tế làm tăng ngân sách thu nhập quốc dân tương đương Phố Đông hoặc Thâm Quyến, thì chúng ta vẫn đang chuẩn bị chương trình vay nước ngoài nhiều tỉ đôla để xây dựng những dự án ít hiệu quả kinh tế vào thời điểm hiện nay, thậm chí cho đến vài thập niên tới, như đường sắt cao tốc, các sân bay quốc tế và cảng biển tràn lan ở mỗi tỉnh thành.

Tình trạng coi nhẹ hiệu quả kinh tế đô thị lẫn chiến lược ưu tiên cho các dự án kích thích phát triển kinh tế hoặc có thể trả nợ sớm để xoay vòng vốn, là điều đáng lo ngại cho tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Bài viết bàn về hai trong số nhiều yêu cầu cấp bách về việc phải thay đổi tư duy quy hoạch chiến lược kinh tế đô thị để giúp đất nước phát triển nhanh hơn: phát triển cộng đồng như là những hạt nhân kinh tế xã hội và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các đô thị.

Phát triển cộng đồng như những hạt nhân kinh tế xã hội

Người ta có xu hướng đổ lỗi tình hình kinh tế khó khăn về bất động sản hiện nay cho ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng thật sự là trong một thời gian dài, các nhà đầu tư đã chạy theo tư duy mét vuông để kiếm lời ngắn hạn, và nay là lúc họ nhận lãnh hậu quả.

Xu hướng phát triển đô thị sắp tới sẽ phải chuyển sang tư duy phát triển địa ốc gắn với các cộng đồng như những hạt nhân kinh tế xã hội, trong đó nhà đầu tư không chỉ bán mét vuông diện tích ở, mà còn phải bán kèm một cuộc sống tốt với nguồn việc làm gần nơi ở, tạo tương lai phát triển hấp dẫn cho các gia đình.

Các cộng đồng như thế sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.

Trước khi người dân đến ở, trong vòng bán kính 10 phút đi bộ (khoảng 800m), cư dân phải được cung cấp những tiện ích công cộng tối thiểu như trường mẫu giáo, trường học, cửa hàng, công viên, trạm y tế, và trạm giao thông công cộng.

Bản sắc không chỉ mang ý nghĩa trừu tượng về văn hóa, mà thực sự đi vào cuộc sống kinh tế xã hội và không gian đô thị, với cách tổ chức bố trí và hình thức được biến cải cho phù hợp với mức sống, lối sống, và nhu cầu sống và làm việc đặc thù của cộng đồng.

Ví dụ cộng đồng khu trung tâm mới sẽ thiên về hội nhập quốc tế với những cao ốc văn phòng, chung cư và biệt thự cao cấp, trường quốc tế, trung tâm thể thao trong nhà, và các cửa hàng và siêu thị

Cộng đồng khu trung tâm cũ và đô thị di sản sẽ thiên về văn hóa, bổ sung thêm các chức năng dịch vụ - thương mại - du lịch trong các công trình cải tạo hoặc công trình mới xây dựng theo phong cách hài hòa với không gian lịch sử.

Cộng đồng khu công nhân viên chức thiên về an sinh xã hội với những căn hộ xanh xinh xắn, nhà phố đa chức năng, chợ trong nhà và ngoài trời, trường dạy nghề và công viên thể dục thể thao.

Nhờ đó, mỗi khu đô thị đều tận dụng được thế mạnh của mình trong việc tạo nên những cộng đồng vừa có bản sắc riêng, vừa đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh thành

Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các tỉnh thành cần được chính quyền trung ương chỉnh lý từ gốc là cơ chế quản lý. Tình trạng thúc ép tăng mật độ dân số và nhà cao tầng để đạt các tiêu chí xếp hạng đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, đang là mối đe dọa phá hoại cảnh quan, giá trị lịch sử, và môi trường lớn nhất cho Đà Lạt, Huế và Phú Quốc.

Việc cạnh tranh xây dựng sân bay, cảng biển bất kể nhu cầu thực là vô cùng lãng phí, về bản chất cũng là do cuộc tranh đua nâng cấp đô thị.

Để khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các đô thị, trước hết cần xóa bỏ cơ chế ưu đãi về ngân sách cho đô thị trực thuộc Trung ương hoặc cấp cao, vì đô thị dù lớn hay nhỏ, cũng đều có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững hài hòa chung.

Đô thị lớn chưa chắc có thể đạt hiệu suất đầu tư tốt bằng đô thị quy mô vừa phải, vì sẽ có bộ máy nặng nề, ít linh hoạt, khó đổi mới, và tạo nên nhiều vấn đề về môi trường và giao thông hơn.

Đúng ra, các đô thị càng lớn và xếp hạng càng cao, sẽ càng được trao nhiều quyền tự chủ về chính sách và ngân sách, nhưng càng phải nộp ngân sách thu cho trung ương nhiều hơn.

Cũng giống như trong một gia đình, cha mẹ nên trao quyền tự chủ và trách nhiệm ngày càng nhiều hơn khi các con trưởng thành. Còn nếu cha mẹ tiếp tục quản lý con trưởng thành như trẻ con, họ sẽ nhận kết quả làm việc của trẻ con.

Chỉ khi tỉnh và thành phố cần xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các dự án lớn, thì dự án mới phải chịu sự quản lý của trung ương, còn nếu ngân sách địa phương tự lo được, thì chính quyền trung ương sẽ không can thiệp.

Điều này sẽ giúp đổi mới cơ bản tư duy cũ về quản lý tập trung trong phát triển đô thị, tránh được sự can thiệp quá sâu của trung ương vào nội bộ địa phương một cách không cần thiết và kém hiệu quả.

Ngân sách thu và chi của mỗi tỉnh thành và kế hoạch cho năm tới phải được công khai hằng năm, cho biết tình hình phát triển của địa phương trong năm qua và sự năng động của chính quyền khi giải quyết các vấn đề của người dân. Qua đó, người dân có thể quyết định tiếp tục bầu chọn người
lãnh đạo địa phương trong nhiệm kỳ kế tiếp hay không.

Lá phiếu của người dân sẽ giúp chấm dứt được tư duy nhiệm kỳ, và giúp cho chính quyền trung ương đánh giá được khả năng phục vụ dân của các nhà lãnh đạo địa phương, khi cần xem xét đề bạt lên cấp cao hơn ở trung ương.

Tổ chức chính quyền Trung ương nên gắn liền với chính quyền Vùng Đô thị phía Bắc, Trung và Nam, với hạt nhân phát triển là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Chính quyền Vùng Đô thị dùng ngân sách trung ương để kích cầu sự phát triển cân đối hài hòa của các đô thị trong Vùng theo các kế hoạch chiến lược thống nhất, có trọng tâm ưu tiên.

Ngân sách trung ương nên dành cho đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa các đô thị, và ưu tiên hỗ trợ kích cầu phát triển các đô thị xếp hạng thấp để giúp giãn dân và đạt hiệu quả kinh tế đô thị tổng thể cao nhất.

Ví dụ, việc hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia Bắc Nam cần phải đặt ở vị trí chiến lược ưu tiên hơn so với các dự án cũng tốn nhiều tỉ đôla, nhưng phi kinh tế trong thời điểm hiện tại (như đường sắt cao tốc và sân bay trung chuyển quốc tế Long Thành).

Hệ thống đường bộ cao tốc sẽ nối kết tất cả các đô thị và các công trình hạ tầng tốn kém đã lỡ xây, nhưng đang hoạt động cầm chừng và nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành (như sân bay quốc tế, cảng biển và sông…), tạo thành một mạng lưới hạ tầng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, để cùng đạt hiệu suất cao nhất.

NGÔ VIẾT NAM SƠN/DNSGCT