Nợ xấu: Bán đứt hay "tự xử"?
Du lịch - Ngày đăng : 01:29, 12/10/2013
Nợ xấu đang là "điểm xấu" của nền kinh tế và cản trở sự phát triển bình thường của hệ thống ngân hàng. Do nợ xấu là tài sản của ngân hàng, nên ngân hàng phải là người đầu tiên xử lý nó về tác nghiệp bên cạnh việc chờ đợi nền kinh tế sáng lên.
Nguyên nhân gây nợ xấu có nhiều và ngân hàng thường phải chịu nợ xấu thường xuyên ở mức "có thể chịu được".
Trong điều kiện kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản và chứng khoán suy yếu thì tình hình của người vay gặp nhiều khó khăn, phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng, lãi giảm… là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp.
Có bán đứt được không?
Các giải pháp trợ giúp về tài chính thường gặp nhiều ý kiến phản đối từ dư luận, vì làm gia tăng thâm hụt ngân sách, các hành vi tiêu cực và sai lệch chính sách. Ví dụ, gói 30.000 tỷ đồng đang khó giải ngân và sau này thu nợ cũng sẽ khó khăn.
Có ý kiến cho rằng nếu được giải ngân nhanh chóng, các doanh nghiệp BĐS sẽ có tiền trả nợ ngay hoặc xây xong nhà đang xây dở để bán trả nợ ngân hàng, nợ xấu hiện tại được xử lý. Còn tiền vay bây giờ thì 8 - 10 năm sau mới phải trả, sẽ tính sau. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì nguyên tắc cho vay đúng mục đích và kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng bị phá vỡ.
Công ty mua bán nợ của Chính phủ là giải pháp được một số nước áp dụng. Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mới được thành lập với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, dự kiến phát hành trái phiếu đặc biệt (được Chính phủ bảo lãnh) để mua nợ của các ngân hàng.
Chính phủ hy vọng bằng cách này nợ xấu của ngân hàng trên sổ sách giảm ngay. Tuy cơ chế vận hành của VAMC đã được ban hành, song vẫn chưa thể rõ tổ chức này sẽ bán nợ xấu như thế nào?
Theo Ts. Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), tại các ngân hàng, khi đổi nợ xấu lấy trái phiếu của VAMC, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng 20%. Nếu đấy là nợ nhóm 4 hoặc 5, thay bằng trích 50 - 100% ngân hàng chỉ cần trích 20%, như vậy sẽ giảm gánh nặng tài chính cho ngân hàng trong 1 - 3 năm đầu.
Tiếp theo, ngân hàng có thể chiết khấu trái phiếu này tại NHNN để lấy vốn kinh doanh. Theo Ts. Phan Thị Thu Hà, với tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp năm nay và dự đoán sang cả năm 2014 thì nhu cầu vốn của các ngân hàng không cao. Khi cần, dù không có trái phiếu ngân hàng vẫn có thể huy động bằng các hình thức khác. Như vậy, đối với các ngân hàng, vấn đề cốt lõi là có bán đứt được món nợ xấu không và bán được bao nhiêu?.
"Hiện các ngân hàng đang chịu nợ xấu cao và tăng trưởng tín dụng thấp. Vấn đề đặt ra là các ngân hàng có tự xử lý được nợ xấu không? Nếu có thì bao nhiêu lâu sẽ xong? Phí tổn của hoạt động này là bao nhiêu? Hỗ trợ của Chính phủ cần thiết đến mức độ nào và hỗ trợ như thế nào để có hiệu quả?", Ts. Phan Thị Thu Hà băn khoăn.
Ngân hàng "ngại" bán
Không giống KAMCO (Hàn Quốc), các khoản nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam khi bán cho VAMC vẫn không phải bán đứt, nếu VAMC không xử lý được thì ngân hàng vẫn phải tự xử lý.
VAMC chỉ mua khoản nợ có khả năng bán cao, tức là ngân hàng cũng có thể phát mại tài sản này. Ví dụ, có thể năm nay thị trường bất động sản xuống, khó bán, song năm sau có thể dễ bán hơn. Như vậy, các ngân hàng lớn cũng khó bán nợ cho VAMC. Các ngân hàng yếu kém thì càng có ít những khoản nợ có thể bán cho VAMC. Dù nợ xấu có giảm thì tính chất yếu kém của những ngân hàng này vẫn không thay đổi.
Ts. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng việc ngân hàng e ngại bán nợ cho VAMC chắn chắc có, vì nhiều chủ ngân hàng tại Việt Nam giờ đóng nhiều "vai": vừa là chủ ngân hàng, đồng thời là chủ tập đoàn, cũng là chủ nợ - con nợ...
Chẳng ai lại thích "lộ gót chân A-sin" của mình, nên họ thích để món nợ tại ngân hàng tự xử lý âm thầm hơn là mang bán cho VAMC. Một khi đã bán cho VAMC sẽ bị đấu giá công khai trên thị trường, tên tuổi bị "bêu"... họ sẽ là người chịu thiệt. Ngược lại, những khoản nợ mà họ thấy khả năng không thể xử lý nổi thì "đùn" sang VAMC cũng là điều bình thường.
Vẫn theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, điều đáng lo ngại hiện nay là các tập đoàn lớn (kể cả quốc doanh và tư nhân) đang nợ ngân hàng nhiều vô kể. Ts. Lê Xuân Nghĩa cho biết tỷ lệ nợ ngân hàng trên tổng số nợ của doanh nghiệp chiếm tới 55,03%. Có những khoản nợ của các doanh nghiệp, tập đoàn không dừng lại ở con số hàng chục ngàn tỷ, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ nhưng điều kiện thị trường hiện tại quá ảm đạm không thể trả được.
"Lòng tin giữa ngân hàng - doanh nghiệp hiện đang rất thấp, chủ yếu là do nợ xấu. Nếu mỗi bên đều giữ an toàn cho mình, cố thủ không xử lý nợ xấu thì hậu quả khôn lường. Như trường hợp Nhật Bản, họ đã phải trả giá cho 20 năm tăng trưởng "âm" do chần chừ xử lý nợ xấu chậm 2 năm", Ts. Lê Xuân Nghĩa nói.
Xoay quanh lo ngại với số vốn ít ỏi 500 tỷ đồng, VAMC khó lòng xử lý được 40.000 -70.000 tỷ đồng nợ xấu ngay trong năm 2013. "Vốn điều lệ với hoạt động của VAMC hay TCTD chỉ là hệ số bảo đảm an toàn. TCTD không ai hoạt động trên vốn điều lệ của mình cả", ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng Giám đốc VAMC, trấn an.