Đơn đặt hàng của Ngày Nhà giáo Việt Nam
Du lịch - Ngày đăng : 05:33, 19/11/2013
Trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay, lãnh đạo Sở Giáo dục TP.HCM mong muốn nhận thiệp điện tử.
Phụ huynh, học sinh và đặc biệt là hệ thống mấy ngàn giáo viên tại thành phố đang suy nghĩ điều gì trước đề nghị đó? Ngày Nhà giáo Việt Nam rơi đúng vào thời điểm toàn xã hội vừa xong cuộc chạy marathon để thu xếp cho con em ổn định vào một năm học mới, và ngay trước mắt là chuẩn bị cho những kỳ thi nặng nề.
Đó là quãng thời gian mà nhà nhà đều cọ xát với thực tế giáo dục bao gồm chạy trường, thiết lập quan hệ với thầy cô mới, những khoản tiền không nhỏ chi ra cho việc học, và áp lực thu xếp mỗi ngày hơn 10 tiếng học hành của con em.
Đã bao nhiêu năm cán bộ, giáo viên nhận hoa và lời chúc, lời cảm ơn của xã hội, nhưng rồi cũng chừng ấy lời ta thán của toàn xã hội đối với nền giáo dục, sự thất vọng cụ thể của từng người đối với việc học của con em mình vẫn cứ như vậy. Nỗi buồn này chắc hẳn chính những người đang làm việc trong ngành giáo dục hiểu rõ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam bao giờ sẽ trở thành một điểm tựa tinh thần về giáo dục trong con tim mỗi người, sẽ thật sự là niềm tự hào của văn hóa "tôn sư trọng đạo"?
Ai sẽ nhận ra mình là người hạnh phúc mỗi khi nhớ về một người thầy, người cô đã từng tỏ ra yêu thương mình, đã đưa bàn tay ra đúng lúc để dìu mình qua một khoảnh khắc khó khăn lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp mình thành nhân?
Số người đó chắc hẳn không nhiều ở thành thị, khi giáo dục như guồng máy, nuốt chửng thời gian và tiền bạc của các gia đình, đến nỗi nhiều người đã biến mối quan hệ với thầy cô thành một thứ quan hệ "qua lại" rất đáng buồn.
Có trách được không, khi ngay từ việc tuyển chọn đào tạo giáo viên ở đầu vào của bậc đại học đã không đặt tiêu chuẩn những người giỏi nhất như ngành y, mà sinh viên sư phạm đội sổ về điểm chuẩn thi đại học.
Ngay quan điểm đào tạo đó cũng đã làm giảm giá trị của một nghề cao quý trước con mắt xã hội, và nó làm cho ngành giáo dục không có cơ hội sở hữu những người giỏi nhất.
Một người hồi tưởng lại quãng đời đi học kể rằng, trong rất nhiều năm liền, môn toán chỉ đạt được khoảng 7 điểm, trong khi môn văn lại khá hơn. Trong kỳ thi tuyển vào bậc THPT, cô giáo chủ nhiệm lớp 9 khăng khăng khuyên chỉ nên đăng ký thi vào một trường có điểm đầu vào loại trung bình để đảm bảo thi đỗ.
Nhưng học sinh này nhất định đăng ký thi vào một trường có điểm cao hơn và đã đậu nhờ môn văn đạt đến trên 8 điểm. Lời khuyên của cô chủ nhiệm dựa vào căn cứ những học sinh giỏi là những em có bảng điểm với môn toán dẫn đầu, cô đã không chú ý tới những học sinh giỏi văn.
Vì không được đánh giá đúng thực lực, tình cảm của học trò đối với cô không còn trọn vẹn. Đó là một nỗi buồn, vì đến ngay làm nghề trồng người, các giáo viên cũng còn đánh giá học sinh lệch lạc như vậy, nói gì đến xã hội.
Người theo nghề sư phạm ở Việt Nam có buồn không khi bây giờ các phụ huynh trẻ thường mơ ước kiếm thật nhiều tiền để đưa con vào học trường quốc tế.
"Tỵ nạn giáo dục" ngay trong nước đặt ra ba vấn đề: Học sinh học được nhiều kỹ năng sống để hội nhập văn hóa toàn cầu; giỏi ngoại ngữ giao tiếp; không bị áp lực học nhồi nhét đến mức lớn không nổi. Đó là mơ ước của những người không muốn trở thành "Mẹ Hổ”, một phong trào rèn con kiểu ép buộc và khắc khổ để đi đến thành công.
Xã hội mong đến một ngày thầy cô không còn mong muốn nhận thiệp điện tử, lại một hình thức chúc mừng sáo rỗng. Một sự gặp gỡ trực tiếp, với lòng chân thành giữa xã hội với các thầy cô, nói lên biết bao điều.
Một dịp thầy cô nói chuyện về các học trò của mình, một niềm vui của những người làm nghề "gõ đầu trẻ”, cảnh thầy trò quây quần bên nhau trong Ngày Nhà giáo Việt Nam là một niềm vui của chính bọn trẻ được gần gũi và bày tỏ những gì bản thân tuổi học trò có khả năng thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Mỗi Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, trong những lời chúc mừng, phụ huynh đã nói với thầy cô biết bao lời gửi gắm. Những ý đó cũng chính là một đơn đặt hàng "trồng người" của xã hội.
Người trẻ quá nhiều khiếm khuyết, có thể ngày đêm ngồi trước máy tính làm "anh hùng bàn phím", có đến hai bằng cử nhân, nhưng không có khả năng viết một lá đơn chuẩn mực. Người trẻ tốt nghiệp THPT hoặc đại học nhưng không biết thành phố nơi mình sống có mấy bảo tàng.
Mục tiêu sống của người trẻ bây giờ chỉ rèn kỹ năng và tìm cách tiến thân. Đơn đặt hàng cho ngành giáo dục chính là yêu cầu cấp thiết phải nâng chất lượng ngành sư phạm, tuyển chọn người giỏi làm nghề sư phạm.