Cánh đồng mẫu lớn: Lối thoát đầy cạm bẫy

Du lịch - Ngày đăng : 01:05, 20/11/2013

Có hai sự kiện đáng chú ý liên quan đến cánh đồng mẫu lớn trong ngày 25/10 vừa qua...
 Cánh đồng mẫu lớn: Lối thoát đầy cạm bẫy

Có hai sự kiện đáng chú ý liên quan đến cánh đồng mẫu lớn trong ngày 25/10 vừa qua. Tại Hà Nội, Thủ tướng ký Quyết định 62 dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng mẫu lớn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tổ chức họp báo công bố phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nông dân hợp tác với doanh nghiệp này sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Liệu cánh đồng mẫu lớn có phải phép màu để ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam cất cánh, nhất là trong bối cảnh những cánh đồng mẫu lớn liên tiếp được triển khai tại nhiều địa phương thời gian gần đây?

Vấn đề quyết định sự thành - bại của cánh đồng mẫu lớn là mối ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp
>Cần một chính sách lúa gạo phù hợp
>Tâm huyết vì thương hiệu gạo Việt
>
Gạo VN hút khách quốc tế
>“Khai tử” 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Khi doanh nghiệp bắt tay nông dân

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tích hợp hai trục liên kết dọc (nông dân và doanh nghiệp) và liên kết ngang (nông dân với nông dân), nhằm đạt lợi thế kinh tế theo quy mô. Vấn đề quyết định sự thành - bại là mối ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hình thức hợp đồng. Sự bền vững trong quan hệ hợp tác phụ thuộc vào mức độ chia sẻ công bằng giữa đôi bên trên 3 khía cạnh then chốt gồm giá trị, rủi ro và quyền quyết định.

Liên kết dọc thực chất là sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng. Trong mối quan hệ hai chiều này, doanh nghiệp và nông dân trở thành thị trường của nhau, giảm bớt chi phí cho những khâu trung gian.

Nông dân tiêu thụ giống, thuốc bảo vệ thực vật. Còn doanh nghiệp bao tiêu lúa. Liên kết dọc còn mở ra cơ hội giải quyết được 4 bất cập cơ bản của hạt gạo Việt là lẫn loại, không đồng nhất về chất lượng, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không thể truy xuất được nguồn gốc.

Phương tiện để AGPPS hiện thực hóa cơ hội này là lực lượng “3 cùng”, đóng vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Họ là nhân viên của công ty, nhưng cũng có thể là bà con, láng giềng của nông dân.

Đấy chính là lợi thế không nhỏ để tạo ra lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp. Niềm tin là nền tảng ban đầu để phát triển hợp đồng. Cũng chính họ đóng vai trò giám sát quá trình sản xuất từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ghi nhật ký đồng ruộng từ khâu gieo hạt đến khi thu hoạch. Họ thay thế hoàn toàn vai trò của đội ngũ khuyến nông quốc gia.

Đầu năm 2013, AGPPS công bố thông tin xuất khẩu khoảng 300 tấn gạo sang Nhật. Đơn vị xuất khẩu cho AGPPS là liên doanh giữa Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) và đối tác Nhật là Kitoku. Bằng việc trở thành cổ đông lớn của Angimex, AGPPS tận dụng được chức năng xuất khẩu và sự am hiểu về Nhật.

So với nhu cầu nhập khẩu khoảng sáu, bảy trăm ngàn tấn gạo hằng năm, hợp đồng xuất khẩu của AGPPS rất khiêm tốn. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, lượng gạo này được sử dụng làm nguyên liệu chế biến nhiều loại thực phẩm hoặc sản xuất rượu.

Đáng khích lệ là AGPPS đã mở lại cánh cửa sang thị trường Nhật vốn bị đóng lại từ năm 2008 do hạt gạo Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để có được tấm giấy thông hành vào thị trường nổi tiếng khó tính này, hạt gạo AGPPS đã phải trải qua hàng loạt quy trình kiểm định độc lập, đáp ứng được 593 tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Nhật quy định.

Nếu như năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa của AGPPS đạt khoảng 19.500 ha thì đến cuối năm 2013 là 61.600 ha. Số hộ tham gia cũng tăng gần 3 lần, lên 20.500 hộ. Theo đó, nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ (120 ngày), được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và bao tiêu lúa theo giá thị trường.

Nếu chưa ưng ý với giá lúa, nông dân có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho. Theo hợp đồng, nông dân cũng có quyền bán lúa ra ngoài sau khi thanh toán các khoản chi phí cho công ty được quy định trong hợp đồng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp (không muốn nêu tên) nhận xét: “Đã gửi lúa vào kho của công ty thì nông dân rất ngại lấy ra, dù giá bán cho thương lái có thể chênh lệch chút xíu. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị AGPPS, hiểu rõ tâm lý của người nông dân Nam bộ. Thành ra việc cho phép người nông dân giữ lại quyền bán lúa khiến nông dân có cảm giác không bị thua thiệt”.

Nhà nước và nông dân tham gia doanh nghiệp

Khi được hỏi, đa số nông dân đồng ý tiếp tục gắn bó với mô hình cánh đồng mẫu lớn ở vụ sản xuất kế tiếp. Sự hào hứng của nông dân là do cải thiện năng suất, giảm được chi phí, canh tác dễ dàng... Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó. Tập quán của nông dân là bán lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng.

Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, lúa tươi được vận chuyển về nhà máy và quy đổi về lúa khô để tính theo giá lúa khô. Cách thức quy đổi của nhà máy khiến nông dân chưa thật sự hài lòng. Hay như vụ Đông Xuân 2011-2012, một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp kéo dài thời điểm thu mua lúa theo thỏa thuận đến nửa tháng, khiến nông dân thiệt hại nặng nề.

Chậm thu hoạch khiến tỉ lệ hao hụt trong thu hoạch tăng, chưa kể hạt lúa khi phơi gặp mưa bị nảy mầm, ảnh hưởng đến giá bán. Các cánh đồng đều thu hoạch cùng lúc vào mùa lúa chín rộ là một áp lực đối với doanh nghiệp thu mua. Vậy nên nếu doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính, chuẩn bị được hệ thống hậu cần đủ năng lực đáp ứng trong giai đoạn thu hoạch cao điểm thì việc rời cuộc chơi cánh đồng mẫu lớn có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Đến cuối năm 2013, AGPPS đã xây dựng được 4 nhà máy với tổng công suất 380.000 tấn lúa. Dự kiến đến năm 2018, số nhà máy sẽ tăng lên 12 với tổng công suất đạt 2,1 triệu tấn. Theo lộ trình này, AGPPS có thể cần huy động thêm nguồn lực để đầu tư vào tài sản cố định.

Cuối tháng 10 vừa qua, AGPPS thông báo quyết định bán 2,48 triệu cổ phiếu cho 6.000 đối tác là nông dân trên những cánh đồng mẫu lớn với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, bằng phân nửa mức giá đang giao dịch trên thị trường OTC. Theo đó, lợi tức của nông dân không chỉ dừng lại từ việc bán lúa cho doanh nghiệp, mà còn có cơ hội hưởng cổ tức khi doanh nghiệp thành công trong việc kinh doanh gạo.

Một lợi thế không nhỏ của AGPPS là sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Sự hậu thuẫn này càng có ý nghĩa hơn sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước (26,1% cổ phần) từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang, bước đi tiếp theo là tăng tỉ lệ vốn nhà nước ở AGPPS.

Ông Năng còn cho biết sẽ tạo điều kiện cho các cổ đông thoái vốn nếu cảm thấy không còn phù hợp với mục tiêu phát triển của AGPPS. Năm 2011, 2 phiên đại hội cổ đông thường niên của AGPPS đều thất bại do không tìm được tiếng nói chung với một số cổ đông lớn là quỹ đầu tư nước ngoài về vấn đề phát triển cánh đồng mẫu lớn và lùi thời hạn niêm yết cổ phiếu, theo tường thuật của báo Đầu tư Chứng khoán.

Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là nông dân sẽ mua cổ phiếu bằng tiền mặt, lúa hay quyền sử dụng đất? Phương án nông dân góp vốn bằng “quyền sử dụng đất” đã từng được nhiều địa phương hào hứng triển khai cách nay 7, 8 năm nhưng phần lớn đều thất bại. Hiện trên cả nước chỉ còn 2 đơn vị duy trì hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất là Công ty Cao su Sơn La và Công ty Mía đường Lam Sơn.

Những thành tựu bước đầu của AGPPS cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, góp phần cải thiện chất lượng hạt gạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Đại học Mở TP.HCM kết luận: Thái Lan và Tây Ban Nha là hai nước có chất lượng xuất khẩu gạo bền vững, có hiệu ứng giá tốt nhất trong giai đoạn 2000 - 2011.

Ngược lại, Việt Nam là quốc gia có chất lượng xuất khẩu gạo kém bền vững do phụ thuộc chủ yếu vào hiệu ứng lượng. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo nếu tiếp tục chính sách này thì “Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gần và trực tiếp với 2 cường quốc dân số là Ấn Độ và Trung Quốc”.