Từ thiện và cảm xúc
Du lịch - Ngày đăng : 08:36, 23/11/2013
Công việc của tôi nhiều lần rơi vào trung tâm chuyện tổ chức điều phối đưa hàng tỷ đồng tiền mặt, hay hàng chục tấn hàng đến nơi cần cứu trợ.
Có lần phải suy nghĩ quy trình quản lý việc xây dựng 100 cái nhà tình thương rải rác ở ba tỉnh để làm sao những đồng tiền ấy không đi sai chỗ. Nhưng mấy chuyện đó nó không làm suy nghĩ nhiều quá, nó cần một cái đầu tỉnh táo để sắp xếp cho hàng hóa cứu trợ đến đúng địa chỉ.
Nhưng cái đầu tỉnh táo thỉnh thoảng lại nghe đâu đó lời thắc mắc: "Nè, bạn thấy không, hàng trăm người đến nhận hàng cứu trợ, mà sao họ ít nói cảm ơn nhỉ!".
Đôi chuyến cứu trợ, những người xông pha vào vùng đất vừa thiệt hại nặng nề thấy thắc mắc khi nhìn những chiếc vỏ phong bì trắng bị nạn nhân vùng bão làm rơi lại trên mặt đất mà họ không buồn nhặt lại.
Chúng tôi biết chắc các thành viên đoàn từ thiện tuy vui vì đã hoàn thành tâm nguyện của chuyến đi, nhưng có chút lấn cấn, thắc mắc vì mấy việc linh tinh như mới kể.
Đôi khi suốt chặng đường nghe các anh chị ca hát, nói chuyện, tôi yên lặng vì mải nghĩ ngợi hình như người cho lại được, được nhiều quá, được niềm vui, được ấm áp trong tâm hồn...
Thế các bạn không thấy bà con mình rất mắc cỡ khi phải đến nơi trưng một tấm pano cứu trợ đó sao. Vì sao trời mưa gió lạnh rét vậy mà con cháu vẫn đùn đẩy cho các bà , các mẹ già lẩy bẩy đến cái nơi mà thực lòng họ chẳng muốn đến nếu hoàn cảnh khó khăn không xô đẩy?
Sao lại còn muốn một lời cảm ơn từ phía những con người khốn khổ khi lòng họ tràn ứ nỗi đau buồn, tủi thân tủi phận. Cũng một phận người mà có lúc sa cơ phải vui mừng vì được nhận một bao gạo hay mấy trăm ngàn đồng.
Nhiều người thường xuyên tham gia cứu trợ đồng ý với nhận xét này: Những đồng tiền, những hạt gạo đến được đúng thời điểm đồng bào cần, ấy là quý giá nhất.
Xin hãy để họ ra về thật nhanh, để họ đừng phải đứng quá lâu, chờ đợi trong không khí của một buổi phát hàng cứu trợ. Đừng để xảy ra chuyện người nhận hàng cứu trợ quá buồn lòng khi phải nhận về hàng thùng những quần áo cũ không thể sử dụng được.
Chúng tôi từng thuyết phục một doanh nghiệp, xin lãnh đạo công ty ấy đừng yêu cầu gia đình kia dựng lên tấm bảng "Nhà tình thương". Lý do là nhà ấy sắp kén rể, làm sao gả con gái, làm sao nói chuyện thoải mái với sui gia nếu trước nhà mình lù lù tấm bảng "đói nghèo". Lãnh đạo doanh nghiệp hiểu ra và đồng ý ngay!
Có chương trình từ thiện lặng lẽ nhưng làm cho nhiều người từng tham gia rất gắn bó. Một nhóm văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đi thăm Trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội, thấy nhà vệ sinh rất tệ, làm cho học sinh nữ ở đây khó khăn.
Họ liền chung tiền xây một khu nhà vệ sinh chuẩn cho người khiếm thị sử dụng dễ dàng, lại bỏ tiền ra thuê một người chuyên coi sóc khu vực vệ sinh này.
Chuyện ấy kéo dài hơn 10 năm nay trong lặng lẽ, không ồn ào, nhưng ngày càng có nhiều người tham gia. Họ làm những việc thiết thực nhất cho cái ổn định lâu dài của người được giúp đỡ, chứ không làm việc thiện theo cảm xúc nhất thời.
Hóa ra chỉ cái chuyện cho cũng phải cân nhắc cách cho thế nào là hữu ích nhất!