Vẫn lo đầu tư công

Du lịch - Ngày đăng : 08:30, 28/11/2013

Khắc phục thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là cả một quá trình dài, đầy cam go, dù dự luật vừa được trình Quốc hội.
Vẫn lo đầu tư công

Khắc phục thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là cả một quá trình dài, đầy cam go, dù dự luật vừa được trình Quốc hội.

>Tham nhũng ở DNNN và đầu tư công
>Tài khóa và đầu tư công
>
Giảm thất thoát trong đầu tư công: Cách nào?
>Tăng giải ngân đầu tư công - giải pháp gia tăng tổng cầu

“Với cách quản lý đầu tư công lỏng lẻo và trong hoàn cảnh hạn chế về kinh tế, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, nếu không được khắc phục sẽ đẩy đất nước xuống bờ vực thẳm”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã phải thốt lên khi thuyết phục các đại biểu Quốc hội về sự cần thiết của Dự luật Đầu tư công.

Lạc quan sớm và câu chuyện hai năm trước

Không lâu sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, vào tháng 8/2011, ông Bùi Quang Vinh được Thủ tướng mời lên văn phòng. Người đứng đầu Chính phủ giao cho vị tân bộ trưởng thiết kế một quy trình mới nhằm chấn chỉnh lại nguồn vốn đầu tư công bị phê phán là thất thoát, lãng phí, dàn trải.

Chỉ vài tuần sau đó, Bộ trưởng và các đồng sự đã trình Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 1792 mà tinh thần chung là người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu cứ triển khai dự án mà không có vốn.

Từng là lãnh đạo tỉnh Lào Cai, tỉnh luôn nằm trong danh sách hàng đầu trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Vinh hiểu rõ cơ chế này sẽ giúp bịt lỗ hổng trong đầu tư công, điều mà người tiền nhiệm của ông là ông Võ Hồng Phúc còn rất trăn trở khi rời nhiệm sở.

Ở mức độ nhất định, chỉ thị này cũng có tác dụng ở các địa phương. Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc kể, đầu năm nay, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức một cuộc họp.

Bí thư Quảng Ninh Phạm Minh Chính đưa ra một chỉ đạo mới. Ông Đọc kể: “Đồng chí Bí thư chỉ đạo, nếu đường quốc lộ không thông thì có tỉnh lộ làm gì; tỉnh lộ không thông thì xây huyện lộ cũng chẳng ích gì”. Chính quyền Quảng Ninh đã làm đúng tinh thần đó.

Ông Đọc nói: “Chúng tôi tập trung vốn cho các tuyến đường xương sống trước, còn đường ngang làm sau. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh phải tập trung cho các dự án thật cần thiết trên tinh thần này. Trước đây, chúng tôi đầu tư dàn trải, nhưng trong hơn hai năm qua, chúng tôi chuyển đổi đầu tư theo tinh thần tiết kiệm và tập trung lại”.

Kết quả là Quảng Ninh đã dành ra được 1.500 tỷ đồng ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải vay để hoàn thành sớm quốc lộ 18A từ Uông Bí về Hạ Long. Dự án này dự kiến xây xong sau năm 2014, nhưng với nguồn tiền này của tỉnh, quốc lộ 18A sẽ được hoàn thành trước 1 năm.

Ông Đọc nói đầy phấn khích: “Lợi ích mang lại từ khi thông tuyến sớm là rất lớn”.

Bộ trưởng Vinh khẳng định tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua rằng, sau 2 năm có đến hơn 96,5% số vốn do Trung ương kiểm soát đã thực hiện đúng Chỉ thị 1792, đó là đầu tư tập trung, không dàn trải, theo thứ tự ưu tiên.

Song, có lẽ Bộ trưởng đã lạc quan hơi sớm. Những con số kiểm toán cho thấy, tình hình không hẳn như vậy. Báo cáo kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2011, năm mà đầu tư công được lên nghị quyết phải thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, vẫn được chi hoành tráng. Chi đầu tư phát triển được dự toán là 152.000 tỷ đồng, song quyết toán 208.306 tỷ đồng, tăng 37% (56.306 tỷ đồng) so với dự toán.

Áp lực của Bộ trưởng Vinh

Dù chi cho phát triển tăng cao, song Kiểm toán Nhà nước nhận thấy cung cách chi tiêu vẫn vô tội vạ, không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương.

Tỉnh Lai Châu có nhu cầu đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, song vốn ngân sách Nhà nước chỉ có 987 tỷ đồng (34%), tỉnh Bình Phước có nhu cầu hơn 1.800 tỷ đồng, trong khi vốn ngân sách chỉ có 714 tỷ đồng (38%), tỉnh Sơn La có nhu cầu đầu tư gần 2.900 tỷ đồng, song chỉ bố trí vốn 989 tỷ đồng (34%).

Kết quả kiểm toán tại các bộ, ngành và địa phương cho thấy: việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Kiểm toán Nhà nước căn cứ số liệu của Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2011 các địa phương còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư với tổng mức 273.469 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa bố trí được vốn.

Đặc biệt, một số địa phương, nếu tính theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm cả vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 của địa phương, thì phải mất nhiều năm mới đầu tư hết cho các dự án này. Cụ thể, tỉnh Hưng Yên 24 năm; Lâm Đồng 19 năm; Nghệ An 9 năm.

Tình hình trên rất có thể sẽ lặp lại khi Kiếm toán Nhà nước công bố các báo cáo niên độ ngân sách 2012 và 2013 trong những năm tới. Khi trình Dự Luật Đầu tư công ra Quốc hội, Chính phủ đã phải thừa nhận: “Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau: buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công… nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”.

Bộ trưởng Vinh không phủ nhận điều này. Ông giải trình tại phiên thảo luận ở tổ về Dự Luật Đầu tư công đã được nghiền ngẫm suốt 7 năm qua: “Có đồng chí mới lên làm chủ tịch tỉnh nghĩ phải để dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình, đề nghị làm đại lộ thật hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa; giải phóng mặt bằng để làm tượng đài ngàn tỷ giữa đồng không mông quạnh, xây dựng lãng phí vô cùng. Chuyện như cổ tích nhưng có thật. Suốt ngày tôi phải chịu áp lực những chuyện như vậy”.

Và câu hỏi hậu luật đầu tư công

Luật Đầu tư công nếu ra đời sẽ góp phần kiểm soát lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, Bộ trưởng Vinh khẳng định và giữ niềm tin như vậy. Ông nói với các đại biểu Quốc hội: “Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi, thưa bộ trưởng, bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nữa. Tôi bảo, không! Đất nước này cần sự minh bạch. Đất nước này cần không có tham nhũng”.

Những lời nói và hành động của ông Vinh luôn quyết liệt và nhận được nhiều sự ủng hộ. Chỉ có điều, ông không tiết lộ là dự luật đó đã được thiết kế qua nhiều vụ của Bộ mà phiên bản cuối cùng của luật chẳng khác gì một báo cáo.

Quan trọng hơn, ông vừa thay mặt Chính phủ đọc tờ trình xin phát hành thêm 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư công trong vòng 3 năm tới.

Liệu đầu tư công thật sự có được chấn chỉnh hay không, dù có luật? Kể từ khi có Chỉ thị 1792, đã không một lãnh đạo bộ, ngành, hay địa phương nào tự nhận kỷ luật hay bị kỷ luật vì đầu tư sai. Điều này liệu sẽ lặp lại?