Tỏa sáng tài năng
Đời thường - Ngày đăng : 09:50, 29/11/2013
Liên hoan Múa đương đại Quốc tế 2013 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, với sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật đến từ Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, diễn ra tối 20 và 21/11 tại Nhà hát TP.HCM đã tạo được ấn tượng khá tốt. Các nghệ sĩ đã rất thành công khi kể lại hành trình theo đuổi nghệ thuật của mình bằng ngôn ngữ cơ thể cho những người bạn trên khắp năm châu.
>Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi: Tựa vào tiếng đàn của bố
Tiết mục "Áo choàng tiên nữ" của Kaiji Moriyama trong Liên hoan - Ảnh: Đại Ngô |
Liên hoan Múa đương đại Quốc tế 2013 cũng giống như các vở múa của Arabesque, cứ lặng lẽ nhen nhóm và âm thầm nỗ lực để rồi bùng nổ trong niềm vui của người hâm mộ khi chứng kiến những tài năng của thế giới và Việt Nam bừng sáng trong những tiết mục múa tuyệt đẹp với những sự hóa thân trọn vẹn của người nghệ sĩ trong từng chuyển động nhỏ của cơ thể trên sàn diễn.
Lưỡi kiếm nghệ thuật
Rất nhiều khán giả có mặt trong đêm diễn đầu tiên đã không thể không chờ đợi sự trở lại Việt Nam lần nữa của biên đạo và nghệ sĩ múa Nhật Bản Kaiji Moriyama.
Tiết mục biểu diễn lần này của Kaiji đã được Chính phủ Nhật chọn làm Đại sứ văn hóa của Nhật tại các nước châu Á từ năm 2013 được lấy cảm hứng từ một trong những bản nhạc của loại hình hát tuồng truyền thống Nhật Bản Noh, bài "Hagoromo" (Áo choàng tiên nữ), với tích chuyện về ngư phủ Hakuryo, người đã tìm thấy chiếc áo choàng lông vũ tuyệt đẹp mắc vào nhành cây thông của một tiên cô.
Xao động khi nghe nàng tiên nữ than khóc rằng cô không thể về trời nếu thiếu chiếc áo đó, Hakuryo quyết định trả lại chiếc áo cho nàng sau khi được nàng trình diễn cho xem một điệu múa thiên đình.
Tự làm nhạc, tự biên đạo và sau đó là một mình hóa thân vào hai vai: anh ngư phủ và nàng tiên nữ, Kaiji Moriyama đã khiến cả khán phòng Nhà hát TP.HCM "nín thở" rồi vỡ òa trong tiếng vỗ tay không dứt.
Sau đêm diễn, nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi đã nhận xét, tiết mục của Kaiji không phải là chuyện kỹ thuật nữa, không phải là múa nữa mà là sự lên đồng, sự hóa thân trọn vẹn của người nghệ sĩ.
Hẳn đây cũng là một trong những lý do khiến người nghệ sĩ xuất thân từ một công ty nhạc kịch tại Nhật đã nhanh chóng trở thành một biên đạo múa nổi tiếng trên toàn thế giới từ 14 năm nay với phong cách được ví như "một lưỡi kiếm, xé toạc không gian một cách êm ái và vượt qua mọi biên giới của các thế hệ”.
Điều không kém phần thú vị liên quan đến Kaiji Moriyama là biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc, "chủ xị” của Arabesque, đơn vị tổ chức liên hoan này. 14 năm trước tại Nhật Bản, Tấn Lộc là một thành viên trong một lớp dạy múa của Kaiji, sau đó họ trở thành bạn thân và hôm nay là những người đã làm nên thành công của Liên hoan Múa đương đại Quốc tế dự kiến sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam kể từ năm nay.
...Và hơi thở khác của "Sương sớm"
Không chỉ có đại diện tài năng của nước Nhật, đêm diễn đầu tiên của Liên hoan còn chứng kiến phần trình diễn xuất sắc mở đầu của biên đạo Claudio Malangone và diễn viên múa Vincenzo Capasso đến từ Ý.
Với kỹ thuật điêu luyện khiến người xem ngỡ rằng không phải người nghệ sĩ đang múa mà chỉ đơn thuần là thả trôi cơ thể theo những cảm xúc, và tác phẩm "Brainstorming - studio No.2" đã cho thấy sức mạnh của ngôn ngữ trình diễn.
Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết anh vô cùng yêu thích tác phẩm này không chỉ vì kỹ thuật hết sức điêu luyện mà còn bởi cảm xúc sâu đậm mà tác phẩm mang lại.
Cũng trong đêm diễn đầu, khán giả đã được thưởng thức và cảm nhận phong cách múa đương đại đầy cá tính của các đại diện đến từ Hàn Quốc với tài năng biên đạo cùng vũ đạo đẹp mắt của Kim Sung Yong, nhà biên đạo và vũ công tài năng từng giành nhiều giải thưởng lớn trên thế giới và đã được bình chọn là vũ công xuất sắc nhất Hàn Quốc năm 2008.
Phía Việt Nam, trong đêm diễn thứ hai, các nghệ sĩ trẻ của Arabesque đã trình diễn tác phẩm "Sương sớm", đây là một vở múa đương đại độc đáo với nhiều yếu tố bất ngờ.
Vở diễn kể về một buổi sáng trong sương sớm của người nông dân, với những công việc thường ngày quen thuộc như ra đồng làm lúa, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ... Nét độc đáo của vở múa chính là thể hiện hình ảnh người nông dân Việt Nam thông qua ngôn ngữ múa đương đại đặc sắc.
Rất nhiều khán giả từng thưởng thức "Sương sớm" trên sân khấu Nhà hát TP.HCM một năm trước đã chia sẻ, tại Liên hoan lần này, cảm xúc của họ như được làm mới lại, một lần nữa họ lại thấy xao động bởi ký ức và mùi thơm của đồng ruộng, của nhang thơm, của gạo mới..., và hơn thế nữa, họ cảm thấy tự hào vì chắc chắn người nước ngoài nào cũng sẽ yêu nét đẹp của đồng quê Việt Nam, sẽ nể phục đức tính cần cù của người Việt và sẽ muốn được cảm nhận Việt Nam theo cách mà "Sương sớm" đã kể.
Liên hoan Múa đương đại Quốc tế 2013 đã khép lại, với sự xốn xang trong lòng người mộ điệu cùng sự cảm kích dành cho các nghệ sĩ múa. Biên đạo múa Tấn Lộc cho biết, năm sau, Liên hoan sẽ hẹn gặp lại khán giả vào tháng 9, và sẽ không chỉ quy tụ nghệ sĩ đến từ 4 quốc gia như năm nay, mà là 7 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, để khán giả có thể thưởng lãm nhiều phong cách múa đương đại trong khu vực và trên thế giới cũng như để Việt Nam có thể tự hào trình diễn các tác phẩm múa của mình với nước bạn.