Nên dời ga Hòa Hưng ra khỏi thành phố

Du lịch - Ngày đăng : 08:52, 09/12/2013

Ga Sài Gòn mà người dân thành phố thường gọi bằng cái tên thân quen là ga Hòa Hưng ngày càng cho thấy sự tồn tại không hợp lý ngay tại một khu vực rộng gần 40.000 mét vuông thuộc quận 3, nơi mà đất quý còn hơn vàng.
Nên dời ga Hòa Hưng ra khỏi thành phố

Ga Sài Gòn mà người dân thành phố thường gọi bằng cái tên thân quen là ga Hòa Hưng ngày càng cho thấy sự tồn tại không hợp lý ngay tại một khu vực rộng gần 40.000 mét vuông thuộc quận 3, nơi mà đất quý còn hơn vàng.

Đọc E-paper

Từ năm 1978, do yêu cầu chỉnh trang đô thị, ga Sài Gòn tọa lạc ở khu vực chợ Bến Thành từ cuối thế kỷ XIX bị dẹp bỏ, chuyển về ga Hòa Hưng. Việc di dời này vào lúc ấy có thể là giải pháp trước mắt vì vị trí ga mới vẫn nằm ở một quận trung tâm thành phố giữa khu dân cư đông đúc.

Đây là ga cuối của tuyến đường sắt Bắc-Nam mà trước khi dừng bánh, các đoàn tàu phải chạy qua địa bàn chín phường của năm quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và quận 3 giao cắt với các đường phố tại 14 điểm chính và điểm phụ.

Điều này góp phần làm tăng thêm tình trạng ách tắc giao thông trên nhiều trục lộ chính trong thành phố. Đó là chưa kể đầu máy, toa xe với thiết bị và công nghệ cũ khiến tạo nhiều khói thải và tiếng ồn cùng rác thải xuống đường do hành khách thiếu ý thức tôn trọng vệ sinh môi trường.

Việc di dời nhà ga này đã được bàn bạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến nào do quan điểm khác nhau giữa thành phố và Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 2007, TP.HCM có kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia theo hướng di dời ga Hòa Hưng và ga Bình Triệu về ga Dĩ An (Bình Dương) và đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc kiến nghị này bằng văn bản.

Nhưng vào năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến phản đối và đề nghị không di dời ga Hòa Hưng với lý do đây là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội ngoại ô, nếu dời về vị trí mới như đề nghị của TP.HCM sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ga trung tâm, hành khách muốn vào thành phố phải khó khăn tìm phương tiện. Mặc dù lý luận này không vững nhưng sau nhiều cuộc tranh luận diễn ra, phần thắng không thuộc về thành phố.

Thực tế là song song khu vực này đang tồn tại Xí nghiệp đầu máy toa xe Sài Gòn chiếm diện tích hơn 70.000 mét vuông mà khi ga Hòa Hưng dời đi thì xí nghiệp này cũng phải di dời dành khu đất lớn này phục vụ các công trình xây dựng dân sinh cho người dân thành phố.

Thiết nghĩ đã đến lúc TP.HCM nên kiến nghị lại với Chính phủ về phương án di dời ga Hòa Hưng vì lợi ích không chỉ của người dân mà còn đỡ hao phí ngân sách cho việc xây dựng hệ thống đường sắt trên cao dành cho tàu vào ga ở trung tâm thành phố

LÊ DUY KHÁNH/DNSGCT