Hàn Quốc: Bội thu xuất khẩu K-Pop

Quốc tế - Ngày đăng : 03:37, 17/12/2013

K-Pop đã đẩy làn sóng Hallyu lên cao trào ở châu Á và trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.
Hàn Quốc: Bội thu xuất khẩu K-Pop

K-Pop đã đẩy làn sóng Hallyu lên cao trào ở châu Á và trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

Đọc E-paper

Cửa hàng K-Pop tại Tokyo

Đầu năm nay, chín thành viên nhóm nhạc K-Pop Girls Generation Hàn Quốc đã đánh bại các các sĩ phương Tây nổi tiếng như Justin Bieber, Miley Cyrus và Lady Gaga ở giải thưởng Video của năm cũng như YouTube Music Awards. Nhóm nhạc nữ này trong năm qua đã tăng thứ hạng trên thị trường âm nhạc quốc tế và đang có một thương hiệu đủ mạnh để khiến nhiều thanh thiếu niên mua bất cứ sản phẩm gì liên quan đến Girls Generation.

Girls Generation nằm trong làn sóng K-Pop đang trở thành một trong những sản phẩm văn hóa xuất khẩu đáng chú ý nhất của Hàn Quốc trong thập kỷ qua. Cùng với làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu nở rộ tại các nước châu Á sau những cuốn phim lãng mạn, theo cuộc khảo sát của Bộ Văn hóa Hàn Quốc, K-Pop đang có một thị trường đông đảo tại châu Á với hơn 250 triệu fan hâm mộ.

> Việt Nam và Hàn Quốc chính thức đàm phán FTA
> Gangnam Style thổi bùng thương hiệu Hàn Quốc
> Hàn Quốc cần một mô hình phát triển mới
> Thương hiệu Hàn Quốc ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp K-Pop đã thu về gần 4 tỷ USD năm ngoái. Doanh thu tại nước ngoài cũng đạt 200 triệu USD, tăng hơn 100%. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hằng năm kể từ 2007.

Theo thống kê của YouTube, các clip K-Pop thu hút gần 2,3 tỷ lượt xem đến từ 253 quốc gia trong năm ngoái. Ông Sean Yang, Giám đốc Điều hành của nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc Soribada, chuyên phân phối nhạc Hàn Quốc cho iTunes và Amazon, cho biết nhu cầu về nhạc Hàn Quốc đang ngày càng tăng, đặc biệt, doanh thu K-Pop trên iTunes đã tăng gấp ba.

Tại sự kiện âm nhạc Mnet Asian Music Awards (MAMA) mới tổ chức tại Hồng Kông gần đây, một số nhóm nhạc lớn nhất của Hàn Quốc như: Girls Generation, Big Bang, EXO, 2NE1 và Sistar đã gây ra hiện tượng khi bán hết 10.000 vé trong vòng một giờ và gần 13 triệu người đã ký vào trang web của MAMA bỏ phiếu cho thần tượng yêu thích của họ đến từ xứ kim chi.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều du khách từ Trung Quốc, Nhật Bản du lịch tới Hàn Quốc để tham dự các sự kiện âm nhạc, ra mắt album..., lên tới hơn 50.000 người trong năm ngoái.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc, SM Entertainment- công ty quản lý nhiều nhóm nhạc thần tượng như TVXQ, Girls Generation, Super Junior và SHINee - là nhà xuất khẩu lớn nhất về chương trình K-Pop trong năm 2012, với giá trị xuất khẩu lên tới 103,6 tỷ won (khoảng 94,8 triệu USD), tăng hơn gấp đôi so với mức 48 tỷ won năm 2011. Trong khi đó, doanh số bán hàng ở nước ngoài của Công ty YG Entertainment đạt 53,4 tỷ won năm 2012, tăng mạnh từ 31,8 tỷ won của năm trước đó.

CJE&M, một công ty con của Tập đoàn Thực phẩm và Giải trí CJ Group, cũng cho thấy sự gia tăng hơn 4,5 lần trong xuất khẩu âm nhạc, từ 3,5 tỷ won năm 2011 lên 15,8 tỷ won năm 2012. CJE&M cũng lập kỷ lục 78,4 tỷ won về xuất khẩu các chương trình truyền hình trong năm 2012, một bước nhảy vọt từ 46,4 tỷ won của năm 2011.

Choon Keun Lee, Giám đốc KOCCA, cho biết, thị trường âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay TV được xuất khẩu. "K-Pop đang trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc, bên cạnh điện thoại di động hay công nghệ internet", ông Choon Keun Lee nhận định.

Có thể thấy, trên phương diện kinh tế, sự phát triển của K-Pop và làn sóng Hallyu đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Về các số liệu liên quan, Samsung Economic Research Institute công bố số liệu cho thấy thương hiệu "Made in Korea" ngày càng phát triển trên thị trường thế giới. Cụ thể, năm ngoái, mặt hàng thực phẩm xuất khẩu sang Trung Đông tăng 2.000%, smartphone tăng 303%, ô tô tăng 127%, thời trang tăng 90%...

HÀ CÚC