Chờ đợi gì ở Singapore 2015?
Sống cân bằng - Ngày đăng : 09:46, 25/12/2013
![]() |
SEA Games 27 đã khép lại với sức mạnh vượt trội của Thái Lan, cũng như một số điều tiếng về sự thiên vị dành cho nước chủ nhà Myanmar. Kịch bản ấy liệu có tái diễn sau hai năm nữa tại Singapore 2015?
Đọc E-paper
![]() |
Lễ trao cờ SEA Games cho Singapore, nước chủ nhà SEA Games 2015 |
Thật ra, trọng tài là vấn đề muôn thủa ở các kỳ đại hội thể thao khu vực, và rất có thể sẽ chẳng có thay đổi nhiều sau hai năm nữa. Nhưng có một điều đáng để kỳ vọng hơn tại SEA Games 27: các vận động viên có thể sẽ không phải tham dự những môn thể thao mang tính dân tộc như chinlone ở Myanmar vừa rồi, hay trước đó là võ gậy, đá cầu chinh, đánh phỏm...
Singapore và mục tiêu Olympic 2016
Hôm 10/12 vừa rồi, Ủy ban Olympic Singapore đã công bố 30 môn thể thao sẽ được tổ chức tại SEA Games 27. Tuy nhiên, số lượng các môn thi đấu chưa chốt lại ở con số ấy. Theo dự kiến, sẽ có 8 môn thể thao nữa được bổ sung vào nội dung thi đấu, và quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 2/2014, sau cuộc họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.
> SEA Games hay... hội làng? |
Trong số này, tất nhiên có những môn thể thao được coi là thế mạnh của nước chủ nhà như rugby 7 người, ba môn phối hợp, và lướt ván. Tuy nhiên, ở trên tầm thế giới, đây hoàn toàn không phải những môn thể thao lạ lẫm, giống như kiểu chinlone ở kỳ đại hội vừa qua. Tập trung vào các môn thể thao trọng điểm nhằm hướng tới những mục tiêu xa hơn như ASIAD và thậm chí là Olympic.
Trong lịch sử, Singapore từng 4 lần giành huy chương Olympic, trong đó có 3 tấm huy chương ở hai kỳ Thế vận hội gần đây (2008, 2012), đều ở môn bóng bàn. Tại kỳ SEA Games vừa rồi, Singapore tiếp tục thống trị nội dung này khi giành trọn bộ 4 huy chương vàng ở các nội dung đơn nam, nữ và đồng đội nam, nữ. Không ai ngạc nhiên về thế mạnh ấy khi cộng đồng người Hoa, một cường quốc bóng bàn, tại Singapore rất lớn. Tại Olympic 2016, đây sẽ tiếp tục được coi là thế mạnh của Singapore trong kế hoạch giành huy chương.
Nhưng tham vọng của Singapore không chỉ nằm ở bóng bàn, họ đang đặt mục tiêu giành huy chương Olympic ở môn bơi, môn thể thao cơ bản của Olympic, với niềm hy vọng mang tên Joseph Schooling. Kình ngư 18 tuổi này vừa được quyền Bộ trưởng Phụ trách Nhân lực và Phát triển quốc gia Tan Chuan Jin đề nghị hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm để tập trung cho các kế hoạch tham vọng của Ủy ban Olympic nước này. Tại kỳ SEA Games vừa rồi, Schooling đã giành được 5 huy chương vàng ở các nội dung 100m, 200m bơi bướm, 200m cá nhân hỗn hợp, 4x100m và 4x200m tự do tiếp sức, trong đó có 4 kỷ lục SEA Games.
Không dễ để thay đổi
Thật ra, thành tích cá nhân của Schooling thật ra cũng chỉ xấp xỉ chuẩn Olympic, song điều quan trọng là Ủy ban Olympic Singapore tin tài năng trẻ này còn có thể tiến bộ nữa và họ đã vạch ra một kế hoạch chi tiết để nuôi dưỡng "gà nòi" của mình. Bản thân kình ngư trẻ này cũng rất quyết tâm khi tuyên bố: "Tôi đã tự tin lên rất nhiều từ đấu trường SEA Games, và muốn vươn tới một đẳng cấp khác. Tôi tin rằng mình sẽ đạt tới kỷ lục của Michael Phelps ở nội dung 100m bơi bướm".
Có thể Schooling đã lạc quan thái quá.Tại Myanmar, anh mới chỉ phá kỷ lục SEA Games của Hoàng Quý Phước khi về đích với khoảng thời gian 52 giây 67. Thành tích ấy vẫn còn kém xa kỷ lục châu Á của Kohei Kagamoto (51giây), chứ đừng nói kỷ lục thế giới của Michael Phelps (49 giây 82). Nhưng dù sao, tự tin cũng là đáng quý.
Nhưng ngay cả Singapore có quyết tập trung vào các môn thể thao Olympic ở kỳ đại hội tới, ít người tin các nước chủ nhà khác sẽ làm như họ. Căn bệnh thành tích ở khu vực Đông Nam Á vẫn rất khó chữa, và đó là lý do các môn thể thao dân tộc vẫn được coi là mỏ vàng của các quốc gia chủ nhà trong mỗi kỳ đại hội.