Du lịch miền Trung: Ngóng người Nga

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:07, 15/01/2014

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2013, lượng du khách Nga đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 71% so với năm 2012. Điểm đến được khách Nga ưa chuộng là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là Bình Thuận và Nha Trang.
Du lịch miền Trung: Ngóng người Nga

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2013, lượng du khách Nga đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 71% so với năm 2012. Điểm đến được khách Nga ưa chuộng là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là Bình Thuận và Nha Trang. Với sự tăng trưởng này, không ít doanh nghiệp (DN) đầu tư vào cơ sở lưu trú (khu nghỉ dưỡng, khách sạn...) đang tiến hành mở rộng, xây dựng dự án, tập huấn nhân sự chuyên sâu trong phục vụ thị trường khách Nga đầy tiềm năng. Song, việc chỉ chú trọng khai thác, phục vụ một thị trường khách du lịch xem ra cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Đọc E-paper

Thảm đỏ đón khách Nga

Mũi Né từ lâu đã trở thành "làng Nga", "phố Nga" với hàng loạt dịch vụ, khách sạn... được mở ra chỉ để đón tiếp lượng khách du lịch Nga áp đảo.

"Giao thông đối ngoại"

Cách đây 5 năm, khi đến Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận), menu, bảng hiệu tại các nhà hàng, khách sạn chỉ có hai ngôn ngữ Việt - Anh. Gần đây, khi trở lại Mũi Né, các bảng hiệu chữ Tây, chữ ta đã được thay thế, hoặc khuất lấp so với chữ Nga. Trong các nhà hàng, khách sạn hạng sang đến bình dân, menu đều được "Nga hóa" theo đúng như tên gọi quen thuộc mà người ta hay dùng cho Mũi Né: "làng Nga", "phố Nga".

Hiện tại, theo thống kê, khách Nga đang dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Bình Thuận và liên tục tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, năm 2012, Bình Thuận đón hơn 126.000 lượt du khách Nga, tăng 25.000 khách so với 2011. Năm 2013, trong tổng số hơn 315.000 khách quốc tế đến Bình Thuận thì khách Nga đã chiếm trên 47%.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này nếu so với Nha Trang (Khánh Hòa) thì vẫn chưa tạo được bước đột phá. Dù Nha Trang là điểm đến mới của du khách khối SNG (Cộng đồng Các quốc gia độc lập, như: Nga, Ba Lan, Ucraina...) nhưng tính từ năm 2011 đến nay, mức tăng trưởng bình quân giữa các năm dao động từ 40.000 - 50.000 lượt khách.

Nói về lợi thế của Nha Trang, ông Nguyễn Đức Ngọc, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của TD Corporation (chủ đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn - căn hộ 5 sao The Costa Nha Trang, cho rằng, Nha Trang hiện đang sở hữu lợi thế về giao thông đối ngoại, khách du lịch không chỉ đến đây bằng đường ô tô, đường thủy mà cả đường hàng không.

Thực tế, đây là điểm mà Mũi Né - Phan Thiết bị thiếu. Nhiều khách du lịch chấp nhận chi tiền cho việc di chuyển bằng đường hàng không đến Nha Trang thay vì mất từ 6 - 7 giờ di chuyển bằng ô tô từ TP.HCM ra Mũi Né - Phan Thiết.

Ngoài ra, cũng theo ông Ngọc, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Nha Trang không chỉ giáp biển mà còn nằm ngay khu trung tâm thành phố nên du khách có thể tận hưởng các dịch vụ cộng thêm khác. Hơn nữa, khí hậu ở Nha Trang hầu như có thể tận dụng để khai thác du lịch quanh năm vì mưa chỉ diễn ra trong 3 tháng.

Cũng cần phải nói thêm là kể từ khi sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) mở các đường bay thẳng đến Nga đã kích thích khách du lịch vùng Viễn Đông và Siberia đến Nha Trang lẫn Ninh Thuận. Do phải chia sẻ, lượng khách Nga đến Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm 5,4% so với 2012.

Đến nay, có ít nhất 5 hãng hàng không có trụ sở tại Nga có tuyến bay đến cảng Cam Ranh, điển hình như: Vladivostok Air - hãng hàng không lớn nhất của Nga ở khu vực Viễn Đông (thuộc Nga và Siberia), S7 Airlines, UTair Aviation...

Những hãng này thường tổ chức các chuyến bay theo mùa, chủ yếu là phục vụ khách trong khối SNG du lịch và tránh Đông. Trong khi đó, từ tháng 10/2013, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tăng tần suất bay lên hai chuyến/tuần (thay vì 1 chuyến như trước) từ Cam Ranh đến Moscow, và ngược lại. Dự kiến năm 2014 sẽ tăng lên 3 chuyến/tuần.

Theo Hiệp hội Lữ hành Nga (ATOR), hơn 70% du khách Nga chọn những đất nước nóng ấm thay vì đến châu Âu cho kỳ nghỉ hằng năm của mình. Du lịch Việt Nam có lợi thế thu hút khách Nga nhờ bờ biển đẹp, giá cả hợp lý. Hiện có 29 thành phố của Nga đề xuất tổ chức đường bay thẳng tới Việt Nam.

Những ngôi sao đang lên

Không chỉ có đường bay thẳng đến Nga, thông qua chương trình phối hợp giữa Công ty Ánh Dương (đối tác của Công ty Pegas Touristik - Công ty Lữ hành Thổ Nhĩ Kỳ có trụ sở tại Nga) và Pegas Touristik, vào tháng 11/2013, Hãng Hàng không Kharkiv đã thực hiện chuyến bay thẳng từ sân bay Boryspil (thủ đô Kiev, Ukraina) đến Cam Ranh và mang theo hơn 200 du khách.

Ước tính, trong số hơn 130.000 lượt khách Nga đến với Nha Trang thì riêng Ánh Dương đã đưa hơn 101.000 khách. Ánh Dương cùng với đối tác Pegas Touristik cũng là đơn vị đứng đầu về việc tổ chức cho du khách khối SNG đến Việt Nam hiện nay.

Theo chia sẻ cùa bà Hoàng Thị Thu Phong, Tổng giám đốc Công ty Ánh Dương, bắt đầu từ tháng 10/2013 - 4/2014 (mùa cao điểm của khách du lịch Nga), Công ty sẽ cùng Pegas Touristik tổ chức 72 chuyến bay thuê bao/tháng để đưa du khách từ Nga sang Việt Nam. Trong khi đó, với thị trường Nha Trang, hai đơn vị này cũng sẽ phối hợp để mỗi tuần có một chuyến bay thẳng từ Ukraina đến Cam Ranh.

Không chỉ thu hút các công ty du lịch, hơn một năm qua, Nha Trang cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Nhiều người trong số đó đã bày tỏ thẳng thắn rằng, họ nhắm đến thị trường khách du lịch khối Đông Âu.

Tại phiên giới thiệu các dự án và kêu gọi đối tác tham gia vào các dự án ở TP.HCM hồi tháng 8/2013, ông Phan Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) cho biết, Công ty và các đối tác đến từ Nga đang nghiên cứu để phát triển một dự án khách sạn chuyên biệt cho khách du lịch Nga ở Nha Trang vì khách Nga đang chuộng điểm đến nay.

Theo ông Tuấn, tiềm năng du lịch của khu vực miền Trung khá lớn nên nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào hạng mục lưu trú.

Thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, đến hết quý I/2013, Nha Trang có khoảng 4.800 phòng khách sạn từ 3-5 sao, tăng 3% so với quý VI/2012, nguồn cung tăng nhưng các cơ sở lưu trú vẫn hoạt động tốt do lượng khách quốc tế đến Nha Trang tiếp tục tăng.

Dự kiến, trong tương lai, Nha Trang sẽ có thêm 25 khách sạn với 4.100 phòng, một phần trong số này, tương đương với gần 900 phòng đã gia nhập thị trường trong năm 2013.

Nhìn vào sự thu hút khách du lịch tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể thấy, gần đây, Nha Trang đang là điểm đến mới của khách du lịch Nga, thay vì Mũi Né - Phan Thiết giữ vị trí độc tôn như trước.

Ngoài ra, Đà Nẵng và Phú Quốc cũng đang trở thành những "ngôi sao đang lên", khi mới đây, Công ty Ánh Dương và Pegas Touristik đã thống nhất với các cơ quan quản lý địa phương đưa khách Nga bay trực tiếp từ Nga đến Phú Quốc bằng máy bay thuê bao của Pegas Touristik.

Theo đó, trước mắt sẽ có hai chuyến từ Nga đến đảo Phú Quốc mỗi tuần. Được biết, du khách Nga cũng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến Phú Quốc với 30%.

Trước tình hình này, tỉnh Bình Thuận đã thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch sân bay Phan Thiết và dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm nay. Một khi sân bay đi vào hoạt động, Mũi Né - Phan Thiết sẽ phá vỡ điểm yếu về "giao thông đối ngoại".

Có mới, nới cũ

Vì quá chú trọng vào mảng khách Nga, các đơn vị kinh doanh du lịch địa phương dần chểnh mảng việc chăm sóc các thị trường khác như châu Âu, Úc và My.

Trong kinh doanh, việc tổ chức nhằm thu hút một lượng lớn khách quốc tế đến nghỉ ngơi, du lịch, mua sắm là một động thái tích cực. Tuy nhiên, chính vì quá chú trọng vào mảng khách Nga, các đơn vị kinh doanh du lịch địa phương dần chểnh mảng việc chăm sóc các thị trường khác như châu Âu, Úc và Mỹ...

Đây là hạn chế mà ngành du lịch Việt cần xem xét, nhằm giảm thiểu những rủi ro bất chợt có thể xảy ra nếu một lúc nào đó khách Nga "quay lưng" với các địa danh du lịch Việt Nam.

Điều này có thể nhìn thấy từ Ai Cập. Trước đây, Ai Cập được ghi nhận là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Nga, nhưng hiện nay, Ai Cập đang dần bị lơ là vì ngoài các di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, Ai Cập chưa có tầm nhìn và chiến lược lớn để giữ chân khách Nga lâu hơn.

Theo chia sẻ từ các chuyên viên du lịch, du khách Nga thường đi cả nhóm và rất chịu tiêu tiền để hưởng thụ các dịch vụ tại khu lưu trú như: spa, vũ trường, ăn uống... Tuy nhiên, khách Nga có thói quen là chỉ đến một lần và thường không quay trở lại. Trong khi đó, các luồng du khách quốc tế khác có thể chọn đến Việt Nam hai, ba lần trong các kỳ nghỉ của mình.

Cho nên, việc chăm chăm lo phục vụ khách Nga của các cơ sở dịch vụ dễ làm khách quốc tế trở nên ngại ngần vì hiện nay, bước đến Nha Trang hay Bình Thuận đi đâu cũng thấy toàn bảng hiệu tiếng Nga, điều này gây cho du khách quốc tế nói chung một cảm giác hai địa danh này đang dần biến thành "phố Nga", chuyên phục vụ cho người Nga.

Tất cả làm họ "mất cảm hứng" vì nếu muốn, họ có thể du lịch Nga rất dễ dàng, không cần tốn nhiều thời gian và tiền bạc sang Việt Nam để ngắm những "phố Nga nhái" đang thi nhau nở rộ.

Thậm chí, nhiều người Nga đã "định cư” ở Mũi Né để mở cửa hiệu kinh doanh, làm dịch vụ các mặt hàng phục vụ "khách từ quê nhà” sang. Thông qua một người bạn làm du lịch, chúng tôi tiếp xúc với Ilia, một thanh niên người Nga, được mệnh danh là "thổ địa" khu Mũi Né vì không chỉ làm hướng dẫn viên tự do cho khách Nga sang Việt Nam du lịch, đặc biệt ở cung đường Mũi Né - Ninh Thuận - Nha Trang, Ilia còn môi giới khách Nga cho các khu nghỉ dưỡng. Ilia chia sẻ, đã có không ít cơ sở lưu trú tại Phan Thiết - Mũi Né mời anh về làm việc hẳn nhưng anh không thích sự ràng buộc.

Liên quan đến thị trường khách Nga, giám đốc một công ty du lịch chuyên mảng Inbout quốc tế ngậm ngùi chia sẻ, công ty họ mở rộng thị trường marketing tại Nga và đạt được nhiều thành công, thế nhưng họ lại bị "thua trắng" khi lượng du khách Âu và Úc thân quen đã chính thức từ chối đến hai địa danh Nha Trang và Bình Thuận.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, du khách quốc tế rất tôn trọng văn hóa của mỗi quốc gia nên khi đến Việt Nam, họ nhắm đến việc tìm hiểu, khám phá nét văn hóa địa phương nhưng hiện nay, cứ thử làm một vòng dạo quanh Nha Trang hay Mũi Né rất dễ nhận ra rằng, thay vì để cửa hiệu bằng tiếng Việt hay theo quy chuẩn chung của quốc tế là tiếng Anh thì nay ưu tiên cho tiếng Nga.

Thậm chí, có nơi còn từ chối tiếp khách Việt, chỉ dành phục vụ khách Nga. Điều này đã từng xảy ra ở nhà hàng Cát Vàng (Mũi Né), đơn vị này sau đó phải công khai xin lỗi vì đã chê bai, không tiếp đón, phục vụ du khách Việt.

Do vậy, muốn kinh tế du lịch đia phương phát triển bền vững thì cần phải gạt bỏ tâm lý kinh doanh theo kiểu "ăn xổi ở thì” hoặc quá chú trọng vào một thị trường gây nên những lệch pha trong marketing, tạo tư tưởng "được ăn cả, ngã về không".

Trong khi đó, cũng tại Việt Nam nhưng Hội An (Quảng Nam) luôn được hầu hết du khách quốc tế đánh giá cao bởi những quy chuẩn rất riêng và thuần Việt. Đó là lý do không chỉ khách du lịch nội địa mà khách quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn khám phá Hội An.

DƯƠNG HẢI