Những di tích cổ xưa ở Quảng Yên

Du lịch - Ngày đăng : 08:48, 21/01/2014

Được bao bọc bởi Hải Phòng, Hạ Long, Uông Bí, thị xã Quảng Yên dường như có chút “lép vế” vì mọi sự chú ý của du khách đã bị hút về ba thành phố náo nhiệt kia.
Những di tích cổ xưa ở Quảng Yên

Được bao bọc bởi Hải Phòng, Hạ Long, Uông Bí, thị xã Quảng Yên dường như có chút “lép vế” vì mọi sự chú ý của du khách đã bị hút về ba thành phố náo nhiệt kia. Thế nhưng nếu có một ngày thong thả ở đô thị hai trăm năm tuổi này, người ta sẽ tìm thấy những khoảnh khắc đẹp và thật yên bình.

Đọc E-paper

Hai cây lim giếng Rừng, chứng tích còn lại của khu rừng cung cấp gỗ vót cọc cắm trên sông Bạch Đằng xưa
>Du Xuân miền ngược
>Thị trấn Dran mùa hoa dã quỳ
>
Troh Bư, ý tưởng về một khu bảo tồn lan rừng
>Đặc sắc lễ hội chùa Minh Khánh

Hơn hai thế kỷ trước, trấn lỵ Quảng Yên bên dòng sông Chanh đã được nhà Nguyễn lập nên. Nền nông nghiệp trù phú và giao thương thuận lợi mang lại cho vùng đất này sự giàu có về cả di tích vật thể lẫn phi vật thể.

Hệ thống đình, chùa, từ đường dày đặc trên các phố nhỏ hay các làng ngoại ô khiến du khách nhận ra ngay đây là vùng đất một thời phồn thịnh. Thêm vào đó, một số tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp quý phái nằm dưới bóng cây cổ thụ khiến thị xã có vẻ nên thơ rất riêng.

Lạc bước vào chợ Rừng, ngôi chợ lớn nhất, sầm uất nhất ở đây nhiều người lại tưởng mình đang ở một góc chợ quê. Những cụ bà bên rổ rau, giỏ trứng nho nhỏ lấy từ vườn nhà từ tốn bán mua. Khoản lời nhỏ chỉ đủ mua trầu và quà cho cháu nhưng niềm vui đơn sơ từ một buổi chợ hiền hòa khiến du khách cũng thấy vui lây.

Bến xe Quảng Yên, một kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc

Theo nhiều khảo sát gần đây, Quảng Yên là địa phương được xếp hàng đầu ở Việt Nam về mật độ di tích lịch sử. Trong đó, chỉ riêng di tích Bạch Đằng, nơi từng diễn ra những trận đánh oanh liệt đã nói lên bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn.

Trong quần thể này hiện còn lại khu bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Hưng Đạo Vương cổ kính. Đặc biệt miếu Vua Bà gắn với huyền thoại về bà cụ hàng nước năm xưa mách lịch thủy triều lên xuống, giúp Trần Hưng Đạo dụng kế đóng cọc lim đánh tan thuyền giặc nay được mở rộng về quy mô thật khang trang, đẹp đẽ.

Chưa hết, nằm gần bên bờ sông Chanh được xây kè chắc chắn là hàng loạt những di tích khác như đình Trung Bản, đền Trung Cốc, hai cây lim giếng Rừng – dấu tích của khu rừng mà năm xưa người dân đã chặt gỗ để vót cọc phá thuyền…

Nhà thờ bên sông
Đền thờ Hưng Đạo Vương

Qua cây cầu bắc ngang sông hướng về phía nam thị xã, chúng tôi đặt chân lên đất đảo Hà Nam. Đây là một bãi phù sa có địa hình thấp hơn mực nước biển khi thủy triều lên và được gọi là đảo.

Hà Nam có tới 34km đê biển bao quanh, được đánh giá là nơi bảo tồn khá nguyên vẹn nét văn hóa, tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ với hơn 20 ngôi đình, chùa, 80 từ đường của các dòng họ.

Phong cảnh trên đảo thật đẹp, nép dưới rặng dừa xanh mát là những mái ngói rêu phong. Các di tích trên đảo còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc rất có giá trị như các mảng chạm khắc được làm công phu, sắc nét tạo thành các bức tranh sống động hình tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng uốn lượn mềm mại.

Ngoài ra, trong từ đường còn có các bản gia phả, sắc phong và các đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của cha ông đi khai hoang mở đất.

Một ngôi chùa cổ giữa ruộng đồng
Kiến trúc cổ trên đảo Hà Nam

Dù nét xưa cũng đã đôi phần mai một nhưng cứ mỗi độ tết đến, người dân Quảng Yên lại náo nức tổ chức hàng chục lễ hội lớn, nhỏ như: lễ ra cỗ họ, lễ hội Tiên Công, lễ đại kỳ phước của các làng xã, lễ hội xuống đồng và nhiều hội làng độc đáo khác.

Trong những ngày này, các làn điệu hát chèo, hát đúm, hát giao duyên cũng rộn ràng khắp làng trên xóm dưới. Nếu đến thị xã vào đúng ngày hội, thế nào khách phương xa cũng được người địa phương mời nếm một miếng bánh dày hay bánh gio đảo Hà Nam để gọi là tỏ lòng hiếu khách…

PHƯƠNG HIỀN - Ảnh: CHẾ TRUNG HIẾU - LÊ XUÂN HƯNG/DNSGCT