Đổi mới cần trọn vẹn

Du lịch - Ngày đăng : 05:34, 25/01/2014

Trước những cơ hội và thách thức trên con đường phát triển và hội nhập, không thể khác, chúng ta phải có những thay đổi căn bản để tự tin tiến tới tương lai.
Đổi mới cần trọn vẹn

Công cuộc đổi mới được phát động từ đại hội VI (1986) đã làm thay đổi sâu sắc đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX. Nhưng đến nay, những thành tựu ấy chỉ còn là ánh hào quang của quá khứ. Trước những cơ hội và thách thức trên con đường phát triển và hội nhập, không thể khác, chúng ta phải có những thay đổi căn bản để tự tin tiến tới tương lai.

Đọc E-paper

Từ sao sáng đến sao mờ

Chuyển sang cơ chế thị trường, thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, thực hiện cơ chế khoán trong nông nghiệp đã phát huy tính năng động, trí sáng tạo của người dân. Nước ta từ một nước phải nhập khẩu lương thực nay đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu quan trọng trên thế giới. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xóa bỏ độc quyền nhà nước về xuất - nhập khẩu đã phát huy được lợi thế so sánh của Việt Nam. Con số xuất khẩu 98% sản lượng hạt tiêu, 95% sản lượng cà phê ra thế giới quả là đáng nể.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro khi thăm Việt Nam đã phát biểu: “Sau khi chiến tranh kết thúc, Cuba cử hàng trăm chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam, trong đó có nhiều chuyên gia và kỹ thuật viên về nuôi cá và trồng cà phê.

Ngày nay, thật là một nghịch lý khi Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ USD cá và cà phê thì Cuba phải nhập khẩu những thứ đó” (Thời báo Havana, 4/7/2012). Đó là một trong những lời khen ngợi chân thành của người bạn đang học tập kinh nghiệm từ công cuộc Đổi mới của Việt Nam.

Việt Nam đã vượt qua nhóm nước nghèo và gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn 1,25 USD/ngày theo sức mua tương đương) đã giảm từ 63% (1993) xuống 18% (2008).

Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc trong những năm 1990 của thế kỷ XX và đã được coi là một nền kinh tế cải cách thành công từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Biết bao hy vọng và hứa hẹn đã dấy lên trong lòng mỗi người Việt Nam và bạn bè thế giới.

Song, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại rất nhiều, chỉ còn ở mức 5 - 5, 3%/năm, với mức tăng dân số 1,1 triệu người/năm, thì mức tăng đó chỉ đủ để duy trì mức sống đã đạt được với một vài cải thiện nhỏ.

Nền kinh tế thực sự đã lâm vào khủng hoảng với các biểu hiện: nợ xấu ngân hàng ở mức cao, bất động sản bị đầu cơ, một lượng vốn khổng lồ bị tồn đọng, đầu tư công tràn lan, đầy rẫy lãng phí, doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động kém hiệu quả, ngân sách bội chi cao, nợ công tăng nhanh, tham nhũng, tiêu cực khó đường khống chế...

DN Nhà nước, vốn được coi là “quả đấm thép”, là “anh cả Đỏ”, đã không làm đúng vai trò “chủ đạo” và thực sự gây quan ngại với những vụ phá sản đình đám mang tên Vinashin, Vinalines. Hai trường hợp nổi cộm này đã phơi bày một thực trạng quản trị DN tùy tiện, bị lợi ích nhóm chi phối, rút ruột của công để làm giàu túi riêng.

Lực lượng DN dân doanh với tổng số DN đăng ký lên đến trên 600.000 DN là một thành tựu đáng tự hào của công cuộc đổi mới. Song, do lãi suất ngân hàng cao quá sức chịu đựng (21%/năm), lạm phát nâng cao chi phí đầu vào trong khi sức mua giảm sút, cộng với nhiều khó khăn khác, từ 2011 đến nay, con số bị phá sản, đóng cửa đã lên đến 150.000 DN. Số còn lại rất chật vật, vẫn đang tiếp tục vật lộn với khó khăn để sống sót.

Nông nghiệp vốn là trụ cột quan trọng, ổn định của nền kinh tế Việt Nam đã giảm sút mạnh từ mức tăng trưởng 3,3%/năm trong những năm 2006 - 2010 xuống còn 2,6%/năm. Không ít nông dân đã lâm vào tình cảnh nợ nần, thậm chí phá sản.

Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, đóng góp đến 68% xuất khẩu, song giá trị gia tăng thấp, đóng góp ngân sách không tương xứng với số đất đai, tài nguyên đã sử dụng.

Nhiều vụ chuyển giá, báo lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng kinh doanh thực sự thách thức năng lực quản lý và giám sát của bộ máy nhà nước. Những hiệu ứng lan tỏa, chuyển giao công nghệ từ DN đầu tư nước ngoài được mong đợi trên lý thuyết đã không diễn ra.

Thực tế của 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy đầu tư nước ngoài không thể thay thế được những DN trong nước, thương hiệu nước ngoài không thể thay thế được những thương hiệu Việt Nam và đầu tư nước ngoài không thể là giải pháp đích thực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta. Báo chí trên thế giới đã từ chỗ coi Việt Nam như một “Ngôi sao đang lên”, năm 2013 đã gọi Việt Nam là một “Ngôi sao đang lu mờ”.

Điều kiện đã chín muồi

Đã hội nhập quốc tế tức là tham gia cuộc đua đường trường với các nước trên thế giới. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ so sánh với quá khứ để tự mãn với chính mình, mà phải so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dân số đứng thứ 13 trên thế giới nhưng GDP của Việt Nam  tính theo sức mua tương đương chỉ xếp thứ 42, thua cả Singapore chỉ có 6 triệu dân nhưng xếp thứ 39; GDP/người theo sức mua tương đương xếp thứ 123 trên tổng số 179 nền kinh tế - một vị trí thấp đáng hổ thẹn.

Về nhiều chỉ số khác, nền kinh tế nước ta đều ở vị trí thấp dưới trung bình và nhiều năm không được cải thiện, như xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố xếp thứ 99 (2013) hay 98 (2012) trên 185 nền kinh tế, xếp thứ 7 trong 10 nước ASEAN.

Đặc biệt, chỉ số Cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố tuy đã được cải thiện chút ít nhưng vẫn thuộc loại rất thấp (123/176 quốc gia năm 2012 và 116/177 quốc gia năm 2013).

Rõ ràng, Việt Nam đã tự đánh mất ánh hào quang của công cuộc Đổi mới trước đây, để mất vị trí tiên phong trong cải cách và hội nhập của những năm 1990, và đã làm thất vọng không ít bạn bè chân thành trên thế giới. Chúng ta không chỉ đi chậm so với các nước trong khu vực, mà còn không thực hiện những quyết định đúng đắn của chính chúng ta.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua (1/2011) đã khẳng định:

“Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chiến lược coi “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là khâu đột phá chiến lược số 1. Chiến lược cũng nhấn mạnh:

“Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế” và “Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”.

Đồng thời, chiến lược nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty. Sớm hoàn thiện thể  chế quản lý hoạt động của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước”.

Từ Đại hội XI đến nay, chúng ta đã làm rất nhiều việc nhưng chưa có quyết định nào về đổi mới chính trị, về cải cách thể chế đồng bộ với cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế. Mặt khác, trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ từ Đại hội XI đến nay không hề đề cập đến yêu cầu kiểm soát và giám sát độc quyền trong kinh tế.

Thực tế cho thấy, chưa bao giờ chúng ta có một bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều quan chức, tiêu tốn ngân sách lớn như bây giờ, và cũng chưa bao giờ niềm tin của người dân và DN vào bộ máy lại thấp như bây giờ. Chất lượng văn bản ban hành kém và nhiều thiếu sót đáng ngạc nhiên, không ít bộ trưởng lúng túng khi trả lời chất vấn làm cử tri thực sự thất vọng. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhận định:

“Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội... Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Rõ ràng, công cuộc Đổi mới của Việt Nam tuy khởi đầu rất hứa hẹn nhưng chưa được trọn vẹn. Chúng ta đã quá chậm trong cải cách bộ máy. Hậu quả là bộ máy đó chậm thực hiện ngay cả những quyết định đúng đắn của chính chúng ta.

Đất nước ta, một lần nữa, lại phải đứng lên thực hiện những cải cách đã chín muồi mà DN và người dân đã lên tiếng rất thẳng thắn. Trước những cơ hội và thách thức trên con đường phát triển và hội nhập, không thể khác, chúng ta phải có những đổi mới căn bản, đồng bộ về chính trị, thể chế và kinh tế để tự tin bước tới tương lai.

LÊ ĐĂNG DOANH