Cần cân nhắc tính độc lập của chính sách tài chính - tiền tệ
Du lịch - Ngày đăng : 06:05, 12/02/2014
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam, trong đó có một điểm then chốt: Với các trường hợp vượt giới hạn, Thủ tướng sẽ quyết định. Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói: "Cần rút kinh nghiệm từ việc Thủ tướng quản lý các tập đoàn nhà nước trước đây".
* Theo ông, động thái này sẽ xử lý được phần nào những vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay?
- Chắc chắn như vậy, ít nhất là về góc độ nguồn lực tài chính. Việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho các NĐTNN là phù hợp bởi một trong những cam kết của Việt Nam với thế giới về hội nhập liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng.
Việt Nam đang sắp xếp lại các tổ chức tài chính, việc tăng cường thu hút các NĐTNN là cần thiết kể cả nguồn lực cũng như góc độ đầu tư chiến lược. Nếu thật sự tìm kiếm các NĐT chiến lược có quy mô vốn lớn, phải cho họ một room phù hợp, tương ứng với khả năng cũng như mục tiêu họ muốn chi phối.
Việc nới room cũng sẽ tạo điều kiện cho các NĐT chiến lược mới có nguồn gốc nước ngoài tham gia, thay vì ngồi đợi các NĐTNN đầu tư gián tiếp trước đây rút ra sau khi đã thu được lợi nhuận.
* Ông nhận xét như thế nào về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, cao hơn 5% so với quy định cũ...?
- Nới tỷ lệ sở hữu đối với NĐTNN phải rất thận trọng. Nghị định này, theo thông lệ thì tỷ lệ nới không nhiều, thậm chí là thấp nhưng có một điểm then chốt là đối với những trường hợp vượt ra khỏi giới hạn, Thủ tướng sẽ quyết định. Như vậy, không đơn giản là chuyện nới room, Nghị định đã mở ra một cửa liên quan đến trường hợp ngoại lệ và phù hợp với chuyện các tổ chức tín dụng có thể bán hẳn cho người nước ngoài, thậm chí dành cho họ cổ phần chi phối.
Thủ tướng quyết định những trường hợp ngoại lệ nhưng vấn đề là Thủ tướng không thể nắm hết mọi chuyện, cũng không thể xử lý từng vụ việc do các bộ phận trực tiếp có liên quan, các cơ quan quản lý trình lên. Vì vậy, rất cần rút bài học kinh nghiệm từ việc Thủ tướng quản lý các tập đoàn nhà nước trước đây, bởi thực tế đã có rất nhiều việc của cấp dưới nhưng cấp dưới không làm mà đẩy hết lên cấp trên, thậm chí là đến cấp Thủ tướng quyết định.
* Liên quan đến điểm ông cho là "mấu chốt", vấn đề gì cần chú ý?
- Tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đối với một tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng luôn là một trong những vấn đề đàm phán khó khăn khi hội nhập với nền kinh tế các nước. Điểm mấu chốt của nghị định này không chỉ liên quan đến từng tổ chức tín dụng, mà về bản chất, người ta rất e ngại nó liên quan đến rủi ro hệ thống.
Như vậy, trách nhiệm của các NĐTNN đối với một tổ chức tài chính tại một quốc gia không thể đánh đồng như trách nhiệm của một nhà đầu tư trong nước đối với một tổ chức tài chính.
Một điểm quan trọng nữa, các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng là đơn vị triển khai chính sách tài chính - tiền tệ đi vào thực tế, nhưng một trong những quan điểm của chính sách tài chính tiền tệ là tính độc lập. Đó là độc lập của một quốc gia mang tính chất tự chủ về chính sách tài chính - tiền tệ.
Nếu hệ thống tài chính do các nhà tài chính nước ngoài nắm giữ, quốc gia đó sẽ đánh mất tính độc lập, tự chủ về chính sách tài chính - tiền tệ. Liên quan đến điểm này, việc mở chính sách tài chính - tiền tệ với từng trường hợp cụ thể, cần cân nhắc về sự ảnh hưởng đến hệ thống, ảnh hưởng đến việc thực thi tính độc lập của chính sách này.
* Cảm ơn ông!