Đông Á: Ôn cố tri tân
Quốc tế - Ngày đăng : 08:31, 13/02/2014
Như một sự tình cờ, lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay đều là "con ông cháu cha" và những quyết sách của họ về vấn đề lãnh hải cũng mang bóng dáng của quá khứ.
Đọc E-paper
Nhật Bản và TQ chưa tìm được giải pháp cho các tranh chấp đảo Sen Ka Ku/Điếu Ngư |
Những căng thẳng trên Biển Đông được nhìn nhận có nguyên nhân xuất phát từ tham vọng của Trung Quốc (TQ), đang muốn chứng minh vị thế của một cường quốc và tái khẳng định sự thống trị của mình ở khu vực này. Trong khi đó, Nhật Bản và nhiều quốc gia láng giềng cảm thấy lo lắng về nguy cơ trở thành nước "chư hầu", buộc phải gia tăng các hoạt động quân sự phòng thủ.
Nhưng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cũng nhìn vào lịch sử để dẫn giải một góc nhìn khác sâu xa hơn, cho thấy quyết định của giới lãnh đạo nhiều nước trong khu vực đang có sự ảnh hưởng của cái bóng của quá khứ để tìm giải pháp cho những vấn đề hiện tại.
Chẳng hạn, Shinzo Abe, đương kim Thủ tướng Nhật Bản, là cháu trai của Nobusuke Kishi, một quan chức công nghiệp hàng đầu trong Thế chiến II của Nhật Bản. Bị coi như một tội phạm chiến tranh vào năm 1945, Nobusuke Kishi được trả tự do vào đầu của Chiến tranh Lạnh và được bầu làm Ngoại trưởng vào năm 1957.
Ông này là một chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, theo đuổi đường lối xây dựng đồng minh trung thành của Hoa Kỳ và khôi phục sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Là một người thuộc cánh hữu, cũng như người ông của mình, Abe cũng có xu hướng liên minh với Hoa Kỳ để khắc chế tham vọng của TQ. Dùng các chính sách cổ động niềm tự hào dân tộc, Abe tuyên bố sẽ trẻ hóa nền kinh tế đãng trì trệ của Nhật Bản sau 2 thập niên "mất mát", sửa đổi hiến pháp để hiện đại hóa quân đội.
Chính vì thế, ông Abe luôn tỏ ra cứng rắn trước các tham vọng lãnh thổ của TQ. Thậm chí, mới đây, ông đã tới thăm ngôi đền Yasukuni thờ những binh sĩ chết trận của nước này, khiến TQ ngay lập tức phản đối mạnh mẽ, vì cho rằng đền thờ này là cái nhìn sai lệch về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Một Abe không nhún nhường càng khiến các mâu thuẫn hiện tại về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước bị khoét sâu hơn. Một trong những đồng minh lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh của Kishi, ngoài Tổng thống Mỹ Nixon, còn có Tổng thống Park Chung-hee của Hàn Quốc. Park từng là một sĩ quan trong quân đội Nhật Bản với cái tên Takagi Masao.
Con gái của ông hiện nay là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Mặc dù vẫn còn được người dân Hàn Quốc ngưỡng mộ bởi thành tích xây dựng Hàn Quốc từ đống đổ nát của chiến tranh, nhưng Park Chung-hee vẫn bị chỉ trích về quan hệ trong quá khứ với Nhật Bản. Vì vậy, để bảo vệ uy tín chính trị, bà Park Geun-hye cũng phải tỏ ra cứng rắn và quyết liệt trong các đối đầu với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi đó, chính sách của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng mang bóng dáng của bậc tiền bối là cha của ông, cố Phó Thủ tướng Tập Cận Huân, một trong các kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế TQ. Thời Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông chỉ tập trung củng cố cuộc cách mạng trong nước, các tranh chấp những hòn đảo nhỏ không quan trọng, thậm chí Mao còn không bận tâm để đòi lại Hồng Kông từ Anh. Chỉ đến khi Đặng Tiểu Bình mở cửa với các nước tư bản, các phong trào chống Nhật Bản mới được kích động nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc để thực hiện các quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo Trung Nam Hải.
Người ảnh hưởng lớn tới chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không ai khác hơn Tập Cận Huân. Cũng như cha của mình, ông Tập Cận Bình cũng đang theo đuổi chính sách cải cách kinh tế, mở cửa hơn nữa với thế giới bên ngoài. Đó là lý do tại sao ông cũng như cái cách của Đặng Tiểu Bình, phải đánh bóng chủ nghĩa dân tộc bằng cách khẳng định sự thống trị của TQ ở Đông Á.
Tập Cận Bình đang thúc đẩy những gì ông gọi là "giấc mơ TQ" và "phục hưng dân tộc Trung Hoa", tuyên bố xây dựng một quân đội mạnh mẽ hơn, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và làm trong sạch đảng cầm quyền đang đối mặt với nạn tham nhũng và chia rẽ.
Không ai trong số các nhà lãnh đạo Tập, Abe, hoặc Park muốn có một cuộc chiến tranh thực sự. Mục tiêu cao nhất của họ là khôi phục kinh tế, cải cách xã hội hướng tới năm 2020. Thậm chí, theo Kyodo News, 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị TQ, do Tập Cận Bình đứng đầu, quyết định nước này "không có ý định gây chiến với Nhật Bản". Nhưng một lý do khác thổi bùng các căng thẳng ở khu vực là sự hiện diện của người Mỹ.
Mối quan hệ đồng minh với Mỹ tạo ra các xung đột giữa TQ và các nước còn lại trong khu vực. Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á quả là đáng lo ngại vì các chính phủ nhiều khi tìm cách "chuyển lửa" ra ngoài, thổi lên tinh thần dân tộc nhằm làm dịu đi bức xúc nội bộ vì tham nhũng hoặc khỏa lấp đi bế tắc kinh tế. Ngoài nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, nhưng nhiều khi, các quốc gia châu Á lao vào các tranh chấp lãnh hải, đôi khi chỉ vì một vài mỏm đá, bãi san hô không người ở, không dầu mỏ, nhưng lại mang giá trị danh dự dân tộc.